Theo SCMP, sắc thái trong phát ngôn lần này của ông Pompeo nhằm vào chính quyền Trung Quốc khá cứng rắn và mạnh mẽ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh liên tiếp thất hứa trong một bài phát biểu báo hiệu khả năng chính quyền Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc.
“Thứ mà chúng ta đối đầu là thách thức” từ chính quyền Trung Quốc, vốn “mâu thuẫn với những gì họ hứa hẹn, ông Pompeo tuyên bố tại Đại học Rice (Houston).
TQ cần coi trọng “một quốc gia – hai chế độ”
Khi được hỏi liệu Washington có đáp trả bằng vũ lực nếu Trung Quốc triển khai quân đội tại Hong Kong hay không, ông Pompeo nói, ông hy vọng Trung Quốc sẽ coi trọng những cam kết “một quốc gia – hai chế độ” đã được vạch ra trong Luật Cơ bản của Hong Kong, tạo điều kiện cho tự do ngôn luận, tự do báo chí.
“Đó là trường hợp không chỉ Mỹ, mà cả Anh và nhiều quốc gia khác trên thế giới tỏ rõ kỳ vọng của mình về cách Trung Quốc đối xử với người dân Hong Kong. Sự kỳ vọng ấy dựa trên những cam kết mà chính phủ Trung Quốc đã đưa ra – và chúng tôi đã nhiều lần nói với Chủ tịch Tập: Hãy coi trọng cam kết ấy. Ông đã hứa sẽ có một quốc gia, hai chế độ”.
Ông Pompeo cũng bày tỏ hy vọng tình hình có thể được giải quyết một cách phi bạo lực.
“Chúng tôi khuyến khích không chỉ Bắc Kinh, mà cả người biểu tình, tham gia vào cuộc bàn luận về những gì người dân Hong Kong muốn theo một cách phi bạo lực, để rồi có thể giải quyết vấn đề theo một cách hòa bình, ít thương đau và bớt bạo lực. Đó là kỳ vọng của chúng tôi và chúng tôi đã thể hiện rất rõ”.
Trung Quốc không giữ cam kết ở Biển Đông
Về thách thức từ phía Trung Quốc mà Mỹ phải đối mặt, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng đó là một “thách thức phức tạp”.
Theo ông Pompeo, điều mà nước Mỹ đang đối mặt ngày nay là thách thức đến từ chính phủ Trung Quốc, vốn đã thay đổi chỉ trong vòng vài năm trở lại đây và tham gia vào những hoạt động mâu thuẫn với cả những gì người Mỹ cho là tốt nhất với thế giới và mâu thuẫn cả với chính những gì Bắc Kinh hứa hẹn.
“Tôi có thể đưa ra một vài ví dụ. Một quốc gia, hai chế độ ở Hong Kong – chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ cam kết ấy. Chủ tịch Tập đã cam kết không đưa các hệ thống vũ khí ra Biển Đông. Ông ấy vẫn làm”.
“Đó là quốc gia đã đánh cắp đồ của chúng ta, đoạt tài sản trí tuệ, buộc các công ty đầu tư vào Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Họ cho nhiều nước trên khắp thế giới vay – tôi dùng từ này cho rộng nghĩa – những khoản vay khó có thể trả và rồi dọa gán nợ để thu về lợi ích chính trị”.
“Họ sử dụng các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước theo những phương thức giúp trợ giá cho công việc làm ăn kinh doanh của mình, mâu thuẫn với cách làm của những nước khác và cả cách làm mà Tổ chức Thương mại Thế giới cho phép”.
SCMP nhận định, trong bài phát biểu hôm 15/11, ông Pompeo đã thể hiện sự đồng tình đối với khát vọng được cải thiện cuộc sống của người Trung Quốc và sự bền lâu của mối quan hệ 40 năm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên sắc thái trong phát ngôn của ông nhằm vào chính quyền Trung Quốc khá cứng rắn và mạnh mẽ.
Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan điểm chỉ trích Trung Quốc và cho biết, ông sẽ tiếp tục làm như vậy trong các bài phát biểu tiếp theo.
Bài phát biểu cứng rắn được ông Pompeo đưa ra trong thời điểm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến gần tới hạn chót quan trọng: Ông Trump dọa áp thuế lên gần 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ 15/12.
Có lẽ vì cảm nhận được vị thế có phần giảm bớt của ông Trump khi mà khu vực Trung Tây nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng nông trại phá sản tăng 24%, nợ của nông trại cũng ở mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980 – còn bản thân ông Trump thì đang mắc kẹt trong các cuộc điều trần luận tội, cũng như áp lực vận động tranh cử cho cuộc bầu cử năm 2020, nên Trung Quốc đã tỏ ra cứng rắn hơn trong mấy ngày gần đây.
theo Trí Thức Trẻ