“Tôi không biết con đường tương lai sẽ đi về đâu”, một người buồn bã chia sẻ.
3 năm trước, mọi thứ dường như đang rất suôn sẻ với Blake Xu.
Vị doanh nhân 33 tuổi và gia đình anh ấy đã xây dựng được một danh mục bất động sản đồ sộ trong suốt giai đoạn bùng nổ bất động sản tại Trung Quốc. 2 vợ chồng anh cũng đang chờ đón con đầu lòng. Anh vừa bán một căn hộ và đổ 1 nửa số tiền có được vào thị trường chứng khoán.
Kể từ đó, thị trường nhà đất đã bước vào giai đoạn sụt giảm không dừng, chỉ số CSI 300 của đất nước này đã mất 1/3 giá trị và nền kinh tế đã trở nên dễ bị tổn thương hơn, niềm tin người tiêu dùng sụt giảm, đầu tư lĩnh vực tư nhân yếu và tỷ lệ thất nghiệp người trẻ tăng cao.
Xu đã rút hết tiền khỏi thị trường chứng khoán. Và cú “exit” tiếp theo của anh có thể chính là rút khỏi Trung Quốc.
“Tôi không biết con đường tương lai sẽ đi về đâu”, Xu nói. “Khi con cái tôi lớn hơn một chút, chúng tôi dự định cho cậu bé ra nước ngoài và có lẽ chúng tôi cũng vậy”.
Trong hầu hết cuộc đời của họ, thế hệ những công dân trung lưu mới của đất nước có thể đã tận dụng được giai đoạn bùng nổ kinh tế. Tuy nhiên, với tình hình bất động sản ảm đạm, thị trường chứng khoán sụt giảm và mở rộng hơn là nền kinh tế nói chung buộc họ phải đối mặt với những câu hỏi khó khăn: Liệu những năm tháng bùng nổ của Trung Quốc đã qua là tốt?
Người dân đang chi tiêu ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn, và tránh xa những khoản đầu tư rủi ro. Tiết kiệm hộ gia đình tại đây đạt 19,83 nghìn tỷ USD tính tới tháng 2, mức cao kỷ lục. Niềm tin của người tiêu dùng thì ở mức gần thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
RÚT LUI
Hugo Chen, 30 tuổi, sinh ra trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi kinh tế đáng chú ý của Trung Quốc, mở cửa cho thương mại toàn cầu.
Lớn lên ở thành phố ven biển giàu có Thâm Quyến, Chen học thạc sĩ ở Anh. Anh quay trở lại Trung Quốc vào năm 2017 để làm việc trong lĩnh vực tài chính và giống như nhiều công dân Trung Quốc, Chen quyết định chơi chứng khoán. Anh cũng mua trái phiếu và đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm.
Nhưng năm ngoái, anh đã đưa ra quyết định: Không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu của công ty Trung Quốc nữa.
Chen biết nhiều hơn hầu hết mọi người về đầu tư – và anh cho rằng Trung Quốc dường như không còn là nơi thông minh để đầu tư nữa.
Tính đến cuối năm 2023, chỉ số CSI 300 đã giảm 3 năm liên tiếp. Tệ hơn nữa, chứng khoán ở Mỹ, Nhật Bản và những nơi khác đã tăng vọt. Đáng lẽ đây là thế kỷ của Trung Quốc, nhưng nền kinh tế và thị trường chứng khoán đang mất dần vị thế trước các nước khác.
“Nghèo là một chuyện. Nhưng nghèo trong khi người khác lại giàu là chuyện khác”, Chen nói.
Anh chuyển phần lớn khoản đầu tư của mình vào các quỹ mua cổ phiếu Mỹ.
Trung Quốc có hơn 220 triệu nhà đầu tư cá nhân, nghĩa là những biến động của thị trường chứng khoán có thể tác động lớn đến tâm lý quốc gia. Những nhà đầu tư nhỏ này từng có tiếng là những tay cờ bạc. Sau sự suy thoái trong vài năm qua, họ đã giảm quy mô đặt cược và ngày càng chuyển sang các tài sản an toàn hơn như quỹ thị trường tiền tệ.
Lĩnh vực bất động sản thậm chí còn gây thiệt hại nhiều hơn cho niềm tin người tiêu dùng. Bắt đầu là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế nợ quá mức trong lĩnh vực này khoảng ba năm trước đã biến thành một cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm, đẩy hàng chục nhà phát triển đến bờ vực phá sản và để mất một trong những động lực tăng trưởng kinh tế chính của Trung Quốc.
Giá nhà hiện có tại các thành phố phát triển nhất của Trung Quốc đã giảm 6,3% trong tháng 2 so với cùng tháng năm ngoái mức giảm kỷ lục so với cùng kỳ năm trước.
Trở lại với câu chuyện của nhân vật Xu ở đầu bài viết, anh này đã phải đau đớn bán bất động sản thứ hai. Nhưng anh không hề hối tiếc: “Số tiền sẽ mang lại cho tôi sự linh hoạt cần thiết để rời khỏi đất nước nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.
SỢ HÃI
Scarlett Hu, 37 tuổi, nhớ lại cảm giác khi trở lại Trung Quốc vào năm 2014. Cô vừa đi du học về và nhận công việc trong lĩnh vực hàng xa xỉ ở Thượng Hải.
“Lúc đó mọi người trong xã hội đều tràn đầy hy vọng. Có một tâm lý đầy hứa hẹn xung quanh”, Hu nói. “Khi ra ngoài thư giãn sau giờ làm việc, chúng tôi luôn tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn”.
Hu đã mua một căn hộ ở Thượng Hải vào năm 2017 và bắt đầu mua các quỹ tương hỗ đầu tư vào thị trường chứng khoán vào năm 2020, trước khi sinh con trai. Cô hy vọng số tiền này sẽ giúp trang trải cho việc học của con. Vào thời điểm đó, mọi việc Hu làm có vẻ như là một đặt cược thông minh: Thị trường bất động sản đang bùng nổ, và cổ phiếu đang gần mức cao kỷ lục.
Nhưng, căn hộ của cô hiện đã mất 15% giá trị và danh mục đầu tư quỹ tương hỗ của cô giảm 35%. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các bước để giải quyết suy thoái, bao gồm nới lỏng các quy tắc cho vay đối với các công ty bất động sản, cắt giảm lãi suất vay và cam kết giải quyết các vấn đề nợ của chính quyền địa phương. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang bấp bênh trên bờ vực giảm phát lan rộng – một kịch bản có thể gây ra nhiều vấn đề hơn cả lạm phát cao.
Đầu tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang cho biết chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024 và gần đây đã có những dấu hiệu cải thiện.
Nhưng các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng này và một số người dân nước này lo ngại rằng mọi thứ sắp trở nên tồi tệ hơn.
Một nhà phân tích chứng khoán 40 tuổi tại Bắc Kinh cho biết cô đã mất việc vào tháng 8 năm ngoái khi công ty tư vấn mà cô làm việc đóng cửa. Cô còn hai đứa con phải chăm sóc, thu nhập của chồng không ổn định, cô đang chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn sắp tới.
Cô nói: “Mọi người đều nói rằng năm nay có thể vẫn là năm tốt nhất trong thập kỷ tới, vì vậy chúng ta nên chuẩn bị cho một thời gian dài khó khăn phía trước”.
Theo: Bloomberg-Phương Linh-Theo An ninh Tiền tệ