Nếu những thông tin trên rơi vào tay kẻ xấu, rất có thể thẻ và tài khoản ngân hàng của bạn sẽ bị chiếm quyền kiểm soát, dẫn đến thiệt hại tài sản.
Không thể phủ nhận xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, thay vào đó là thẻ và ứng dụng ngân hàng đã mang đến nhiều thuận lợi cho cuộc sống thường ngày, giúp người dùng tiết kiệm thời gian và quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn. Tuy nhiên, song song với đó cũng tiềm ẩn rủi ro từ các chiêu trò lừa đảo trực tuyến đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Tội phạm công nghệ cao có thể sử dụng nhiều thủ đoạn để “hack” tài khoản, chiếm đoạt tiền của người dùng. Điển hình, chúng sẽ mạo danh là Công an, Nhân viên Chi cục thuế, Nhân viên công ty điện, Ngân hàng,… liên hệ với nạn nhân qua điện thoại hoặc tin nhắn, yêu cầu cài đặt ứng dụng giả mạo hoặc truy cập đường link chứa mã độc, khéo léo “thao túng tâm lý” để người dùng để lộ những thông tin quan trọng như mật khẩu, mã OTP, số thẻ,…sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Đã có nhiều nạn nhân thiệt hại đến hàng trăm triệu đồng bởi vô tình tiết lộ thông tin hoặc bị bên thứ 3 cung cấp thông tin cho kẻ xấu. Gần đây nhất có trường hợp của ông T.H.P. (Quy Nhơn, Bình Định) mất 60 triệu đồng vì tin lời nhân viên ngân hàng “dởm” hướng dẫn mở thẻ tín dụng và tiết lộ mã OTP cho chúng.
Để bảo vệ bản thân trước nạn đánh cắp thông tin và những chiêu trò tinh vi của tội phạm công nghệ cao, người sở hữu thẻ, tài khoản ngân hàng cần tuyệt đối bảo mật những thông tin quan trọng sau:
Mã OTP (One-Time Password): Đây là mã xác thực có giá trị sử dụng 1 lần được gửi qua điện thoại hoặc email, giúp xác thực chủ tài khoản là người thực hiện giao dịch hay không. Kẻ gian có thể dùng nhiều thủ đoạn yêu cầu người dùng cung cấp mã OTP giả vờ để “xác minh” tài khoản sau đó thực hiện chuyển tiền từ thẻ/tài khoản ngân hàng. Do đó, người dùng lưu ý KHÔNG chia sẻ mã OTP với bất kỳ ai, kể cả khi họ tự xưng là nhân viên ngân hàng, công an hoặc từ một tổ chức uy tín.
Mã PIN (Personal Identification Number): Đây là mã số bí mật dùng để bảo vệ thẻ ngân hàng khi thực hiện giao dịch. Nếu kẻ xấu biết được mã PIN, chúng có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch tại ATM hoặc trên ứng dụng ngân hàng sử dụng phương thức xác thực này. Do đó, mã PIN cần phải giữ kín, không nên viết ra hoặc chia sẻ cho bất kỳ ai. Ngoài ra, thay vì chọn các mã PIN dễ đoán như ngày sinh hoặc số điện thoại, nên chọn mã PIN ngẫu nhiên và khó đoán.
CVV/CVC (Card Verification Value): CVV là mã bảo mật 3 chữ số in trên mặt sau của thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Đây được coi là lớp bảo mật quan trọng nhất của các thẻ quốc tế, một số loại thẻ thanh toán quốc tế chỉ yêu cầu cung cấp mã số CVV/CVC là có thể thực hiện giao dịch. Nếu kẻ gian có được mã CVV, cùng với số thẻ và ngày hết hạn, chúng có thể thực hiện quẹt thẻ qua máy POS hoặc giao dịch trực tuyến mà không cần thẻ vật lý. Vì vậy khách hàng lưu ý không chia sẻ mã CVV qua điện thoại, email hay các cuộc trò chuyện không bảo mật; làm mờ, xóa hoặc che đi toàn bộ cụm số CVV/CVC ở mặt sau thẻ, tránh trường hợp vô tình để người lạ, nhân viên thu ngân hoặc có camera lén chụp lại mã bảo mật CVV/CVC; đăng ký sử dụng chức năng bảo mật bằng OTP khi thanh toán trực tuyến thông qua thẻ VISA/thẻ Mastercard.
Tên đăng nhập và mật khẩu ứng dụng ngân hàng: Tên đăng nhập và mật khẩu ứng dụng ngân hàng là công cụ để truy cập vào tài khoản ngân hàng trực tuyến. Đây là thông tin cực kỳ quan trọng và nếu bị lộ, kẻ xấu có thể dễ dàng chiếm đoạt tài sản từ tài khoản. Vì vậy, cần lưu ý không chia sẻ mật khẩu và mã PIN với bất kỳ ai, kể cả những người thân thiết; Sử dụng mật khẩu mạnh (Một mật khẩu an toàn nên gồm kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt, ít nhất là 8 ký tự); Đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng mật khẩu dễ đoán như ngày sinh hay tên của bản thân.
Số điện thoại/Số CCCD: Thông tin cá nhân, đặc biệt là số chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân), số điện thoại và địa chỉ, có thể bị lợi dụng để thực hiện các hành vi gian lận như mở thẻ tín dụng hay vay tiền trái phép. Vì vậy, tuyệt đối không chia sẻ số chứng minh nhân dân hay số thẻ căn cước trên mạng xã hội hoặc trong các cuộc trò chuyện không an toàn; cẩn thận khi cung cấp thông tin qua điện thoại hoặc email, nhất là khi không biết chắc người yêu cầu là ai.
Khi làm mất thẻ ngân hàng, hoặc rơi vào tình huống có nguy cơ bị lộ thông tin, khách hàng phải thông báo ngay cho tổ chức phát hành thẻ ngân hàng để khóa thẻ và phối hợp với các bên liên quan để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác nhằm ngăn chặn các thiệt hại có thể xảy ra. Trong tình huống khẩn cấp, khách hàng nhanh chóng nhập sai mật khẩu liên tiếp 5 lần để khóa quyền đăng nhập dịch vụ ngân hàng số qua các ứng dụng.
Ngoài ra, khách hàng nên cẩn trọng khi truy cập website và tải ứng dụng lạ, không nhập tên đăng nhập, mật khẩu và OTP SMS/ OTP Safekey, số thẻ, mã CVV/CVC, ngày hết hạn thẻ vào các website, ứng dụng không chính thống, không cấp quyền trợ năng (Accessibility) cho ứng dụng nếu không thực sự hiểu rõ bản chất các dịch vụ này.
Trong trường hợp gặp phải lừa đảo, bị tổn thất tài sản, khách hàng cần liên hệ ngay Cơ quan chức năng gần nhất để được hỗ trợ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Linh San–Theo Nhịp sống thị trường