Suốt 11 năm ròng, một người đàn ông độc thân đã cưu mang gần 100 “đứa con” nhặt từ bãi rác, lề đường. Cả cuộc đời này, ông tình nguyện hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân để đem lại hy vọng cho những đứa trẻ bất hạnh.
Đó là ông Nguyễn Văn Lâm (47 tuổi) hay còn được gọi với cái tên thân thương là thầy Minh Tâm, người lập ra mái ấm Phúc Lâm – nơi mái nhà chung cho những tuổi thơ bất hạnh.
Bắt gặp đứa trẻ sơ sinh ngoài bãi rác
Theo báo Thanh Niên, cơ duyên dẫn dắt ông Lâm duy trì mái ấm đến nay là vào một buổi chiều 11 năm trước. Khi đó ông 36 tuổi, đang làm giám đốc một công ty bảo vệ và chưa lập gia đình. Hôm đó lúc đi làm về ngang xã Vũ Hội, huyện Nhơn Trạch, thấy có nhiều người vây quanh một bãi rác, ông tò mò đến xem thì thấy một đứa trẻ còn đỏ hỏn, chưa cắt dây rốn, toàn thân đầy vết thương, kiến bu cắn nát cả tay chân, mặt mày.
“Tưởng con sẽ chết. Không ai dám động vào, cũng không ai nghĩ có thể sống sót. Nhưng có gì đó đột ngột thôi thúc tôi ào đến, ôm đứa trẻ vỏn vẹn 1kg đưa vào bệnh viện. May thay, đứa trẻ được cứu”, ông Lâm bồi hồi kể lại.
Đưa bé ra khỏi viện, khó xử không biết phải làm sao, ông đành ẵm đứa bé về nhà. Ông nói với mẹ rằng đứa trẻ này là nhặt được. Bà cụ tưởng ông không dám thừa nhận con ruột nên viện cớ nói dối bà, nhưng về sau khi hiểu ra sự tình, bà đã ủng hộ ông nhận nuôi đứa trẻ. Ông Lâm quyết định làm thủ tục nhận con nuôi, lấy tên bé là Nguyễn Hoàng Phương Vy. Giờ đây, đứa bé bị bỏ rơi năm nào đã lớn khôn, xinh xắn và học rất giỏi.
Những đứa bé bất hạnh liên tiếp đến
Mọi chuyện xảy đến như định mệnh, những đứa “con” bị bỏ rơi nối bước đến với ông Lâm. Tròn 1 tháng sau khi nhận nuôi bé thứ nhất, ông lại nghe thấy tiếng khóc ở bãi cỏ ven đường đi làm về. Vậy là có đứa con thứ 2.
Đúng 1 năm sau, một người đàn ông biết chuyện ông nuôi 2 đứa bé gọi đến, cho biết một phụ nữ sinh kế giường vợ anh sẽ bỏ con vào ngày mai, mong ông đến nhận. Ông không định nhận nhưng người kia cứ gọi mãi. Cuối cùng không đành lòng, ông lại chạy vào bệnh viện, nhận đứa trẻ ngay kịp lúc bé bị bỏ đi.
Cứ thế, những đứa “con” nối bước đến với ông Lâm. Có bé thì từ bãi rác, sinh rớt trong bồn cầu; bé mất cha, mẹ ung thư thời kỳ cuối; có cả em bị dị tật khiến người ta nhìn còn sợ… bất kỳ lúc nào, bất kể ở đâu, ông cũng đều chạy đến cưu mang. Ông Lâm cho biết, có những tháng cao điểm, mái ấm nhận 5-7 em được cha mẹ ruột để trước cổng nhà. Đặc biệt là từ năm 2014 – 2016, trung bình có đến 2 – 3 trẻ bị bỏ rơi chỉ trong vòng một tháng.
Nguyên nhân chính một phần vì địa điểm của mái ấm nằm gần các khu công nghiệp. Những nam nữ công nhân từ xa đến lập nghiệp dễ nảy sinh quan hệ trước hôn nhân. Còn có cả những cặp “sống thử” sau đó có con ngoài ý muốn mà không đủ điều kiện nuôi nấng nên bỏ lại chỗ ông.
“Người ta nhẫn tâm như vậy, nếu mình không dang tay đón các bé thì tương lai một sinh linh bé bỏng sẽ ra sao”, ông Lâm nói, quyết định không lấy vợ để toàn tâm lo cho ‘đàn con’ của mình.
Làm việc 20 tiếng một ngày để nuôi các con
Đóng góp công sức không nhỏ cùng ông Lâm cứu vớt những đứa trẻ là ông Nguyễn Văn Phúc, em trai ông Lâm. Hai người đàn ông độc thân lần đầu bỡ ngỡ đi chăm cả trẻ còn đỏ hỏn, không khác gì “gà trống nuôi con”. Những đêm khuya khoắt, ông Lâm vẫn lần mò trên mạng tìm hướng dẫn làm như nào bế bồng đến đút trẻ ăn đúng cách. Thông tin trên mạng không đủ, ông tìm mua sách kỹ năng nuôi dạy trẻ để tranh thủ coi trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên một vấn đề khó khăn nữa là về kinh tế. Thu nhập chính của 2 anh em ông Lâm đến từ công ty bảo vệ, nhưng không thấm vào đâu khi phải nuôi quá nhiều con. Vì thế có thời gian ông phải làm việc 20 tiếng/ngày để có tiền lo cho các bé.
“Một ngày của tôi bắt đầu từ 2 giờ rưỡi sáng, dậy hầm cháo, khuấy bột kịp cho các cô bảo mẫu sáng đến cho ăn. Rạng sáng tôi ra chợ đầu mối đẩy dù thuê cho tiểu thương, rồi giữ xe cho người đi chợ. Em tôi đưa rước các con đến trường. Ban ngày, chúng tôi lo việc công ty. Tối đến lại đi tính tiền, rửa ly, pha chế cho một quán cà phê. 10 giờ đêm mới trở về nhà lo cho các con…”, ông Lâm kể về thời gian vất vả làm việc hơn 20 tiếng một ngày.
Mái nhà tuy “ấm” nhưng ngày càng chật chội, xuống cấp. Thấy vậy, mẹ ông dành toàn bộ đất quanh mái ấm cho ông. Tất cả anh em cũng đồng lòng nhường một nửa tài sản cho ông, rồi cùng nhau xây lại mái ấm. Ông Lâm cảm thấy thật may mắn khi được gia đình giúp đỡ rất nhiều. Nếu không, dù ông có vắt kiệt sức mình gánh vác, chưa chắc gì đã nuôi nổi các con.
Tháng 8/2017, mái ấm được xây mới đẹp đẽ, khang trang hơn. Nhưng mới ở được khoảng 10 ngày thì xảy ra một trận hỏa hoạn do chập điện đột ngột thiêu rụi mọi đồ đạc, may là không em nào bị thương.
Ông Lâm kể trong cái rủi có cái may. Suốt hơn 9 năm trời, ông chỉ lặng lẽ cưu mang những đứa nhỏ. Sau trận cháy, một đứa cháu viết bài trên mạng xã hội, xin hỗ trợ về quần áo, tập sách cũ cho các con đi học. Bỗng nhiên, bài viết được chia sẻ rầm rộ, từ đó đông đảo mạnh thường quân tìm đến hỗ trợ ông rất nhiều. “Nhờ vậy, đến nay đã có 90 trẻ dưới mái nhà chung, trong đó có 38 trẻ sơ sinh nằm nôi, còn lại đều được đến trường đúng tuổi”, ông Lâm cho hay.
Ngoài ra, Mái ấm Phúc Lâm cũng đang được tu sửa và mở rộng thêm dự kiến sẽ là lớp mẫu giáo cho các con được học tại nhà với nguồn kinh phí được vận động từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân.
Mong rằng sẽ không còn đứa bé nào phải gọi ông là ‘cha’
Gần 100 người con là ngần ấy mảnh đời ông nằm lòng trong trí óc. “Nguyễn Hoàng Phúc Hậu là con gái bị bỏ trong bọc đen, chó tha ngang cửa mái ấm. Con bé bằng bàn tay, vỏn vẹn 700gram, phải nằm lồng kính 3 tháng. Nguyễn Hoàng Phúc Nhân là con trai, cũng bị bỏ trước cửa mái ấm vì không mắt, mũi, miệng, chỉ có một lỗ đen giữa mặt. Ba ca mổ rồi, vẫn chưa lấy lại được hình hài… Nguyễn Hoàng Phúc Thông như một chú bạch tuộc, với đầu bự và tay chân teo tóp. Một lần trong bệnh viện, mẹ của con chạy đến nhờ tôi bế giúp, rồi không bao giờ quay lại nữa. Còn mẹ của Nguyễn Hoàng Phúc Nhàn, mang bầu 7 tháng thì tự tử. May mắn là bệnh viện cứu được con…”, ông Lâm có thể kể không thiếu ngày tháng gặp hay bệnh tình, hoàn cảnh từng em ở đây.
Đắng lòng là nhiều lần, mấy đứa nhỏ đi học về nói “cha ơi, mấy bạn nói con là đồ mồ côi”, ông Lâm chỉ biết lặng người nói: “Các con không mồ côi, các con có cha mà. Và dưới mái nhà này, tất cả là anh em…”
Ông chia sẻ khi nuôi đến gần 100 đứa con, ông mới hiểu hết cảnh ngộ của một đứa bé mất cha mất mẹ. Dù ông có thương yêu bé đến đâu cũng không bằng tình mẫu tử ruột rà.
“Khi một đứa bé bị bệnh tôi cảm thấy rất tủi thân vì cháu chỉ biết gọi tiếng cha chứ chưa biết gọi tiếng mẹ là gì. Lúc đó, tôi mới nghĩ dù có thế nào khi đã được sinh ra trên thế giới này thì phải có cha có mẹ, để không thiệt thòi, đến trường không bị nói là mồ côi, bất hạnh khi bước vào đời. Suy nghĩ này, tôi xin gửi tới các bạn trẻ hãy sống có trách nhiệm trước khi làm cha, làm mẹ”, ông Lâm nhắn nhủ, theo báo Lao Động.
Giờ đây, hạnh phúc to lớn của ông Lâm chỉ đơn giản là nhìn ngắm các con khôn lớn, khỏe mạnh. Nhưng hơn tất cả, ông chỉ có thể đủ sức dang tay cưu mang những thiên thần không may mắn trong khả năng của mình. Còn rất nhiều mảnh đời cơ nhỡ ngoài xã hội rộng lớn. Bất hạnh nào hơn khi có thêm những sinh linh vô tội ngoài kia phải chịu cảnh mồ côi. Ông mong rằng sẽ không còn đứa trẻ nào phải gọi mình là “cha” nữa.
Mạch Khê(t/h)