Xuất phát điểm của bạn cao hay thấp, tốt hay xấu không quan trọng, quan trọng là bạn nhìn thấy được “đích đến” của đời mình ở đâu.
Đại học Harvard từng thực hiện nghiên cứu kéo dài trong 25 năm để tìm ra “chìa khoá” dẫn tới thành công của con người. Nghiên cứu này đã thu thập các thông tin về học lực, chỉ số IQ cho đến môi trường sống cũng hoàn cảnh xuất thân của hàng nghìn sinh viên năm cuối đại học tại Harvard. Sau đó tiến hành phỏng vấn, thống kê và phân tích các kết quả thu được xoay quanh câu hỏi “mục tiêu trong tương lai của bạn là gì? ”
Theo đó, trong số những người tham gia nghiên cứu:
Số người xác định rõ ràng được mục tiêu dài hạn trong tương lai chiếm 3%.
Số người xác định được mục tiêu trong tương lai ngắn chiếm 10%.
Số người chưa rõ mục tiêu của mình là gì chiếm 60%.
Số người nhận định không có mục tiêu gì trong tương lai chiếm 27%.
Sau 25 năm nghiên cứu và thống kê, kết quả cho thấy những người xác định rõ được mục tiêu dài hạn trong tương lai của mình thường là những người thành công, có địa vị và chỗ đứng cao trong xã hội.
Tương tự, 10% người xác định được mục tiêu ngắn hạn của mình là những người có mức thu nhập tốt, học thức cao, tuân thủ nghiêm luật pháp. 60% người chưa rõ mục tiêu có mức thu nhập ổn, cuộc sống ở mức trung bình khá. Còn 27% người nhận định không có mục tiêu gì sau này thường có cuộc sống bấp bênh, dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn, vất vả và khó có được thành công.
Qua kết quả này cho thấy, mặc dù những người tham gia nghiên cứu đều là sinh viên ưu tú của Đại học Harvard danh giá. Tuy nhiên, mỗi người lại có một cách tư duy và một mục tiêu khác nhau.
Điểm khác biệt tạo nên thành công chính ở những người này chính là việc bạn có xác định được “mục tiêu trong tương lai của bạn hay không”. Bởi khi đã xác định rõ được mục tiêu, con đường của bạn sẽ dần sáng tỏ mà hông còn lo lắng mình sẽ đi lạc đường. Bất kể mục tiêu mà bạn hướng tới là đúng hay sai, việc xác định rõ ràng giúp bạn đi nhanh hơn và sẽ có thời gian để sửa sai nếu mục tiêu bạn hướng tới là chưa đúng.
Tỷ phú Jack Ma từng chia sẻ rằng: “Sự khác biệt của người thông minh đó là họ luôn biết họ muốn gì”, việc biết mình mong muốn gì giúp chúng ta xác định được mục tiêu trong tương lai, đây được cho là “chìa khoá” giúp chúng ta mở ra cánh cửa thành công.
Tuy nhiên, để có thể thực sự hiểu được bản thân mong muốn gì và xác định được mục tiêu trong tương lai là điều không mấy dễ dàng. Theo đó, các chuyên gia nghiên cứu vấn đề này đã đưa ra một số lời khuyên giúp chúng ta thay đổi tư duy và cách hành động, từ đó giúp ta nhìn rõ được bản thân hơn và có 1 “bản kế hoạch cuộc đời” thật hoàn chỉnh và xuất sắc.
Lời khuyên đầu tiên: Không nên tự giới hạn bản thân
Có không ít người từng cho rằng, bản thân sinh ra trong một gia đình khó khăn sống ở làng quê, nên định sẵn tương lai cũng không qua nổi luỹ tre làng. Hay những người trẻ tuổi chưa va vấp sẽ cho rằng bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm nên không dám nhận các nhiệm vụ mang tính thử thách cao…
Những suy nghĩ như trên thường vô tình mắc phải lỗi “tự giới hạn bản thân”, điều này khiến chúng ta dễ cảm thấy tự ti hơn, không dám nghĩ lớn hay thay đổi bản thân.
Tuy nhiên chúng ta cần biết một điều rằng, xuất thân, hay kiến thứ, kinh nghiệm mà chúng ta đang có là “giới hạn dưới” mà ta có, còn việc chúng ta nỗ lực cải thiện và nâng cao mọi thứ là cách liên tục phá vỡ “giới hạn trên” của bản thân. Việc này chắc chắn sẽ giúp thay đổi tư duy của mỗi người.
Lời khuyên thứ hai: Biết mình muốn gì là điều vô cùng quan trọng
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, việc xác định được mong muốn của bản thân là điều vô cùng quan trọng. Bởi khi bạn biết được mình muốn gì, đại não sẽ tập trung vào điều này và truyền “tín hiệu” dẫn dắt cảm xúc và hành động để thực hiện hoá mong muốn đó. Đây là một quá trình hoàn hảo, logic và thường dễ đạt được kết quả tốt nhất.
Lời khuyên thứ ba: Xây dựng mục tiêu phù hợp với thực tế
Việc biết được giá trị của mục tiêu sẽ giúp ta có hành động nhất quán để đạt mục đích. Tuy nhiên, khi xây dựng mục tiêu chúng ta cần xác định được rằng, mục tiêu mà bạn đặt ra không nên quá phi thực tế. Chúng ta cần có đánh giá sơ bộ và các bước cùng kế hoạch cụ thể để đạt được từng nấc thang trên con đường hướng đến thành công.
Tránh việc mơ tưởng hão huyền đi cùng với đó là việc chỉ nói nhưng không hành động, bởi đặt 1 mục tiêu phi thực tế có thể khiến chúng ta bị áp lực nặng nề dẫn tới suy nghĩ tiêu cực. Đây chính là bức tường ngăn cản chúng ta đến với thành công.
Xuất phát điểm của bạn cao hay thấp, tốt hay xấu không quan trọng, quan trọng là bạn nhìn thấy được đích đến của cuộc đời mình ở đâu. Khi bạn biết mình muốn đi đâu, ấy là khi bạn nắm trong tay chiếc chìa khóa thành công của đời mình.
Theo Trí Thức Trẻ