Câu chuyện và nỗi lòng của người đàn ông trung niên đại diện cho rất nhiều người.
Mới đây, một người đàn ông tên Lý Nguy ở Trung Quốc đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi với câu chuyện đến năm 40 tuổi mới tìm được công việc phù hợp với mình. Anh Lý Nguy hiện là một blogger nổi tiếng với 2 triệu người hâm mộ, và video kể về hành trình tìm lý tưởng của anh mới đây đã khiến cư dân mạng đồng cảm.
Lý Nguy cho biết anh từng theo học trường Luật Đại học Tế Nam. Sau khi tốt nghiệp, anh cũng như bao bạn bè lúc ấy, vô cùng hoang mang trước cuộc đời, vật lộn qua nhiều công việc khác nhau nhưng không tìm thấy niềm vui và ý nghĩa. Anh chọn khởi nghiệp tự kinh doanh nhỏ vì tính cách hướng nội, không giỏi xử lý các mối quan hệ xã hội. Nhưng 20 năm qua, công việc kinh doanh của anh không mấy thành công.
Tình cờ ở tuổi gần 40, Lý Nguy trở thành một blogger “khoa học bình dân”. Nhờ khả năng làm nội dung khoa học sáng tạo và dễ hiểu, cùng giọng nói thu hút, anh đã xây dựng được tài khoản có hàng triệu người hâm mộ và muốn tiếp tục làm công việc này trong tương lai. Dù đây không phải công việc đảm bảo ổn định tương lai xa hay kiếm được quá nhiều tiền, Lý Nguy cho biết cuối cùng anh cũng đã tìm được công việc trong mơ của mình và vô cùng hạnh phúc.
Lý Nguy kể: “Ra trường hơn 20 năm, tôi đã từng mở nhà hàng cũng từng đi bán quần áo. Tôi hơi ngại giao tiếp xã hội, tôi thường không nói chuyện với khách hàng mà trực tiếp giới thiệu công dụng của sản phẩm. Không ngờ cách bán hàng này cũng thu hút được rất nhiều khách hàng trung thành.
Nhưng tôi liên tục khởi nghiệp thất bại, nợ rất nhiều tiền. Tôi đã nhiều lần trải qua vô số thăng trầm trong cuộc sống. Thời gian vỡ nợ, tôi cảm thấy cuộc sống không còn hy vọng gì nên đã mở kênh cố gắng phổ biến khoa học. Không ngờ tôi lại được nhiều cư dân mạng yêu mến”.
Nhìn lại hơn 20 năm khởi nghiệp, anh tin rằng để tìm ra lĩnh vực mình giỏi và phù hợp là một quá trình lâu dài: “Không có một tiêu chí duy nhất nào cho sự thành công. Chỉ có một số người may mắn và tìm thấy nó một cách nhanh chóng. Mọi người đều có thể thành công, nhưng đừng sao chép một cách mù quáng. Tôi khuyên mọi người hãy cứ làm theo trái tim của chính mình. Trải nghiệm thất bại tạo nên cốt lõi mạnh mẽ, và mỗi thất bại là một bước gần hơn đến thành công”.
“Mặc dù tôi chưa phát hiện ra mình giỏi gì cho đến năm 40 tuổi nhưng tôi tin rằng mình vẫn còn đủ thời gian để làm những gì mình thích trong tương lai”, anh khẳng định.
Hành trình tìm ra lý tưởng của người hướng nội
Hành trình tìm được thứ gọi là “công việc lý tưởng” của người đàn ông trung niên khiến rất nhiều người đồng cảm. Câu chuyện của Lý Nguy có thể giống với câu chuyện của nhiều người hướng nội phải đối mặt trong thời đại này. Do tính hướng nội và lo lắng xã hội, họ không thích tham gia các hoạt động tập thể, khó thiết lập mối quan hệ tốt với người khác và thường thích ở một mình. Tuy nhiên, khi bước vào xã hội, họ vẫn phải đối mặt với đủ loại người, đủ áp lực sinh tồn và phải làm những công việc mình không thích hoặc không giỏi.
Trong môi trường như vậy, nhóm người này bị ép học cách hòa nhập và che giấu tính cách thực sự của mình, hoặc ngày càng trở nên lầm lì và cô độc, trở thành “những người vô hình”. Họ chú ý nhiều hơn đến thế giới nội tâm của mình, ít tương tác với thế giới bên ngoài, nhạy cảm và dễ lo lắng hơn.
So với các nhóm khác, họ dễ bị ảnh hưởng bởi lời nói từ gia đình, bạn bè hơn và điều này càng khiến họ cảm thấy bối rối, bất lực trước ngã ba cuộc đời, không biết nên đi theo hướng nào. Đối mặt với loại áp lực này, hầu hết mọi người vẫn sẽ chọn cách sống từng bước một, ngay cả khi trong thâm tâm họ tự nhủ rằng “đây không phải là cuộc sống mà mình mong muốn”.
Tuy nhiên, nếu không tiến lên một bước thì làm sao biết được cuộc sống tương lai không như mình mong muốn? Cũng giống như Lý Nguy, vì không thích tiếp xúc với người khác nên anh bắt đầu kinh doanh riêng để tìm một nghề nghiệp phù hợp với mình. Sau gần 20 năm miệt mài làm việc, cuối cùng anh cũng tìm được việc mình giỏi và có động lực để tiếp tục làm.
Trong quá trình này, ngoài việc tìm kiếm một công việc, anh ấy còn tìm kiếm con người thật của mình cũng như một môi trường và bầu không khí khiến anh ấy cảm thấy thoải mái. Đừng trở thành con người mà bạn nên trở thành, mà hãy trở thành con người bạn muốn trở thành. Dù đó là một nhóm người hay tất cả chúng ta, ai cũng có cơ hội tìm ra được con đường riêng cho mình trong suốt cuộc đời. Một số người may mắn tìm được đường đi dễ dàng, trong khi những người khác phải mất nhiều thời gian hơn và trải qua nhiều trở ngại hơn để tìm được con đường thực sự dành cho mình.
“Dù có thể chậm hơn người khác nhưng trên con đường tìm lại chính mình, chúng ta phải bước từng bước một, những bông hoa nở dọc đường sẽ chúc mừng chúng ta”, Lý Nguy nói.
Theo Chi Chi-Theo PNS