Iran vẫn nói “không” với các đòi hỏi của Mỹ và tuyên bố sẽ đáp trả quyết liệt đối với những lời đe dọa chiến tranh từ Washington.
“Ảo tưởng chiến tranh”
Vào ngày 26/6 vừa qua, ông Trump tuyên bố rằng mọi cuộc khủng hoảng trong tương lai có thể sẽ bị đáp trả bằng một cuộc không kích và cho rằng Mỹ “sẽ không cần đặt chân lên lãnh thổ Iran” nếu chiến tranh xảy ra.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, ông Trump nói: “Tôi hi vọng rằng Mỹ và Iran sẽ không xảy ra chiến tranh, nhưng Mỹ đang ở vị thế rất có lợi nếu có chuyện gì đó thực sự xảy ra. Mỹ đang có lợi thế rất chắc chắn. Cuộc chiến sẽ không diễn ra lâu, tôi có thể nói như vậy. Và giày của binh sĩ Mỹ sẽ chẳng cần chạm tới lãnh thổ Iran”.
Phản pháo lại tuyên bố này, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif thẳng thừng đáp trả: “Nói chiến tranh với Iran chỉ kéo dài một thời gian ngắn là điều ảo tưởng. Kẻ phát động chiến tranh sẽ không phải là người kết thúc được cuộc chiến”.
Ông Zarif đưa ra thông điệp này giữa lúc Tổng thống Iran Hassan Rouhani cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng đối ngoại, cho rằng Tehran “sẽ không bao giờ mong muốn chiến tranh” với Washington.
Trong khi đó, ngày 27/6, Brian Hook, đặc phái viên của Mỹ tại Iran, khẳng định sẽ không để Iran “lấn lướt” Mỹ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường áp lực đối với Iran cho tới khi Iran cư xử như một chính quyền bình thường và chịu quay trở lại bàn đàm phán,” ông Hook nói tại Paris.
Nhưng khi các căng thẳng vẫn chưa có chiều hướng suy giảm, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vẫn tiếp tục thúc ép các đồng minh NATO cùng tham gia nỗ lực chung của Washington trong việc gây áp lực với Iran và đảm bảo an toàn hàng hải ở vùng Vịnh sau sự cố nhiều tàu chở dầu bị tấn công ở khu vực này.
Ông Esper nói: “Các quốc gia cần lên án hành vi xấu xa của Iran và đảm bảo rằng chúng ta sẽ có tự do hàng hải ở khu vực Eo biển Hormuz”.
Áp lực tối đa
Nhiều quốc gia Châu Âu đã cảnh báo phương thức đối ngoại “diều hâu” của chính quyền ông Trump đối với Iran, lo ngại rằng chính sách “áp lực tối đa” của Mỹ là phản tác dụng và có thể dẫn tới chiến tranh.
Bất kì sự can thiệp nào của NATO tại vùng Vịnh cũng sẽ cần tới sự ủng hộ nhất quán của tất cả 29 quốc gia thành viên, và xét theo sự bất đồng của châu Âu, điều này rất khó đạt được.
“Chúng tôi hi vọng hai bên Mỹ – Iran sẽ bình tĩnh hơn và thực sự không muốn đây sẽ trở thành vấn đề của NATO,” một nhà ngoại giao NATO phát biểu.
Theo thỏa thuận kí kết với nhóm P5+1 vào năm 2015, Iran cam kết sẽ cắt giảm năng lực hạt nhân trong vài năm và cho phép các giám sát viên tới quốc gia này để quản lí các hoạt động liên quan tới vấn đề hạt nhân. Đổi lại, Iran sẽ được gỡ bỏ các cấm vận quốc tế.
Thỏa thuận này đặt ra giới hạn về số lượng máy ly tâm làm giàu uranium và hạn chế quyền làm giàu uranium của Iran – không được phép cao hơn 3,67%.
Tuy nhiên, sau khi chịu nhiều áp lực từ hàng loạt cấm vận của Liên Hợp Quốc, Iran tuyên bố sẽ từ từ rút khỏi thỏa thuận nói trên và thậm chí đe dọa sẽ làm giàu ở ngưỡng cao hơn mức 3,67%, bắt đầu từ ngày 7/7 tới.
theo Trí Thức Trẻ