“Khi rơi vào hoạn nạn, sự cùng quẫn bế tắc, chỉ cần một bàn tay chìa ra đúng lúc cũng có thể ngăn người ta đến với những ý nghĩ tồi tệ, cho họ thấy ánh sáng dù chỉ là một chút để đứng dậy mà bước tiếp” – Anh Hoàng Tuấn Anh, CEO của PHGLock, cha đẻ của ATM Gạo, ATM Khẩu trang, ATM Oxy chia sẻ.
Không thể phủ nhận, nhờ ATM Gạo , ATM Khẩu trang và nay là ATM Oxy mà PHGLock – doanh nghiệp do anh Hoàng Tuấn Anh đang làm Tổng giám đốc được mọi người biết đến nhiều hơn.
Sự nghiệp kinh doanh của anh cũng là một câu chuyện hấp dẫn, nhưng trên tất cả, điều người ta nhìn thấy là sự nhân ái và sẻ chia được doanh nhân này truyền tải.
CÓ THỂ NHỊN ĂN 1-2 BỮA NHƯNG KHÔNG AI CÓ THỂ NHỊN THỞ DÙ CHỈ 1 PHÚT
Thưa anh, câu chuyện ATM oxy đã mang đến niềm hi vọng lớn đối với các bệnh nhân F0, F1 đang điều trị COVID-19 tại nhà và cũng mang đến nguồn năng lượng tích cực giữa lúc cả nước đang gồng mình chống dịch. Anh có thể chia sẻ lý do triển khai công việc này?
Thời gian qua, TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang gồng mình chống dịch, lực lượng y tế cũng đã quá tải khi phải đảm nhiệm một lúc quá nhiều công việc, từ điều trị người bệnh, làm bệnh viện dã chiến, tiêm vaccine cho người dân… Tôi muốn hỗ trợ phần nào cho họ.
Bên cạnh đó có nhiều bệnh nhân F0, F1 được các cơ sở y tế chỉ định điều trị tại nhà, họ không thể đem bình oxy đi đổi. Trong khi đó, số lượng tài xế giao hàng công nghệ cũng hạn chế vì phải gánh đơn giao hàng cho toàn thành phố. Xe của các trung tâm sang chiết oxy thì đã quá tải trong khi nguồn cung hiếm.
Bạn tưởng tượng, người dân có thể nhịn ăn 1-2 bữa nhưng không thể nào nhịn thở dù chỉ một phút. Bình oxy đối với họ là rất cấp bách.
Tình cờ, tôi có đọc được câu chuyện về chú Lê Đình Văn (40 tuổi, ngụ TP. HCM) di chuyển giữa đêm 27/7, khi đó TP đã đến giờ giới nghiêm nhưng chú vẫn phải ra ngoài để chở bình oxy về cứu con trai đang bị u gan nguyên bào.
Cũng vào khoảng thời gian đó, tôi nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của một người bạn là phó giám đốc chi nhánh ngân hàng cho biết cả gia đình của một nhân viên bảo vệ ở ngân hàng mình đều là F0, đặc biệt cha anh bảo vệ này mắc bệnh mãn tính nặng. Bình oxy trong nhà chỉ còn vài tiếng, nếu không hỗ trợ thì không qua khỏi đêm hôm đó.
ATM oxy đã ra đời như thế. Đây cũng là hoạt động tiếp nối của tôi phối hợp Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức.
ATM oxy vận hành như thế nào, thưa anh?
Hội Doanh nhân trẻ giúp chúng tôi vận động các hội viên và các nhà hảo tâm để có kinh phí hoạt động, phục vụ hậu cần, vận chuyển. Về phía Thành đoàn TP.HCM hỗ trợ khâu tổ chức, đặt các trạm cung cấp oxy ở quận đoàn.
Khi người bệnh gọi vào số hotline, chúng tôi sẽ tiến hành xác minh thông qua các đoàn viên tăng cường tại các quận, huyện. Xác định đúng được người cần bình oxy, các đoàn viên, tình nguyện viên sẽ đưa bình oxy đến cho các F0 và người dân cần sử dụng.
Nhưng việc sang chiết oxy không đơn giản, anh đã làm như thế nào?
Hiện tại, chúng tôi đã tìm được một số trạm sang chiết ở Hooc Môn, Quận 9, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà rịa Vũng Tàu,… Mỗi ngày, các xe bán tải của đội phản ứng nhanh sẽ đi nạp khí oxy tại các trạm sang chiết này sau đó đem về các trạm ATM oxy ở các quận, huyện. Và khi bệnh nhân gọi, chúng tôi sẽ vận chuyển tới tận tay họ.
ATM OXY – CHỈ CHO MƯỢN, KHÔNG TẶNG
ATM Oxy chỉ “cho mượn” mà không tặng, vì sao vậy?
Bình oxy cấp thiết ở thời điểm hiện tại nhưng khi không dùng tới nữa, các hình oxy đó sẽ dư thừa. Tôi nghĩ, sau này khi TPHCM kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu giảm thì nhóm có thể chuyển sang cho tỉnh, thành khác tiếp tục triển khai hoặc chuyển đổi công năng sử dụng.
Trong những ngày vừa qua, ATM oxy đã lan tỏa như thế nào, thưa anh?
Khởi đầu từ ngày 2/8/2021, chúng tôi đã vượt qua giai đoạn đầu với 90 bình cho 6 quận huyện đó là quận 7, quận 8, quận 10, quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, giờ chúng tôi đã bước sang giai đoạn 2 mở rộng tới 12 quận huyện và các bệnh viện với 300 bình và sau đó là giai đoạn 3 tối thiểu là 900 bình trên quy mô tất cả các quận huyện và TP Thủ Đức.
Khi TPHCM tạm thời kiểm soát được dịch bệnh, chúng tôi hướng tới hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện với số lượng dự kiến là 5.000 – 10.000 bình. Tiếp theo đó sẽ mang “ATM oxy” cho các bệnh viện mượn để sau này TP Hồ Chí Minh giảm dịch thì có thể hỗ trợ các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Với số lượng bình oxy lớn cần đưa đến các bệnh nhân như vậy, ai sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ shipper, thưa anh?
Hiện tại, việc vận chuyển bình oxy đến các bệnh nhân do các đoàn viên ở các quận đoàn và các tình nguyện viên thực hiện.
Cho “mượn” bình và giao tận nơi, tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đảm bảo an toàn là điều cần ưu tiên hơn cả?
Đúng là như vậy, các bạn đoàn viên, tình nguyện viên đều được tiêm vaccine và khi đến nhà bệnh nhân đều tuân thủ mặc đồ bảo hộ, xịt khử khuẩn bình trước khi giao cho bệnh nhân và khi nhận bình từ bệnh nhân cũng xịt khử khuẩn kĩ càng.
Không giống với dự án “ATM gạo”, ATM oxy lần này triển khai “rất khác”. Gạo hay thực phẩm dễ tiến hành và sử dụng nhưng với oxy, nguồn cung không nhiều trong khi thu, nạp và vận hành nó cũng cần theo đúng quy chuẩn. Sắp tới, để người dùng dễ dàng sử dụng, công ty và Thành đoàn TP HCM sẽ kết hợp với Sở Y Tế để hướng dẫn trực tuyến cách sử dụng cho các F0, F1.
“TÔI HIỂU ĐƯỢC Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĐƯA TAY ĐÚNG THỜI ĐIỂM”
– Anh “nổi như cồn” là người tạo ra ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM oxy, tiếp theo sẽ là ATM gì?
Ngay từ năm ngoái, khi nghe tin người dân của TP HCM gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19, nhiều người không có cơm ăn, cuộc sống vô cùng khó khăn. Khi đó tôi nghĩ, đói ăn có thể khiến người ta quẫn trí. Nghĩ đến việc còn nhiều bất ổn do dịch bệnh kéo dài, lượng người thất nghiệp đông. Nghĩ đến ai đó vì thiếu một bữa ăn mà thấy mình vào đường cùng đến phải tự tử, phải sa ngã, phạm tội tôi nghĩ mình phải đưa một bàn tay cho họ nắm, và phải ngay lập tức.
ATM oxy cũng vậy. Những câu chuyện về những người bệnh lằn ranh giữa sự sống và cái chết thôi thúc tôi phải làm điều gì đó, ngay lập tức.
Tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội, tôi nhận ra rằng khi rơi vào hoạn nạn, sự cùng quẫn bế tắc, chỉ cần một bàn tay chìa ra đúng lúc cũng có thể ngăn người ta đến với những ý nghĩ tồi tệ, cho họ thấy ánh sáng dù chỉ là một chút để đứng dậy mà bước tiếp.
Thực tâm tôi cầu mong mình không phải làm ATM nào tiếp theo, đồng nghĩa cuộc sống của mọi người đi vào ổn định và không còn khó khăn nữa.
“Những câu chuyện về những người bệnh lằn ranh giữa sự sống và cái chết thôi thúc tôi phải làm điều gì đó, ngay lập tức”
Ai là người truyền cảm hứng cho anh trong những hoạt động từ thiện?
Cha mẹ chính là người truyền cảm hứng cho tôi. Ba tôi làm ngành y. Trong hơn 30 năm ba làm bác sĩ thì có 20 năm ba tôi làm ở bệnh viện phong cùi, hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nhưng ba tôi vẫn miệt mài cống hiến. Cảm nhận sự hy sinh của ba nên tôi mong muốn làm điều gì đó theo gương ông.
Còn mẹ tôi, khi tôi kinh doanh thất bại, gần như gục ngã và muốn kết thúc sự sống bà đã đưa tay ra giúp đỡ tôi. Hiểu được cái đưa tay cứu đúng thời điểm của mẹ nên tôi cũng muốn đưa tay mình ra giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.
Dấn thân vào công việc khá nhiều rủi ro khi tình hình dịch bệnh rất nguy hiểm, gia đình có ủng hộ anh làm việc này không?
Gia đình tôi ủng hộ nhưng họ lo tôi không đủ sức khỏe. Những lúc như vậy, tôi nói với họ rằng, hãy tin tưởng bởi còn rất nhiều cần sự giúp đỡ của chúng tôi.
Sau cùng, anh mong muốn điều gì?
Qua các chương trình thiện nguyện, tôi nhận ra rằng bên cạnh sức mạnh của kinh tế khi huy động được nguồn kinh phí rất lớn cho các chương trình thiện nguyện, tôi còn thấy sức mạnh của sự đoàn kết. Đoàn kết tạo được sức ảnh hưởng, tạo ra giá trị còn hơn cả tài chính. Bằng chứng là các chương trình của chúng tôi được lan tỏa, chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các mạnh thường quân mà các mạnh thường quân, người dân cũng chung tay giúp đỡ. CHương trình cũng được lan tỏa ra nhiều địa phương, nhiều hoàn cảnh được giúp đỡ. Đó chính là thành công của chúng tôi.
Xin cảm ơn anh và chúc ATM oxy sớm hoàn thành sứ mệnh của mình!
Hà Trang-Theo Doanh nghiệp & tiếp thị