Năm 2012, khi tốt nghiệp trường Đại học kinh tế TP. HCM, chàng trai Hoàng Việt được nhận vào làm việc trong một ngân hàng lớn. Có một công việc ổn định là vậy nhưng chỉ sau một thời gian, Việt bắt đầu cảm thấy nhàm chán. Thế rồi…
Trong một lần tình cờ đi ngang qua một xe bán cà phê trên vỉa hè và được người bán hàng chia sẻ về mô hình bán cà phê take away tại các nước phát triển, Việt đã có một quyết định táo bạo: nghỉ việc để bán cà phê dạo.
Từ 2 triệu đồng và hành trình…khổ ải
Từ ý định đến thực tế kinh doanh là cả một chặng đường dài đầy khó khăn, trong đó có những điều bản thân Việt không thể lường trước. Với vốn liếng ban đầu chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng chỉ đủ mua một cái bàn tre và vài vật dụng đơn sơ, Việt phải đối mặt với nhiều lần thất bại, lúc thì bởi sản phẩm không đạt chất lượng, khi lại do bị lấy lại mặt bằng bán hàng. Vào thời điểm bế tắc ấy, một người bạn đã giới thiệu Việt đến ké chỗ bán cà phê trước một bãi xe trên đường Nguyễn Thái Sơn, nơi Việt miêu tả là “đầy rẫy kim tiêm ma tuý và nồng nặc nước tiểu”. Hàng ngày bắt đầu công việc pha cà phê vào lúc 3 giờ sáng và dọn hàng về lúc 10 giờ, lượng khách hàng của Việt ngày càng đông. Chỉ trong vòng 6 tháng sau đó Việt đã mở được 3 địa điểm bán hàng mới.
Với 4 điểm bán hàng, những tưởng việc làm ăn sẽ thuận buồm xuôi gió, nhưng đến khi nhìn thấy lượng khách quen đến quán ngày càng thưa thớt cũng là lúc Việt nhận ra chất lượng cà phê có vấn đề và buộc phải đóng cửa toàn bộ các điểm bán hàng để nghiên cứu. Lần này, thay bằng việc mua thành phẩm, Việt quyết định nhập loại cà phê nhân chất lượng tốt từ Lâm Đồng để đi gia công. Các điểm bán hàng được mở lại, và lần này khách hàng đã quay về để thưởng thức loại cà phê mới được Việt cung cấp.
Sau hơn 2 năm đi bán dạo, Việt dồn hết tiền sang lại một “tiệm bán thịt dê” để làm “đại bản doanh” và bắt đầu huy động bạn bè để chung tay. Tuy nhiên, quá trình hợp tác này chưa được bao lâu thì cả hai không tìm được tiếng nói chung, Việt phải vay mượn khắp nơi để mua lại cổ phần của người bạn mình. Khi việc kinh doanh ổn định, có thêm thời gian, Việt bắt tay vào nghiên cứu sâu hơn về cà phê. Thông qua các trung tâm dạy học cà phê, những buổi giao lưu với các barista lành nghề, chàng trai này mới nhận ra thế giới của cà phê rộng lớn nhường nào, phong cách uống cà phê tại Việt Nam và các quốc gia khác nhau ra sao… Thay bằng việc sử dụng những loại cà phê tẩm trộn, thị trường quốc tế ưa chuộng phong cách cà phê mộc với những hạt cà phê có nguồn gốc được sơ chế cẩn thận. Nhận biết như vậy nhưng chỉ khi có người nhận xét: “Cà phê của quán em còn dở lắm, muốn ngon thì phải hái chín và sơ chế mật ong” thì Việt mới bừng tỉnh để tự tìm cho mình một hướng đi đột phá.
Cà phê đặc sản các nước khác sản xuất giá cao hơn gấp nhiều lần, hái chín từng trái và sơ chế kiểu mật ong – một kiểu sơ chế để nguyên mật trái cà phê trên vỏ lụa và phơi. Sau khi phơi khô lột vỏ thóc thì hạt đã thấm đầy mật cà phê, rang lên sẽ có mùi thơm của đường mật chocolate rất rõ. Phương thức sơ chế thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng lại yêu cầu cao ở khâu sân phơi, máy móc, phải đánh vỏ hạt cà phê làm sao để không ảnh hưởng đến lớp mật bên trong. Sau năm lần mua máy đánh vỏ về thử nghiệm đều thất bại, thành công đã mỉm cười với chàng trai Tây Nguyên sau chuyến đi “giả vờ mua hàng để vào nhìn trộm” máy đánh vỏ trong một xưởng sản xuất cà phê lớn tại Lâm Đồng. Sau khi đặt máy thành công, trong năm đầu tiên Việt đưa vào sản xuất được 5 tấn thành phẩm chất lượng cao.
Nỗi lo về máy móc qua đi, nỗi lo tiêu thụ sản phẩm lại bắt đầu. Do sản lượng quá lớn, Việt buộc phải tìm đến các đối tác khác để giải quyết nguồn hàng. Sau khi nhận về hàng chục cái lắc đầu từ chối bởi giá thành nhập hàng quá cao, cuối cùng Việt đã thành công khi tìm được một đối tác chuyên cung cấp cà phê cho doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận nhập hàng. Trong thương vụ này Việt đã tiêu thụ được 3 tấn cà phê. Khi tự chủ được về nguồn hàng, guồng máy sản xuất của Việt bắt đầu đi vào ổn định thì thật không may, tất cả vốn đầu tư đã bị một trận hỏa hoạn cuốn đi trong vụ cháy xưởng rang cà phê. Khi đám cháy được dập tắt, Việt nhận ra mình đã mất tất cả. “Nhìn vào đám tàn tro đổ nát và những mảng tường nhuốm khói, đối mặt với áp lực từ chính quyền và người dân xung quanh làm tôi túng quẫn đến mức có ý định tự tử. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ, mình có thể đã mất tất cả nhưng không thể mất đi danh dự của bản thân và gia đình được”, Việt quyết định đi vay mượn thêm tiền của người quen, khách hàng để bắt đầu làm lại từ đầu.
Đến câu chuyện đường dài cho một thương hiệu cà phê
Sau khi sửa lại quán và xưởng rang, loay hoay cả năm làm gia công cà phê trả nợ dần, Việt bắt đầu tính đến câu chuyện đường dài cho thương hiệu của mình. Ấn tượng với cách vận hành của cà phê pha máy, Việt bắt đầu tìm hiểu về mô hình cà phê pha máy take away đang phổ biến tại các quốc gia phát triển.
Khi dốc toàn lực để mua được chiếc máy pha cà phê, Việt quyết định mang máy ra lề đường “trình làng”. Mới lạ thì có mới lạ nhưng nhiều khách hàng vẫn không lựa chọn phương thức pha mới này. Việt quyết định dừng bán cà phê pha phin để tập trung quảng cáo cho cà phê pha máy. Sau một tuần thử nghiệm, khi 99% khách hàng cảm thấy hài lòng với cách pha mới, lúc này Việt mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Cũng trong thời điểm đó, Việt bắt đầu nhận được những lời đề nghị mua cà phê và xin lấy tên thương hiệu Laha. Vừa nghiên cứu phương thức bán cà phê trên các xe di động để thuận tiện cho người bán hàng, Việt vừa bắt tay vào làm bộ quy chuẩn cho thương hiệu Laha. Laha vốn là tên viết tắt của Lâm Hà – vùng đất cà phê nổi tiếng của Lâm Đồng, là nơi Việt đã sinh ra và lớn lên với tuổi thơ đi hái cà phê cùng bố mẹ trong trang trại của gia đình anh.
Trong vòng 2 năm (2016 – 2017) Việt đã phát triển được hơn 50 xe đẩy bán cà phê tại các địa điểm khác nhau. Sang năm 2018, chàng trai này quyết định đầu tư vào mô hình kinh doanh lớn hơn, khách hàng đến với quán cũng có thêm nhiều sự lựa chọn mới là nước ép trái cây và các loại trà. Mô hình mới được đầu tư hơn về không gian với thiết kế bắt mắt đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng và các nhà đầu tư.
Mô hình nhượng quyền của Laha Cafe khá đa dạng, phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều nhà đầu tư. Từ mô hình Laha xe, Laha kiosk tới Laha store với mức đầu tư từ 130 triệu đồng – 1,5 tỷ đồng, biên độ lợi nhuận thu về từ 20 – 60 triệu đồng / tháng quả thực đã mở ra cơ hội đầu tư cho nhiều đối tác. Sau 7 năm hoạt động, hiện nay Laha đã xây dựng được hệ thống chuỗi cà phê gồm 80 chi nhánh tại TP. HCM, Đắk Lắk và Lâm Hà, trung bình có 15.000 ly cà phê được bán ra mỗi ngày. Mục tiêu được Việt đặt ra trong vòng 5 năm tới là sẽ phát triển Laha thành chuỗi có mặt tại 63 tỉnh thành để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế.
Và kế hoạch đồng hành cùng người nông dân
Khi được hỏi làm sao để thực hiện ước mơ mang cà phê đến tận tay cộng đồng người uống cà phê Việt Nam, Việt cho biết bản tính mình “chậm mà chắc”. Để phát triển thành chuỗi cửa hàng ở khắp các tỉnh thành thì việc xây dựng bộ máy quản trị chuyên nghiệp là vấn đề “đầu tư ưu tiên hàng đầu”. Bên cạnh đó, phát triển sâu hơn về nguồn nguyên liệu sẽ là “bí quyết mang đến sự độc đáo riêng bền vững cho Laha”. Vị CEO của Laha Cafe đã nghiên cứu và biết đến Yellow Bourbon – một loại cà phê hảo hạng đã từng được người Pháp đưa vào Việt Nam trồng từ thế kỷ XIX. Tuy nhiên, năng suất của loại cà phê này quá thấp nên sau khi giải phóng đất nước, người dân đã phá hủy hầu hết diện tích trồng Yellow Bourbon.
Quyết định lên đường tìm loại cà phê trứ danh đó tại Cầu Đất, anh tìm đến được một trang trại cà phê lâu năm – nơi núi rừng còn sót lại một gốc cà phê Yellow Bourbon. Lắng nghe câu chuyện khởi nghiệp và niềm đam mê với cà phê của Việt, chủ trang trại đã tặng lại Việt toàn bộ số cà phê đang chín vàng trên cây về làm giống. Hiện nay, ngoài trang trại trồng cà phê của gia đình tại xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), Việt cũng đang hợp tác cùng nông dân sản xuất cà phê theo đúng tiêu chuẩn chất lượng cao của Laha.
Nằm ở độ cao 1000m so với mực nước biển, Laha Farm là trang trại cà phê của gia đình anh canh tác đã hơn 20 năm. Thu hoạch tại Laha Farm hoàn toàn thủ công để lựa chọn được những trái chín – cơ sở đầu tiên để đảm bảo cho chất lượng cà phê ngon. Khi nhu cầu sản xuất gia tăng, Laha bắt đầu thực hiện việc liên kết và bao tiêu cho các hộ nông dân trong huyện với giá cao hơn 15% – 20% so với thị trường. Những hộ gia đình này sẽ được đội ngũ nhân sự của Laha hướng dẫn cách chăm sóc, thu hái quả đúng tiêu chuẩn; cách phơi cà phê trong nhà kính và sân xi măng để đảm bảo không bị ẩm mốc. Sau đó, các máy móc thiết bị sẽ hỗ trợ quá trình tách các hạt kém chất lượng; người nông dân cũng phải lựa hạt cà phê thủ công bằng tay để đảm bảo đúng tiêu chuẩn do Laha đặt ra.
Điều khác biệt của Việt là ngoài đam mê cà phê chất lượng thì anh luôn nghĩ làm sao để mang lợi ích bền vững tới những người liên quan trong mô hình kinh doanh của mình. Anh đang hợp tác với nông dân tận dụng đất trồng xen canh cây cà phê Yellow Bourbon vào các vườn cây Macca, bơ, tiêu và sầu riêng để tăng thu nhập. Ngoài ra anh còn dự định sẽ hợp tác trồng cà phê một cách tự nhiên không sử dụng thuốc sâu, bón phân hoá học. Mục tiêu lâu dài là sẽ đưa các loại cà phê này thành đặc sản của Lâm Hà và đưa vào chuỗi Laha phục vụ cho khách hàng thiên về chất lượng và sức khoẻ.
Bằng những phương pháp sơ chế cà phê độc đáo tại Laha như phơi nguyên trái (Natural), sơ chế kiểu mật ong (Honey), rửa sạch hoàn toàn (Fully washed)… hương vị thơm ngon của những ly cà phê Laha đang ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng trên thị trường. Sở hữu những dòng sản phẩm cà phê sơ chế độc đáo cùng chiến lược phát triển bền vững, Laha Cafe đang hướng tới không chỉ phục vụ thị trường cà phê trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của những tín đồ yêu cà phê trên thế giới.
Nam Phương (TTT)