Với ước mơ như vậy, sau 10 năm khởi nghiệp, Giám đốc Công ty Mia Fruit Nguyễn Ngọc Huyền đã từ chối nhiều đề nghị hợp tác để “một mình một ngựa” tiến về phía trước.
– Với chút ít kinh nghiệm thương trường và cũng muốn tìm con đường riêng, tôi “ra riêng” với hai cửa hàng trà sữa. Một lần nữa, trải nghiệm kinh doanh làm tôi ngộ ra: Muốn kinh doanh thành công, không chỉ cần kỹ năng và kiến thức mà còn phải có sản phẩm phù hợp thị trường.
* Có nhiều kinh nghiệm làm việc cho những công ty lớn nhưng tại sao bà lại thất bại khi mới “ra riêng”?
Với quan điểm mỗi thất bại là một trải nghiệm, tôi tiếp tục dự án mới. Tự nhủ, bốn năm đại học đã mất bốn năm chục triệu đồng học phí thì mấy năm khởi nghiệp, lỡ thất bại thì học phí vẫn còn… rất rẻ.
* Nói vậy là việc chọn kinh doanh trái cây nhập khẩu được bà rút ra từ bài học ấy?
– Khi sinh con đầu lòng, tôi có nhu cầu ăn nhiều trái cây sạch. Lúc đó, trái cây nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… với giá có khi lên đến gần 4 triệu đồng một kilôgam nhưng tôi vẫn chọn mua. Tuy nhiên, chưa tin lắm về độ tươi cũng như lo ngại trái cây có phun thuốc bảo quản, tôi tự tìm đơn vị nhập khẩu. Lúc đầu, chỉ mua vài thùng về sử dụng và biếu tặng người thân, bạn bè. Nhiều bà mẹ bỉm sữa biết đến và nhờ mua các loại trái cây ấy ngày càng nhiều. Nhờ sinh hoạt trong Hội Mẹ bỉm sữa và thường chia sẻ cách giữ gìn sức khỏe, sắc đẹp khi mang bầu, nuôi con, tôi tận dụng cơ hội mở một website để bán hàng online. Cách đây 5 năm, kênh bán hàng này rất mới, nhất là với trái cây vốn là sản phẩm khách hàng phải nhìn thấy, cầm lên coi kỹ mới mua, nhưng tôi lại tạo được sự thu hút vì trái cây luôn tươi, ngon.
Xác định khách hàng tiềm năng không nhiều nhưng họ là những người chấp nhận chi lớn cho sức khỏe, trái cây lại là mặt hàng có nhu cầu cao, phải mua hằng tuần, tôi quyết định mở công ty và gắn nghiệp dài lâu với trái cây.
Bước đầu lập công ty, tôi vấp phải đợt khủng hoảng niềm tin của người dùng khi thị trường nhan nhản các loại trái cây nhập từ Trung Quốc, do đó nhiều người e ngại không biết sản phẩm của tôi có phải từ Trung Quốc không. Hơn nữa, chất lượng trái cây còn phụ thuộc vào mùa vụ, như vào cuối mùa chất lượng không bằng giữa mùa nên có khi tôi bị khách hàng gọi điện mắng vốn, cho rằng công ty làm ăn thiếu uy tín. Nhiều đêm lo, buồn đến mất ngủ. Cuối cùng, tôi chọn nhập khẩu trái cây loại 1, tức đã được sàng lọc cẩn thận và chấp nhận chi phí cao để vận chuyển bằng đường hàng không, thay vì tàu biển phải mất cả tháng mới cập cảng Việt Nam.
Dù con còn nhỏ, nhưng đã kinh doanh thì phải giữ chữ tín và phải làm nghiêm túc ngay từ buổi đầu nên tôi ra nước ngoài, tìm đến các trang trại trồng cây ăn quả của đối tác nhập khẩu, học hỏi cách giữ trái cây tươi ngon mà không cần sử dụng chất bảo quản. Ông bà nói đúng,“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, tôi phát hiện mỗi loại trái cây giữ được hương vị tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ nhất định. Chẳng hạn, táo bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ từ -2 độ C đến 2 độ C, nên xây kho lạnh có thể điều chỉnh vùng nhiệt độ khác nhau phù hợp với mỗi loại trái cây.
* Theo bà, cái khó lớn nhất của kinh doanh trái cây nhập khẩu là gì?
– Nhiều người cho rằng, khó nhất của kinh doanh trái cây là thiếu vốn, quản lý công nợ và dòng tiền. Bởi, trái cây có tuổi thọ ngắn, vòng vốn rất quan trọng. Nhưng theo tôi, khó nhất là định hướng sản phẩm. Trong một thị trường trái cây vàng thau lẫn lộn, ngay cả trái cây nhập cũng có mấy chục loại và giá rất khác nhau, đặc biệt, người dùng lại đang khủng hoảng niềm tin thì việc chọn phân khúc trái cây nào, loại nào để kinh doanh là quan trọng nhất. Điểm khác biệt mà tôi làm được cho Mia Fruit là không phụ thuộc nguồn hàng từ nhà nhập khẩu mà chủ động ra nước ngoài tìm nguồn hàng mang về. Tôi là người đầu tiên đem nho mẫu đơn về Việt Nam vào năm 2015. Sau đó, thương vụ Đại sứ quán Úc, Nhật, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam đã chủ động liên hệ với tôi đề nghị nhập trái cây và thường mời tôi tham quan các nông trại, quy trình đóng gói, quy trình đấu giá trái cây ở đất nước họ. Khi có sản phẩm rồi phải tỉnh táo để nhìn được rủi ro thị trường, chú trọng việc quản trị nhân sự bán hàng, giao hàng.
* Bà có thể nói đôi chút về cách dùng người của Mia Fruit?
– Muốn nhân viên gắn bó với công ty, tôi nghĩ, cách duy nhất là người lãnh đạo phải làm cho họ yêu công việc và tự hào về công việc mình làm, cũng như tự hào về công ty nơi mình đang làm việc. Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian để trò chuyện và truyền cảm hứng kinh doanh cho nhân viên. Ngẫm ra, người lãnh đạo nếu không liên kết được các mối quan hệ, không khơi gợi được khả năng, động lực trong nhân viên mà để họ “tự bơi” thì không bao giờ có một tập thể mạnh và bền vững. Để có đội ngũ hôm nay, tôi đã mất nhiều công sức, thời gian và cả mạnh dạn cho nhân viên không phù hợp nghỉ việc.
* Xuất hiện cùng thời điểm với Mia Fruit đã có nhiều doanh nghiệp “bỏ cuộc chơi”…
– Theo quan sát của tôi, trái cây cao cấp tuy giá cao (từ vài triệu đến chục triệu một kilôgam) nhưng sức mua tại Việt Nam là không nhỏ. Để xóa bỏ sự nghi ngại của khách hàng, tôi học hỏi mô hình của Nhật, mở những cửa hàng trái cây tại vị trí đắt địa không nhằm mục đích lợi nhuận mà để trưng bày sản phẩm. Trái cây được bài trí trong không gian sang trọng. Năm nay tôi không chỉ bán trái cây như bán đồ trang sức mà còn bán kèm các loại bánh có thành phần trái cây. Có thể người ta bán ổ bánh từ vài trăm ngàn, nhưng Mia Fruit có thế bán ổ bánh từ 3-5 triệu vẫn có người mua vì sự độc đáo, khác lạ, đặc biệt là nguyên liệu từ trái cây cao cấp.
Hiện tại, Mia Fruit có khoảng 90.000 khách hàng, với gần 50% trong số đó là khách hàng trung thành. Đó là những người đặt mua trái cây hằng tuần, với hóa đơn dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Tôi tiếp tục phát triển mạng lưới đại lý tại Vũng Tàu, Cần Thơ và lên kế hoạch mở cửa hàng tại Đà Nẵng, Hà Nội.
Theo khảo sát riêng, có đến 70% khách hàng VIP của Mia Fruit là ngôi sao của làng giải trí, chủ doanh nghiệp và công chức cấp cao. Ngoài lượng khách hàng ổn định, các yếu tố về bảo hành chất lượng, dịch vụ đổi trả miễn phí, mua bán 24 giờ được chúng tôi hoàn thiện từng ngày chính là bí quyết tồn tại của Mia Fruit.
* Theo quan điểm “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” thì hình như bà… đã sai?
– Chọn nhà cung cấp hàng hóa không chỉ chọn những gì mà đối tác đang có mà còn chọn giá trị tương lai. Vì vậy, tiền không phải là yếu tố quan trọng nhất để hợp tác mà quan trọng là về lâu dài, người đồng hành có tạo thêm giá trị cho doanh nghiệp.
Thông thường, các mối quan hệ góp vốn chỉ vì lợi nhuận sẽ nhanh chóng tan rã, bởi không cùng chí hướng mà chỉ chăm chăm vào lợi nhuận. Thành lập Mia Fruit là để thực hiện tham vọng và đam mê nên tôi sẵn sàng dốc hết những gì mình có để xây dựng uy tín, thương hiệu và hình ảnh cho nó lớn mạnh, đẹp đẽ, để hãnh diện không chỉ với khách trong nước mà còn cả khách nước ngoài.
* Giả sử có doanh nghiệp trả giá rất cao để mua lại Mia Fruit, bà có đồng ý?
– Mia là tên con gái tôi và tôi muốn xây dựng Mia Fruit thành thương hiệu cho con nên sẽ không bán. Nhưng sau này, nếu có một đối tác cùng tâm huyết và muốn cùng nhau đưa Mia Fruit đi xa hơn và tạo thêm nhiều giá trị cho Mia Fruit, thì tôi sẽ xem xét.
* Bà nói rất muốn xây dựng thương hiệu và hình ảnh đẹp cho trái cây Việt Nam…
– Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhập khẩu trái cây, xây dựng được uy tín với trái cây nhập ngoại, mong muốn của tôi là quay về thị trường nội địa, bán trái cây Việt Nam cho người dùng trong nước và xuất ra nước ngoài. Tôi muốn người Việt Nam hiểu được giá trị của trái cây Việt, hãnh diện về nó và được ăn trái cây ngon, an toàn do người Việt mình trồng. Bài học này tôi học được từ người Nhật, họ luôn coi trọng thị trường trong nước, cái gì ngon nhất, tốt nhất đều dành cho người Nhật và được kiểm soát chất lượng gắt gao hơn trái cây xuất khẩu.
Đầu tiên tôi muốn Mia Fruit là đơn vị cung cấp trái cây nội địa được kiểm duyệt chất lượng từ chính uy tín của Mia Fruit. Cụ thể, khi thương hiệu của Mia Fruit được dán lên trái cây, đồng nghĩa sản phẩm được chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm về độ an toàn và bảo đảm chất lượng. Và để quảng bá cho trái cây Việt Nam, cuối năm nay, tôi sẽ mở chuỗi siêu thị trái cây Mia Fruit tại các sân bay.
Cũng từ kinh doanh trái cây, tôi thấy muốn xuất khẩu trái cây Việt thì ngoài việc xây dựng thương hiệu còn phải thiết lập được chuỗi thương mại. Khi ra nước ngoài, thấy ở nhiều nước đều có các chợ trái cây và nông sản rất lớn, có thể hiểu như một sàn giao dịch nông sản. Không chỉ là mua bán, nơi giao dịch này còn để học hỏi cách đóng gói, vận chuyển, bảo quản trái cây. Vì vậy, tôi ấp ủ ý tưởng đem mô hình này về Việt Nam và đang lên kế hoạch thực hiện.
Thị trường trái cây nội địa rất lớn và trái cây cao cấp vẫn có đầu ra tốt. Đơn cử, trái thanh long vàng, trắng cao cấp 1 kilôgam có giá 790 ngàn đồng vẫn bán được tại Việt Nam. Có nhiều hộ nông dân đã mang chanh leo, xoài, thanh long, nha đam đến nhờ tôi tư vấn cách thương hiệu, cách thức đưa ra thị trường, tư vấn các giấy tờ đảm bảo chất lượng và cả cách sử dụng phân bón hữu cơ. Đó chính là động lực để tôi quyết tâm theo đuổi chương trình xây dựng sàn giao dịch trái cây tại Việt Nam.
* Cảm ơn bà về những chia sẻ!
Theo SGDN