Từng là một đứa trẻ thông minh, nhưng càng lớn tốc độ phát triển và thành công của bạn càng giảm đi. Lý do là vì đâu?
Từ khi còn nhỏ, bạn luôn được mọi người xung quanh khen ngợi là đứa trẻ thông minh, hoạt bát. Một bài thơ, bảng chữ cái, màu sắc,…chỉ cần bố mẹ giảng dạy một chút là bạn có thể ghi nhớ dễ dàng.
Đến khi đi học, suốt 12 năm bạn đều được học sinh giỏi. Năm cấp 3, bạn thi đỗ vào trường chuyên danh tiếng, bạn tự tin tương lai phía trước thực sự rộng mở với mình.
Vào đại học, bạn dần trở nên mơ hồ chẳng biết bản thân đam mê điều gì. Mỗi ngày, bạn chỉ vội vã tận hưởng thanh xuân, sợ rằng chúng sẽ vụt qua mất.
10 năm sau, bạn chợt nhận ra mình vẫn là một nhân viên văn phòng bình thường như bao người khác. Sáng đi làm mệt mỏi với chuyện kẹt xe, lương không thấp nhưng chẳng cao, cơ hội phát triển gần như bằng không,… So với hào quang của cậu bé 17 tuổi, bạn đã trở nên mờ nhạt đi rất nhiều.
Bạn đã bao giờ đặt ra câu hỏi, vì sao từng là đứa trẻ xuất sắc như vậy nhưng lớn lên cũng chỉ là một người lớn trung bình. Điều gì đang cản trở bạn?
Kết quả dõi hơn 5000 “thần đồng nhí” sau 45 năm
Theo đó, nghiên cứu Mathematically Precocious Youth (SMPY) được tiến hành từ năm 1971, đã theo dõi hơn 5.000 trẻ em thông minh nhất nước Mỹ, những trẻ em này chỉ chiếm 1%, 0,1% hoặc thậm chí 0,01% trong tổng số học sinh Mỹ. Đây là nghiên cứu dài nhất trong lịch sử về các trẻ em năng khiếu.
Kết quả khiến rất nhiều người bất ngờ: Đi ngược lại hệ thống giáo dục từ trước tới nay chỉ ưu tiên dạy dỗ những trẻ em kém cỏi, những phát hiện của SMPY khẳng định rằng: Đừng quên việc giáo dục những trẻ thần đồng.
“Một ngày nào đó những đứa trẻ thông minh này sẽ điều hành xã hội của chúng ta, dù chúng ta có thích hay không”, Jonathan Wai, nhà tâm lý tại Đại học Duke, chia sẻ. “Những đứa trẻ nằm trong tốp 1% thường có xu hướng trở thành các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, CEO của các công ty hàng đầu các thẩm phán liên bang, các thượng nghị sĩ và các tỷ phú”.
Tuy nhiên, những trẻ sớm bộc lộ năng khiếu về các đối tượng như toán học và khoa học thường không nhận được những sự hỗ trợ mà chúng cần. Giáo viên thường thấy những trẻ em thông minh hoàn thành tốt bài học nên dễ dàng bỏ qua và chú ý nhiều hơn tới các học sinh trung bình và dưới trung bình.
Kết quả là, những trẻ với tiềm năng trở thành các nhà phát minh, nhà hoạt động ở Liên Hợp quốc lại bị mắc kẹt trong những vị trí có tầm ảnh hưởng kém hơn.
SMPY khẳng định những trẻ em thông minh không thể phát triển hết tiềm năng nếu không có sự hỗ trợ, giáo dục và thúc đẩy từ phía gia đình cũng như giáo viên. Ngoài ra, nghiên cứu kéo dài 45 năm của SMPY còn chỉ ra rằng việc loại bỏ hệ thống phân lớp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em.
Khi so sánh hai nhóm sinh viên thông minh, một bỏ qua hệ thống phân lớp và một học theo các lớp bình thường, SMPY nhận ra nhóm sinh viên bỏ qua hệ thống phân lớp dễ kiếm bằng sáng chế và bằng tiến sĩ hơn 60%. Xét trên một lĩnh vực có liên quan tới khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học thì nhóm bỏ qua hệ thống phân lớp cũng dễ kiếm bằng tiến sĩ hơn gấp hai lần so với nhóm còn lại.
Tại sao trí thông minh của con người ngày càng giảm?
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Ragnar Frisch ở Oslo (Na Uy) đã tìm hiểu một vấn đề đáng lo ngại: Trong những thập kỷ gần đây, chỉ số thông minh (IQ) của con người đang ngày càng giảm một cách liên tục và đều khắp.
Để nghiên cứu vấn đề này, các nhà khoa học đã phân tích số liệu của hơn 730.000 người tham gia quân đội Na Uy từ năm 1970 đến 2009. Các số liệu này được thu thập vì khi vào quân đội, những người lính tương lai phải trải qua một cuộc kiểm tra tiêu chuẩn về trí thông minh.
Theo nghiên cứu này, những thanh niên sinh ra năm 1991 có số điểm IQ thấp hơn 2,5 điểm so với những người sinh năm 1975 và thấp hơn 3 điểm so với thế hệ 1962.
Sự giảm sút trí thông minh này đi ngược lại với xu hướng được gọi là “Hiệu ứng Flynn” khi con người ngày càng thông minh hơn trong suốt thế kỷ 20. Trong quá trình này, chỉ số IQ mỗi thập kỷ lại tăng đều đặn 3 điểm.
Theo báo Sputnik, một số nhà khoa học từng cho rằng sự suy giảm chỉ số IQ là do những người thông minh thường có ít con hơn. Chính vì thế, theo giả thuyết này, số lượng người có trình độ tri thức thấp ngày càng tăng, làm cho IQ chung của nhân loại giảm dần.
Tuy nhiên, hai nhà khoa học Ole Rogeberg và Bernt Bratsberg đã chỉ ra những nguyên nhân có thể có của hiện tượng ngược dòng với Hiệu ứng Flynn để phản bác giả thuyết trên.
Theo nghiên cứu của hai nhà khoa học Na Uy, chỉ số IQ suy giảm trong nội bộ các gia đình. Nghĩa là, bố mẹ có chỉ số thông minh hơn con cái khi ở cùng lứa tuổi. Điều này bác bỏ nguyên nhân di truyền.
Tiến sỹ Rogeberg cho rằng những thay đổi của chỉ số IQ có thể có liên quan đến cách dạy dỗ con cái. Ví dụ, trẻ em ngày càng ít đọc sách và học toán. Những tác động của môi trường, chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể thao cũng có thể có vai trò quan trọng.
Làm gì để bản thân không kém cỏi
Từ hai nghiên cứu trên cho thấy, trẻ em thông minh vẫn cần có sự giáo dục, thúc đẩy từ phía gia đình và nhà trường. Nếu phụ huynh nhận ra con cái mình có năng khiếu thì nên không ngừng tạo ra thử thách để trẻ có cơ hội phát triển hơn nữa. Hãy để trẻ tự khám phá ra giới hạn của mình và đảm bảo rằng trí tuệ của chúng được kích thích càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, để duy trì bản lĩnh của mình, bạn cần:
– Nỗ lực không ngừng: “Nếu bạn tìm hiểu sâu hơn những nhân vật top 1% đầu các ngành Công nghệ, Kinh tế, hay Nghệ thuật,… bạn sẽ thấy họ làm cả những khi bạn ngủ, họ luôn trong trạng thái làm và làm”, Lubinski, hậu duệ nghiên cứu SMPY cho biết. Khả năng nỗ lực và kiên trì, là yếu tố tối quan trọng quyết định thành công của những đứa trẻ SMPY.
– Hãy tìm đam mê chứ không phải làm điều bạn giỏi: Kết quả cho thấy nhiều đứa trẻ giỏi Toán lại trở thành nhà văn xuất sắc hay luật sư – những ngành nghề cần tư duy về “chữ” nhiều hơn “số”. Chúng ta có thể trội hơn ở một số lĩnh vực, nhưng chưa chắc sẽ thích làm nó. Đam mê mới là thứ nuôi sống một người sau tất cả, và năng khiếu sẽ trở thành công cụ đắc lực để bạn có được đam mê đó.
Như cách một nhà văn dùng tư duy logic thiên bẩm của mình để viết nghị luận, “có vô số cách để bạn phát triển năng khiếu của mình, đừng đóng khung nó vào bất kỳ một ngành nghề cụ thể nào”, Lubinski kết luận.
Nguyễn Phượng–Theo Đời sống Pháp luật