Nếu những điều này khiến bạn sợ hãi, vậy thì bạn thực sự không phù hợp để khởi nghiệp.
Tôi đã nghỉ việc ở ngân hàng để khởi nghiệp hơn một năm, đầu tư hơn 2 triệu tệ (khoảng 6,8 tỷ đồng) tiền mặt, nếu tính các loại chi phí cơ hội như mua nhà ở Thượng Hải thì lỗ tới hơn 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 16 tỷ đồng).
Vào năm 2012, 36 Kr và Huxiu đưa rất nhiều thông tin về những câu chuyện thành công của các đội khởi nghiệp mỗi ngày, các hoạt động khởi nghiệp cũng được tổ chức hàng ngày trên con Phố khởi nghiệp… Nếu vẫn không khởi nghiệp, liệu tôi có xứng đáng với nhóm người này?
Vì vậy, tôi nghỉ việc tại trụ sở chính của China Merchants Bank và bắt đầu hành trình khởi nghiệp lĩnh vực Internet của mình.
Đầu năm 2013, tôi trở lại Thượng Hải, gặp gỡ nhiều bạn trẻ từ các công ty Internet, nói với họ những gì tôi sẽ làm và dần dần tập hợp một nhóm nhỏ.
Dự án chính thức ra mắt vào tháng 6, hai APP ra mắt vào dịp Quốc khánh, trước Tết Nguyên đán 2014, hai nhà đầu tư mạo hiểm đã cam kết đầu tư bằng lời nói. Giai đoạn đầu có vẻ suôn sẻ.
Nhưng sau Tết, một nhà đầu tư mạo hiểm nói rằng họ sẽ không đầu tư, và người kia sau khi thẩm định cũng không đầu tư, lúc này đội đã lên tới 15 người, chi phí hoạt động rất cao, tôi đành cắn răng xoay sở để duy trì hoạt động của đội.
Sau vài tháng làm việc chăm chỉ, các sản phẩm của chúng tôi đã có được hàng chục nghìn người dùng, nhưng rất khó để hình thành vòng mua bán khép kín và chúng tôi phải tìm cách chuyển đổi, nhưng thời gian không còn nhiều. Vào tháng 8 năm 2014, tôi quyết định giải tán đội.
Hơn 1 năm rưỡi, với tổng số vốn đầu tư hơn 6 tỷ, và sau rất nhiều cạm bẫy, tôi nhận ra rằng “khởi nghiệp không phải muốn khởi là có thể khởi.”
Nhưng dù thua cuộc, tôi không hối hận khi khởi nghiệp. Nếu có thể làm lại từ đầu, tôi sẽ thay đổi cách chơi và làm cho khoản đầu tư tương tự tạo ra giá trị gấp 10 lần.
Tôi tin rằng mọi trải nghiệm đều sẽ có tác động tích cực trong tương lai, trừ khi bạn không bao giờ xem xét lại thị trường, bạn không biết sai lầm của mình ở đâu, bạn nhận thua và sợ hãi, đó mới thực sự là một thất bại không thể cứu vãn. Ngược lại, thất bại là một điềm báo tuyệt vời.
Đằng sau những câu chuyện thành công của các ông lớn thường có rất nhiều “tai nạn” không tên, thử và sai, thử và sai, cứ thử và thử rồi mới thành đúng. Đây là sự thật phũ phàng mà tất cả những ai muốn kinh doanh riêng đều phải đối mặt: thành công là ngẫu nhiên và thất bại là điều bình thường. Bạn có đủ dũng cảm để chấp nhận thất bại?
Sau đây là 5 trong số nhiều điều tôi đã mua bằng 6 tỷ tiền thật của mình.
- Ý tưởng có hay đến đâu cũng có thể trở nên vô giá trị
Giống như nhiều người khởi nghiệp lần đầu, tôi luôn cảm thấy ý tưởng ban đầu của mình rất hay, thậm chí còn yêu cầu nhà đầu tư ký cam kết không tiết lộ thông tin khi nói về dự án, nhưng trên thực tế, ý tưởng ban đầu đối với hầu hết các nhà khởi nghiệp mà nói, nó không thực sự tạo ra giá trị.
Khi bạn có một ý tưởng, thông thường sẽ có khoảng 1000 người cũng đã nghĩ đến nó, nhưng chỉ có 100 người thực sự làm nó, 10 người trong số họ làm rất tốt và chỉ có hai hoặc ba người là người cười cuối cùng thành công. Đây là “mô hình phễu” của khởi nghiệp.
Theo quan điểm thống kê, cho dù ý tưởng của bạn có tốt đến đâu, thì vẫn có khả năng cao là nó vô giá trị. Hơn nữa, các công ty khởi nghiệp thành công thường trải qua nhiều lần chuyển đổi để đạt được thành công, ý tưởng ban đầu sớm đã không còn nguyên vẹn.
Vì vậy, câu hỏi bạn phải trả lời là: Bạn là ai, và tại sao bạn có nhiều khả năng thành công hơn khi làm việc này?
- Ai cũng làm được “phép cộng”, nhưng bạn có làm được “phép trừ” hay không?
Nhiều doanh nhân thích kể những câu chuyện lớn, nhưng mô hình kinh doanh và “thiết kế” sản phẩm càng phức tạp, thì càng cần nhiều nguồn lực được tích hợp và càng khó thực hiện. Các dự án tốt thường có thể được giải thích rõ ràng trong một câu, và những sản phẩm tốt thường có thể nhanh chóng được mở rộng.
Tôi cũng mắc phải sai lầm tương tự, chẳng hạn như ngay từ đầu tôi đã muốn tạo ra một nền tảng với nhiều lượt truy cập, khi tạo ra một sản phẩm, tôi đã yêu cầu nó phải giống như Ứng dụng Taobao, với các chức năng hoàn chỉnh, thậm chí thêm cả những yêu cầu mà tôi cho là mới mẻ khác. Đây đều là những tư duy “phép cộng” điển hình. Trên thực tế, trong trường hợp hạn chế về kinh phí và thời gian, chúng ta có thể trở thành một công ty lớn bằng cách tập trung vào việc tạo ra các công cụ; đầu tư 80% nguồn lực của chúng ta vào các chức năng cốt lõi, làm tốt nhất có thể, thử sai với chi phí nhỏ nhất, và hoàn toàn có thể phát triển nhanh chóng.
“Weidian” xuất hiện cùng lúc với chúng tôi, mặc dù nó chỉ là một công cụ và chỉ giải quyết vấn đề của các hộ mở cửa hàng và thanh toán trên WeChat, nhưng đã bất ngờ trở thành một ứng dụng phổ biến trong các cửa hàng ứng dụng lớn. Năm 2015, nó được Tencent đầu tư với mức định giá hàng chục tỷ đồng, đây chính là sức mạnh của “phép trừ”.
Và một công cụ mở cửa hàng WeChat khác “Youzan” với hàng triệu người bán và doanh thu hàng chục tỷ hàng năm, sau mười tháng cố gắng, đã chính thức tuyên bố rằng nó sẽ không còn tìm cách trở thành một “nền tảng” chỉ chăm chú vào lưu lượng truy cập nữa.
Vì vậy, bạn có thể làm “phép trừ” hay không?
- Nếu phải thử và sai, vậy khi nào nên kiên trì, khi nào nên từ bỏ?
Có một khoảng cách rất lớn giữa suy nghĩ và làm, bởi lex logic thường dựa trên nhiều giả định, và cần được kiểm tra bởi thị trường.
Trong quá trình quảng bá sản phẩm, tôi nhận thấy rằng các nhà bán buôn không muốn tiết lộ giá khởi điểm trực tuyến vì sợ ảnh hưởng đến các đại lý ngoại tuyến, lưu lượng truy cập nền tảng của tôi không thể giúp họ tạo ra mức tăng lớn và giao dịch bán buôn khó hoàn thành trực tuyến, vì vậy, chưa thể tạo ra hiệu ứng thị phạm với những trường hợp thành công.
Tôi đã trải qua các giai đoạn “để người dùng biết đến chúng tôi”, “để người dùng đồng ý với chúng tôi” và “để người dùng thấy rằng nhiều người đang sử dụng nó”, nhưng rất khó để vượt qua liên kết quan trọng nhất là “cho phép người dùng thấy được các trường hợp thành công”.
Lúc này nên kiên trì hay nên từ bỏ? Nếu là hiện tại, tôi sẽ chọn từ bỏ, nhưng lúc đó tôi đã chọn kiên trì và phải trả giá đắt cho sự kiên trì này – mất thêm nửa năm và cả một số tiền lớn.
Ngoảnh mặt nhìn lại, tôi rút ra được rằng nếu ý tưởng của bạn đúng và cách thực thi của bạn đủ mạnh thì người dùng sẽ tăng nhanh và tỷ lệ giữ chân người dùng sẽ rất cao trong thời gian ngắn. Bạn nên kiên trì và nhẫn nại chờ ngày khi thị trường bùng nổ.
- Con heo đã nằm ở đầu gió, nhưng bạn có đứng vững khi gió thổi đến hay không?
Ai cũng muốn ở cổng gió, vấn đề là cho dù thật sự tìm được gió, sớm muộn gì bạn cũng phải vượt qua. Quá sớm, thị trường sẽ mất ba đến năm năm để bùng phát, và bạn sẽ trở thành kẻ tử vì đạo; quá muộn, vài người khác đã xuất hiện và chắn mất gió, và vì vị trí của người ta tốt hơn bạn, quy mô lớn hơn bạn, nên gió có đến cũng chưa tới lượt bạn vượt qua.
Khởi nghiệp chính là như vậy, bạn mắc kẹt ở một vị trí, và sau đó phải “gắng gượng” tới khoảnh khắc gió thổi đến. Sẽ mất ít nhất một năm, có thể là hai năm, làm sao chúng ta có thể sống sót qua thời gian này? Dựa vào dòng tiền.
Dù là thu nhập kinh doanh hay đầu tư mạo hiểm, chỉ khi có dòng tiền chúng ta mới có thể tồn tại. Bạn có khả năng tạo ra thu nhập? Bạn có khả năng tìm ra dòng tiền hay không?
- Tốc độ quyết định độ cao, thời gian quyết định không gian
Điều quan trọng phải nói nhiều lần.
Tốc độ! Tốc độ! Tốc độ! Thời gian! Thời gian! Thời gian!
Khởi nghiệp lĩnh vực Internet là vô cùng tàn khốc, thường sẽ chỉ có hai người đứng đầu mới có thể sống sót, một khi bạn trở thành người dẫn đầu, mọi nguồn lực sẽ tập trung về phía bạn, ngược lại, một khi cửa sổ thời gian đóng lại, cơ hội sẽ nhanh chóng quay trở lại về không! Bạn có đủ nhanh không?
Nếu những điều này khiến bạn sợ hãi, vậy thì bạn thực sự không phù hợp để khởi nghiệp.
Cuối cùng, mong rằng tất cả những ai nung nấu ý định trở thành ông chủ của chính mình đều sẽ vượt qua được khó khăn, hiện thực hóa được ước mơ của mình. Ước mơ vẫn cần phải có, biết đâu một ngày, nó thành hiện thực thì sao!
Theo Zhihu-Theo Diệu Đan–Đời sống & pháp luật