Căn phòng của bạn chính là con người bạn. “Tâm” thay đổi theo hoàn cảnh, suy nghĩ phụ thuộc vào “tâm”.
Bậc thầy về dọn dẹp, Mitsuhiro Masuda, kể chuyện về một cô gái. Cô gái này tâm trạng thường rất ủ ê, không thể làm được việc gì. Những tưởng cô gái đang gặp rắc rối, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ hơn về cô, Masuda phát hiện ra còn có một nguyên nhân khác. Hóa ra cô gái này rất hiếm khi dọn dẹp phòng ốc, căn phòng của cô hầu như luôn trong cảnh trạng thái bừa bộn.
Masuda nói với cô gái: “Căn phòng của em chính là con người em. “Tâm” thay đổi theo hoàn cảnh, suy nghĩ phụ thuộc vào “tâm”. Sống trong một căn phòng bừa bộn, “tâm” khó tránh khỏi việc bị nhiễu loạn. Một căn phòng bừa bộn sẽ khiến “tâm loạn”, nhưng một căn phòng sạch sẽ gọn gàng sẽ khiến “tâm an”.
01–Trạng thái nội tâm của một người được ẩn giấu trong căn phòng của người đó
Nhà tâm lý học Jonah Berger – chuyên gia tiếp thị bán hàng, giáo sư marketing tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), đã tiến hành một thí nghiệm xã hội mang tên “Chuyển đến cơ hội”. Với sự giúp đỡ của chính phủ, ông đã chuyển một số cư dân có điều kiện sống tồi tàn đến những ngôi nhà mới sạch sẽ và sáng sủa.
Ông còn cố tình dặn họ: “Hãy luôn giữ nhà cửa ngăn nắp”. Người dân đã ra sức giữ gìn vệ sinh ngôi nhà. Sáu tháng sau, khi Jonah Berger một lần nữa đến thăm, ông nhận thấy những người này đã thay đổi rất nhiều.
Trước khi chuyển đi, ngôi nhà họ ở rất bừa bộn, những người dân thường hay cáu kỉnh và dễ gặp rắc rối. Sau khi môi trường sống được cải thiện, mọi người trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều và hành động cũng điềm tĩnh hơn.
Jonah Berger cho rằng môi trường sống có tác động “lây lan” đến con người.
Căn phòng nơi chúng ta sống có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta. Khi tất cả những gì hiện ra trước mắt chỉ là bụi bặm và bừa bãi, rất khó có thể cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngược lại, khi được ở trong môi trường thoải mái, con người ta dễ dàng bình tĩnh lại hơn.
Trong một cuốn sách có tên “Đoạn xả ly” có nói rằng: căn phòng gọn gàng hay không, phản ánh tâm trạng của một người. Mỗi căn phòng là một trường năng lượng, nó có thể tạo ra những xáo trộn, hoặc tốt hoặc xấu cho con người.
Không gian ra sao tạo ra tâm trạng như vậy.
Chỉ khi nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, lòng người cũng mới thanh thản, tích cực.
02–Nhà loạn, tâm trí cũng sẽ hỗn loạn
Yang Xie, nhà văn sinh năm 1970 kể lại chính trải nghiệm của mình trong quá khứ: Trước khi kết hôn, anh sống trong ký túc xá của công ty và được biết đến là người vô cùng sạch sẽ. Mỗi ngày đều giống như mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chỉ khi ký túc xá sạch sẽ, anh mới có tâm trạng làm việc. Sau khi kết hôn, anh cũng luôn dọn dẹp căn nhà nhỏ của mình hàng ngày.
Nhưng tất cả điều này đã thay đổi sau khi hai vợ chồng sinh em bé.
Để chăm sóc cháu, ông bà hàng ngày đều tới, và khi có nhiều người hơn, ngôi nhà trở nên bừa bộn hơn. Vừa bước vào cửa là giày dép dưới sàn, đi vài bước sẽ thấy đồ chơi, quần áo, bát ăn của con trên sàn nhà, vài bước nữa lại là chậu đựng quần áo chưa giặt. Để tránh tầm mắt khỏi khung cảnh bừa bộn đó, anh thường trốn trong phòng làm việc, nhưng trong phòng làm việc, sách vở tài liệu, đồ chơi cũng bừa bộn khắp nơi.
Anh không khỏi phàn nàn vài câu, nhưng không ngờ vừa mở miệng, người vợ cũng đang tức giận lập tức sẽ đáp trả. Cả nhà thường xuyên cãi vã, người phàn nàn con không vâng lời, người kia phàn nàn chất lượng cuộc sống kém. Cá nhân anh giống như bị mắc kẹt, tức giận trong sự bừa bãi của ngôi nhà. Anh thậm chí có lúc ước mình có thể bỏ nhà đi và sống cuộc sống độc thân. Anh đã hơn một lần than thở với mọi người: Nhà cửa bừa bãi, quả thực sẽ khiến con người ta có một cảm giác đứng ngồi không yên.
Một phân tích của các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam California cho thấy: Những người sống trong một ngôi nhà bừa bãi, sẽ tăng tiết hormone cortisol, lâu dần, nó khiến họ căng thẳng hơn.
Liệu bạn đã từng có trải nghiệm tương tự?
Sau một ngày mệt mỏi, về nhà nhìn thấy căn phòng bừa bộn, bạn lập tức tức giận.
Những ngày nghỉ cuối tuần, chiếc ghế sofa bừa bộn và chiếc bàn cà phê bụi bặm khiến mọi thứ trở nên khó chịu.
Muốn nấu một bữa ăn thật ngon nhưng nhìn bồn rửa bát đầy dầu mỡ, bỗng nhiên không còn muốn làm gì.
Con người không thể thoát ra khỏi môi trường và sống với chính mình.
Nhà nên là nơi trú ẩn ấm áp, nơi chúng ta có thể nghỉ ngơi, thư giãn cả cơ thể và tâm trí.
Một căn phòng bừa bộn, mất trật tự, người sống trong đó cũng sẽ chỉ có thể lang thang trong hỗn loạn, và “tâm” tự nhiên cũng sẽ hoang mang.
03–Dọn dẹp nhà cửa chính là đang “dọn dẹp” chính mình
Từng có người đặt một câu hỏi như sau trên mạng xã hội: “Cách hiệu quả nhất để cải thiện cuộc sống là gì?”. Tôi rất đồng ý với câu trả lời như này: Dọn dẹp những đồ vật không cần thiết trong nhà, gạt bỏ những suy nghĩ không cần thiết trong lòng.
Dọn dẹp một căn phòng không chỉ là quét sạch bụi bẩn, xếp gọn đồ đạc bừa bộn, nó đồng thời còn là một quá trình thanh lọc tâm hồn.
Kondo Marie, tác giả cuốn sách “The Life – Changing Magic Of Tidying Up”, cũng giống như nhiều người, có “thói quen tích trữ” khi còn trẻ. Căn hộ của cô gần như bị chôn vùi trong rất nhiều đồ đạc, bản thân cô khoảng thời gian đó cũng thường xuyên cảm thấy căng thẳng, lo lắng.
Để thay đổi, Kondo quyết định đặt ra nguyên tắc “mỗi ngày vứt bỏ một thứ”, hút bụi thảm hàng ngày, trong vòng một tháng, ngôi nhà dần hiện lên như mới. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất không phải là căn phòng mà là trạng thái của cô. Cô dần lấy lại được quyền kiểm soát cuộc sống của mình, suy nghĩ trở nên rõ ràng hơn, nề nếp sinh hoạt hàng ngày có trật tự hơn.
Kondo gọi việc dọn dẹp căn phòng là “phép thuật của việc dọn dẹp”, một loại phép thuật giúp điều chỉnh tâm trạng của bạn. Giặt giũ, lau cửa sổ, tập trung cũng như tận tâm trong khi làm, sẽ giúp bạn giải tỏa phần lớn sự lo lắng. Vứt bỏ đồ cũ, loại bỏ bụi bặm, một không gian trong lành, tươi sáng sẽ xoa dịu tâm trạng bồn chồn của bạn.
Cố vấn tâm lý Meg nói: “Quá trình dọn dẹp kích thích sản xuất endorphin, chất giảm đau tự nhiên và được gọi là hormone tạo khoái cảm.”
Nói cách khác, việc dọn dẹp phòng sẽ giúp thư giãn đầu óc và khiến bạn cảm thấy vui vẻ.
Trong một cuốn sách có tên “12 chìa khóa để có một cuộc sống hiệu quả”, tác giả chia sẻ những mẹo dọn dẹp phòng ốc.
Tác giả đề nghị mọi người tạo ra cho mình một kế hoạch dọn dẹp.
Đầu tiên, hãy loại bỏ những vật dụng không sử dụng, sau đó kiểm tra các góc khuất của tủ, phòng đựng đồ, phòng tắm, cuối cùng, làm sạch bụi theo thứ tự phòng ngủ, bếp, phòng khách và ban công.
Danh cho mình một khoảng thời gian yên tĩnh trong ngôi nhà sạch sẽ mỗi ngày, ngồi trước cửa sổ uống trà, học bài, đọc sách, hoặc ngồi thiền …
Trong một căn phòng sạch sẽ và trong bầu không khí yên tĩnh, tâm trí sẽ từ từ được thư giãn.
Dọn dẹp nhà cửa là một quá trình thanh lọc suy nghĩ, làm sạch tâm hồn của bạn.
Dọn dẹp nhà cửa có nghĩa là dọn dẹp chính mình.
“Tâm” chỉ có thể “an” khi sống trong một môi trường sạch sẽ.
Dọn dẹp nhà cửa không chỉ là lao động thể chất mà còn là một hoạt động tinh thần.
Vạn vật đều như vậy, con người luôn là sản phẩm của môi trường xung quanh.
Chỉ bằng cách sắp xếp lại môi trường bên ngoài, bạn mới có thể có được sự bình yên bên trong.
Như Nguyễn-Theo PNS