Các nhà sản xuất mới nổi của Trung Quốc có khả năng làm ra những chiếc ô tô điện tốt, giá cả phải chăng khiến các hãng xe hơi phương tây trầm trồ.
Các kỹ sư của Volkswagen tại một trong những trung tâm xe điện của Trung Quốc đang tìm kiếm manh mối về ngành công nghiệp ô tô của nước này, về cách tăng tốc độ sản xuất và đánh bại các đối thủ địa phương tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Nhà sản xuất ô tô Đức từ lâu đã là nhà sản xuất số một trên thị trường do xe chạy bằng xăng thống trị, nhưng hãng hiện đang mất thị phần khi thị trường Trung Quốc chuyển sang xe điện. Hiện họ đang cố gắng tìm cách cạnh tranh với các nhà sản xuất mới nổi của Trung Quốc vốn có khả năng tung ra những chiếc ô tô điện tốt, giá cả phải chăng và có tính kỹ thuật số cao. Điều đáng nể nữa là, họ thực hiện được tất cả những điều đó với lượng thời gian ít hơn tới 1/3 so với các đối thủ phương Tây.
Nissan Motor cũng đang cố gắng sản xuất ô tô nhanh hơn bằng cách triển khai các mẹo học được từ một liên doanh Trung Quốc. Toyota Motor đang tuyển dụng các kỹ sư từ các đối tác Trung Quốc để phát triển ô tô điện và ô tô thông minh tốt hơn.
Các động thái này nêu bật một sự thay đổi đáng kể trong ngành công nghiệp ô tô vốn rất nhạy cảm về mặt chính trị và sử dụng nhiều việc làm. Trong khi Trung Quốc từng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, chứ chưa nói đến làm chủ được bí quyết mà các công ty ở phương Tây nắm giữ về động cơ và hệ thống truyền động, thì giờ đây các công ty phương Tây cần học hỏi từ Trung Quốc.
Sự thay đổi này có ý nghĩa không chỉ đối với thị trường Trung Quốc – nơi các nhà sản xuất ô tô trong nước chiếm khoảng 3/4 doanh số bán xe điện và xe hybrid – mà còn đối với cả sân nhà của các nhà sản xuất toàn cầu. Phương pháp sản xuất xe điện, nhà cung cấp và công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc có thể thâm nhập vào các nhà sản xuất ô tô toàn cầu.
Để ngăn chặn sự tấn công dữ dội của xe điện Trung Quốc rẻ hơn, kiểu dáng đẹp hơn, Mỹ đã áp dụng mức thuế cao và Liên minh châu Âu đang điều tra các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho các nhà sản xuất xe điện.
Ralf Brandstätter, người đứng đầu hoạt động kinh doanh của Volkswagen tại Trung Quốc cho biết, trước đây, Volkswagen sản xuất ô tô ở châu Âu và đưa chúng vào Trung Quốc với một số điều chỉnh. Cách tiếp cận đó không còn hiệu quả nữa vì yêu cầu của khách hàng ở thị trường Trung Quốc về điện khí hóa và kỹ thuật số ngày càng trở nên quá khác biệt.
Tuần trước, ông nói: “Chúng ta cần phải nhanh nhẹn và tập trung hơn” tại trung tâm sản xuất, phát triển và mua sắm xe điện của Volkswagen ở phía tây Thượng Hải. Ông cho biết công ty sẽ phát triển ô tô cho thị trường Trung Quốc trong nước đồng thời hợp tác với các đối tác Trung Quốc và đưa ra nhiều quyết định hơn tại địa phương.
Brandstätter cho biết những thay đổi này sẽ giúp Volkswagen đạt được mục tiêu trở thành một trong ba nhà sản xuất ô tô hàng đầu tại Trung Quốc vào năm 2030.
Đó là tham vọng khá khiêm tốn đối với một công ty dẫn đầu doanh số bán ô tô tại Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. BYD đang theo đuổi vị trí dẫn đầu thông qua việc bán các loại xe chạy điện và hybrid thuần túy.
Một số nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã rút lui hoặc thiết lập lại hướng đi của mình. Mitsubishi Motors của Nhật Bản đang ngừng sản xuất tại Trung Quốc, trong khi nhà sản xuất xe Jeep Stellantis cũng có động thái tương tự. Ford Motor đã ngừng hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp xe điện của mình.
Đối với Volkswagen, mọi chuyện có phần rắc rối hơn. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của hãng, chiếm khoảng 40% doanh số bán xe.
Sự kiểm soát của nhà sản xuất ô tô Đức bắt đầu lỏng lẻo từ vài năm trước khi họ gặp khó khăn trong việc sản xuất xe điện phổ biến.
Brandstätter cho biết Volkswagen mất chưa đầy 4 năm để đưa một sản phẩm mới ra thị trường, trong khi các công ty Trung Quốc có thể làm được điều đó trong hơn 2,5 năm. Ông cho biết hiện họ đang đặt mục tiêu cắt giảm quá trình phát triển phương tiện của mình xuống còn khoảng 2 năm rưỡi.
Điều đó sẽ đạt được thông qua một loạt hành động và một vài trong số đó, được học từ cách làm của Trung Quốc.
Một là sử dụng nhiều linh kiện Trung Quốc được cung cấp từ các nhà cung cấp địa phương nhanh chóng hơn là dựa vào linh kiện của Đức. Từ hệ thống hiển thị và truyền thông đến pin và đèn pha, Volkswagen cho biết việc tìm nguồn cung ứng các mặt hàng này từ các nhà cung cấp Trung Quốc sẽ cắt giảm khoảng 30% thời gian phát triển và giảm chi phí từ 20% đến 40%.
Giám đốc điều hành của Volkswagen cho biết, các nhà cung cấp Trung Quốc đã cải thiện đáng kể về chất lượng, độ bền và công nghệ trong khoảng 4 năm qua.
Các nhà cung cấp địa phương hợp tác với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu trong nước và là một phần quan trọng trong hệ sinh thái xe điện và xe thông minh của Trung Quốc. Việc này được các nhà điều hành và chuyên gia trong ngành đánh giá rằng vượt trội so với phần còn lại.
Volkswagen cũng đang đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty địa phương để có được công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Những công ty này bao gồm công ty khởi nghiệp xe điện XPeng của Trung Quốc và nhà sản xuất pin Gotion High-Tech cũng như Horizon Robotics, công ty sản xuất phần mềm ô tô và chip tập trung vào lái xe tự động. Ngoài ra còn có ThunderSoft, công ty sản xuất hệ điều hành và phần mềm cho buồng lái thông minh.
Volkswagen cũng đã thực hiện những thay đổi về cơ cấu quản lý để tiến nhanh hơn. Tại nhà máy ở Thượng Hải, nhóm sẽ có thẩm quyền phê duyệt các thành phần tại địa phương để tiết kiệm thời gian qua lại với trụ sở chính tại Wolfsburg, Đức.
Nhóm ở Thượng Hải cũng đang phát triển một nền tảng xe điện mới dành cho ô tô cấp thấp cho thị trường Trung Quốc, dự kiến ra mắt vào năm 2026. Đến năm 2030, nhà sản xuất ô tô này có kế hoạch cung cấp 30 mẫu xe điện tại Trung Quốc.
Phá vỡ khuôn mẫu
Nissan cũng đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để đảo ngược tình hình doanh số bán hàng đang trượt dốc. Họ đã học được một số lời khuyên từ Venucia, một thương hiệu địa phương của Nissan và đối tác liên doanh Trung Quốc Dongfeng Motor. Một trong số đó là cách di chuyển nhanh hơn với việc thử nghiệm phương tiện.
Theo truyền thống, Nissan phải đợi nhiều tháng để hoàn thiện một số khuôn trước khi sử dụng chúng để chế tạo xe thử nghiệm. Hiện tại tại Trung Quốc, hãng xe Nhật Bản đang trong quá trình sử dụng khuôn nguyên mẫu để thay thế.
Nguồn tin cho biết, để đảm bảo chất lượng, Nissan đồng thời có kế hoạch sử dụng nhiều công nghệ kỹ thuật số hơn, chẳng hạn như máy in 3-D hoặc thử nghiệm ảo, để tiến hành các thử nghiệm bổ sung. Đến năm 2026, Nissan có kế hoạch phát hành bốn mẫu xe EV và plug-in hybrid dưới nhãn hiệu của mình tại Trung Quốc, được phát triển tại trung tâm R&D trong nước, cũng như sáu mẫu xe khác mang nhãn hiệu địa phương với liên doanh của mình.
Người phát ngôn của Nissan cho biết công ty thừa nhận liên doanh của họ đã xây dựng được năng lực mạnh mẽ và mọi cuộc thử nghiệm đều đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu của Nissan.
Toyota thì chuyển trọng tâm của trung tâm R&D Trung Quốc sang ô tô điện và ô tô thông minh, đồng thời tuyển thêm nhiều kỹ sư từ các liên doanh của mình cho các dự án ở đó.
Giống như Volkswagen, Toyota hồi tháng 7 cho biết họ sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp địa phương, đang sửa đổi thiết kế linh kiện và nâng cấp công nghệ sản xuất và quy trình sản xuất để cắt giảm chi phí cho xe điện thông minh.
Bill Russo, Giám đốc điều hành của Automobilety, một công ty chiến lược có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết nhiều thương hiệu nước ngoài đã tụt lại phía sau trong chu kỳ sản phẩm ở Trung Quốc vì họ không chuẩn bị đủ sớm cho xu hướng điện khí hóa bắt đầu vào khoảng năm 2020. Hiện tại, để có thể bắt kịp, họ sẽ phải mất nhiều năm và phải phụ thuộc nhiều vào việc cắt giảm chi phí và giảm giá để tăng doanh số bán hàng.
Theo: WSJ-Phương Linh-Theo An ninh Tiền tệ