Câu chuyện 1: Người bạn đã khuất chuyển sinh thành thiếu niên giàu có, quay lại tương trợ
Vào thời nhà Thanh, có một vị Nho sinh già họ Trâu ở miền Tây Chiết Giang, vợ ông mất đã lâu, để lại hai con trai và một con gái. Hai người con trai chưa lập gia đình, còn cô con gái đã lấy chồng. Vị Nho sinh già kiếm sống bằng nghề dạy học, gia cảnh thập phần bần cùng, nhà chẳng còn gì, ngay cả quần áo mặc cũng không đủ dùng.
Đột nhiên một ngày nọ, có một thiếu gia đến nhà ông, y phục và ngựa vô cùng xinh đẹp. Chàng cúi chào vị Nho sinh già và hỏi: “Bác có phải là họ Trâu không? Bác năm nay bao nhiêu tuổi, bác có hai con trai và một con gái phải không?” Lão Nho sinh cảm thấy rất kỳ lạ, hỏi: “Cậu làm sao mà biết tôi?” Người thanh niên nói: “Kiếp trước tôi là vợ của bác, sau khi chết tôi đầu thai vào một gia đình giàu có ở Sơn Tây có gia tài trăm vạn. Nghĩ đến nhà bác đói rét cơ hàn, tôi thường nghĩ sẽ đến tiếp tế, nhưng vì bố mẹ vẫn đang còn sống, nên tôi không dám đi xa. Hiện tại bố mẹ tôi đã qua đời, tôi mới có thể đến thăm bác.”
Nói rồi, thiếu gia lần lượt kể lại chuyện kiếp trước của mình, hết thảy đều có chứng cứ. Họ cùng nhau vào nhà, tận tay kiểm tra tất cả những di vật mà họ đã sử dụng trong suốt cuộc đời, thở dài xúc động.
Chẳng bao lâu sau, hai người con trai đã đến, thiếu gia có thể gọi họ bằng biệt danh hồi nhỏ. Rồi thiếu gia nói với người chồng kiếp trước: “Tôi mang đến đây một vạn lượng bạc. Hai người con trai, tôi cho mỗi người bốn ngàn lượng bạc, một ngàn lượng cho con gái tôi, và một nghìn lượng để bác vui chơi dưỡng lão, bác không cần phải làm giáo viên trường nông thôn đó nữa.”
Cô con gái nghe tin cũng từ nhà chồng về, nhìn thấy thiếu gia, cô xấu hổ không dám tiến tới. Thiếu gia gọi cô bằng biệt danh và nói: “A Kiều, con không nhận ra mẹ à?” Nói rồi liền nắm tay cô và khóc.
Thiếu gia ở lại nhà họ vài ngày, sau đó yêu cầu vị Nho sinh già đi cùng mình đến nơi chôn cất hài cốt của kiếp trước, chỉ thấy một ngôi mộ đổ nát trong đám cỏ cây phỉ hoang dã lâu ngày, nên mua đất cải táng, và cũng xây trước một phần mộ cho lão Nho sinh. Chàng nán lại vài tháng, rồi mới cáo từ rời đi. Lão Nho sinh nhờ người con cả đưa thiếu gia trở về, từ đó hai nhà qua lại như người thân.
Câu chuyện 2: Ông lão qua đời chuyển sinh thành con trai nhà giàu, tương trợ người vợ già
Câu chuyện này cũng xảy ra vào thời nhà Thanh, tại một ngôi làng ở huyện Vĩnh Bình, có một cặp vợ chồng già nhiều đời làm đậu phụ, cả hai đều thích làm việc thiện. Khi một cây cầu hoặc con đường bị hư hỏng hoặc lầy lội, họ thường sẽ lấy số tiền tích lũy của mình để toàn lực tu bổ, hàng chục năm như một ngày. Đúng lúc trong làng có một cây cầu đá bị lũ lụt làm hư hỏng, không thể đi qua được, ông lão đã thuê một người thợ sửa chữa, và tự mình tham gia vào công việc.
Trưa hôm đó, ông cảm thấy rất mệt, bèn dựa vào cột để nghỉ ngơi. Chỉ thấy hai người mặc đồ xanh đột nhiên đi tới, trông giống như sai dịch ở huyện nha. Hai người nói với ông lão: “Đi nhanh đi.” Ông lão hỏi: “Đi đâu vậy?” Hai người nói: “Đến nơi rồi tự nhiên sẽ biết.” Ông lão không dám trái lời, liền đứng dậy và đi theo họ. Đi được khoảng mười dặm, ông vào một ngôi làng, nhìn thấy một ngôi biệt thự rất nguy nga, ông lão biết đó là dinh thự của một đại phú ông ở ngôi làng nọ.
Người đàn ông áo xanh giục ông lão tiến vào, đi qua nhiều cánh cửa cho đến khi đến phòng ngủ. Trong phòng có rất nhiều phụ nữ, mọi người đều tụ tập xung quanh một phụ nữ trẻ sắp sinh con. Ông lão sửng sốt muốn rút lui, nhưng những người áo xanh đẩy ông về phía trước, ông lão vô tình ngã vào bụng cô nương trẻ, đột nhiên cảm thấy như bị dội nước sôi khắp người. Ông đau đớn lăn lộn và giãy giụa. Một lúc sau, ông cảm thấy lạnh đến mức như đang nằm trong sương giá và tuyết. Tất cả những gì ông nghe được là tiếng người nhà nói: “Chúc mừng bà đã sinh được một đứa con trai.” Ông lão mở mắt ra nhìn xung quanh, mọi thứ vẫn giống như những gì ông vừa thấy. Khi nhìn thấy nắm tay của mình chỉ to bằng quả óc chó, ông mới biết mình đã chết, và đầu thai đến nơi này.
Ông đột nhiên cảm thấy bi thống khôn cùng, bắt đầu khóc oa oa. Đột nhiên nhìn thấy một bà lão cầm kéo cắt dây rốn cho ông, tâm ông đau nhói. Ông vô thức hét lớn: “Lão ăn mày này, đừng làm việc ác.” Người trong phòng chợt nghe thấy đứa bé mở miệng cất tiếng, toàn bộ đều thất kinh.
Ông lão nói: “Các người đừng sợ, ta là một lão già ở thôn này. Bây giờ nhìn cục diện này, tôi đã đầu thai vào nhà các người. Từ khi đến nhà các người, ta chính là con trai của các người, còn có thể nói gì nữa? Chỉ là tôi có một người vợ già, nghèo khổ và bệnh tật, nếu tôi chết, bà ấy sẽ nhờ cậy ai? Các người có thể gọi bà ấy đến đây, cho bà ấy ở hai phòng, cho bà ấy ăn ba bữa đơn giản mỗi ngày, và một chiếc áo khoác bông để chống rét vào mùa đông, để bà có thể sống những năm tháng tuổi già, vậy là được. Không cần làm quá phận, sợ là bà ấy không chịu nổi. Xác của tôi ở dưới trụ cầu, hãy nhanh chóng phái người đến trước, quấn bằng vải bố, đặt trong quan tài gỗ bách, chôn ở bên cầu, đừng tiêu quá nhiều tiết. Như vậy tôi mới có thể an tâm ở tại đây.
Người nhà không tin, nên ông lão bực tức, giận dữ, lớn tiếng thúc giục. Cuối cùng, gia đình muốn đi, ông lão liền nói: “Hãy bế tôi đi theo, để tôi tự mình đi xử lý”. Người nhà không còn cách nào khác, bèn quấn ông lão trong một chiếc chăn thêu, đưa đi cùng.
Khi đến nơi đó, mọi chuyện diễn ra đúng như lời ông lão nói. Đứa bé và bà lão trò chuyện rôm rả như một cặp vợ chồng. Bà lão rất buồn, đứa bé thuyết phục bà: “Có tôi ở đây, nên bà đừng lo không có ai dựa dẫm.” Sau đó lại xuống dưới chân cầu, thi thể ông lão đã được quan phủ khám nghiệm, rồi đưa đi chôn. Ông lão ba lần thở dài, ra lệnh đặt thi thể vào một chiếc quan tài gỗ bách, tận mắt chứng kiến lễ chôn cất. Sau đó mới về nhà với bà cụ, phụng dưỡng bà ở phòng khác.
Trong gia đình giàu có đó, chỉ có đứa con trai là ông lão đầu thai được thừa kế gia sản, sở hữu trăm vạn. Vài năm sau, cha ông qua đời, mẹ ông trở thành góa phụ ở tuổi đôi mươi. Bà yêu đứa con trai như con ngươi trong mắt mình. Khi người con lớn lên, người con cũng làm việc thiện và bố thí, bởi vì thiện xuất từ thiên tính, ông còn làm nhiều việc thiện hơn kiếp trước. Người ta quan niệm đây là một phần thưởng tốt đẹp cho những ai làm việc thiện.
Nguồn: “Hữu đài tiên quán bút ký”, “Dạ đàm tùy lục”
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch