Theo Telegraph, kinh tế Đức đang phải vật lộn với hậu quả của việc phụ thuộc quá mức vào ngành công nghiệp lâu đời nhưng đang bị tụt lại về mặt công nghệ.
Đức, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, dự kiến chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm nay, thấp nhất trong số các nước thuộc nhóm G7, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
“Đã đến lúc Đức cần cải cách. Có quá nhiều rào cản đối với kinh tế Đức”, chuyên gia kinh tế Alvaro Santos Pereira nhận xét.
Viện kinh tế Đức Ifo cho biết đầu tàu kinh tế của châu Âu đang mắc kẹt trong “vòng luẩn quẩn trì trệ” khi chỉ số sản xuất giảm tháng thứ 4 liên tiếp.
Chỉ số PMI sản xuất của Đức giảm từ 42,4 điểm vào tháng 8 xuống 40,3 điểm trong tháng 9. Đà suy giảm sản xuất kéo dài. Số việc làm mới giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 2020.
Một chuyên gia phân tích ngân hàng đầu tư nhận xét: “Hiện tại, việc theo dõi dữ liệu kinh tế vĩ mô của Đức giống như một cuộc dạo chơi dài trên đại lộ của những giấc mộng tan vỡ”.
GDP quý 2 đã giảm 0,1%. Nếu GDP quý 3 tiếp tục tăng trưởng âm, Đức sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Các cuộc khảo sát PMI cho thấy ngành dịch vụ đang chậm lại khi ngành công nghiệp sản xuất – chiếm 1/5 GDP Đức – kéo nền kinh tế đi xuống.
Đầu những năm 2000, các cải cách về thị trường lao động và phúc lợi đã thúc đẩy tăng trưởng Đức, khi xuất khẩu được thúc đẩy bởi mức tỷ giá hối đoái cạnh tranh với tư cách là thành viên khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trong thập kỷ tiếp theo, GDP tăng trưởng mạnh mẽ, vượt trội hơn phần còn lại của châu Âu và thậm chí là cả Mỹ. Nhưng giờ đây, Đức đang trở thành “gã ốm yếu của châu Âu”.
Trong thế kỷ này, kinh tế Đức được thúc đẩy dựa trên nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga và nhu cầu dồi dào của Trung Quốc đối với hàng công nghệ cao và ô tô Đức.
Nhưng sự phức tạp về địa chính trị toàn cầu đã hạn chế nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ của Nga và mối quan hệ với Trung Quốc cũng ngày càng phức tạp.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 8 năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 253 tỷ euro (280 tỷ USD) vào năm 2023. Nhưng các nhà sản xuất ô tô Đức đang dần bị các đối thủ Trung Quốc vượt mặt, cả ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Các hãng ô tô Trung Quốc chiếm tới 60% sản lượng xe điện (EV) toàn cầu nhờ năng lực sản xuất pin EV đáng kinh ngạc và quyền kiểm soát nguồn cung đất hiếm cần thiết để sản xuất pin.
Đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội này, Volkswagen – hãng ô tô lớn nhất của Đức –phải cân nhắc tới việc chưa từng có trong lịch sử của tập đoàn, đó là đóng cửa các nhà máy ở Đức.
Tháng trước, EU đã tăng thuế nhập khẩu xe điện của Trung Quốc, ngoài mức thuế hiện tại là 10%. Xét đến mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối lời kêu gọi của EU về việc tăng thêm thuế đối với Trung Quốc.
Đức không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc mà còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng. Ngành công nghiệp của nước này sử dụng năng lượng gần gấp đôi so với Pháp.
Việc thiếu khí đốt của Nga và quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trong nước khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình Đức thường phải chịu hóa đơn tiền điện cao nhất ở châu Âu.
Quay trở lại đầu những năm 2000, các cải cách của Đức đã giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, mở đường cho tăng trưởng và chính trị tương đối ổn định.
Hiện tại, chính phủ của Thủ tướng Scholz đang phải đối mặt với thách thức trong việc thúc đẩy các cải cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường.
Mặt tích cực là tiền lương thực tế của Đức đang tăng. Điều này, cùng với kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Châu Âu hạ lãi suất vào tháng này, có thể thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Ngoài ra, xuất khẩu của Đức trong những tháng tới có thể nhận được cú hích từ sự phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc khi nền kinh tế số 1 châu Á vừa tung một loạt biện pháp kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế Đức có thể sẽ phải vật lộn trong một thời gian nữa. Điều này không tốt cho châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, và nền kinh tế thế giới nói chung. Sự phụ thuộc quá mức vào Nga và Trung Quốc chỉ là một phần của vấn đề mà Đức đang gặp phải.
Thực tế là Đức đã “ngủ quên trên chiến thắng” quá lâu khi bám víu vào các ngành công nghiệp cũ kỹ, bị Mỹ và Trung Quốc bỏ xa về mặt công nghệ và chậm thích nghi với kỷ nguyên số hóa.
Theo Telegraph-Y Vân-Nhịp Sống Thị Trường