Công việc kinh doanh của Robert Samuel đã giúp anh chăm sóc gia đình và thành lập công ty riêng.
Vào lúc 5h sáng, bầu trời ở Quảng trường Thời đại (Mỹ) vẫn còn mờ tối. Bên ngoài Nhà hát Winter Garden, người ta nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông 46 tuổi tên Rober Samuel, đang xếp hàng chờ cùng 4 người khác.
Rober Samuel từng là nhân viên bán điện thoại di động. Hiện giờ, anh chuyển sang công việc mới, được mô tả là xếp hàng thay cho người khác, hầu hết là giới giàu có.
Cây bút của tờ The Guardian nhận xét đây là công việc kỳ lạ. Nhưng nó đã giúp Robert Samuel có mặt tại một số sự kiện lớn trong thập kỷ qua.
Công việc đòi hỏi Samuel phải đứng hoặc ngồi, thậm chí đôi khi là ngủ, để xếp hàng chờ mua vé xem kịch, phát hành iPhone… Tùy vào điều kiện hợp đồng, Samuel sẽ trả lại vị trí xếp hàng hoặc trực tiếp mua vé/sản phẩm cho khách.
Công việc kỳ lạ giúp người lao động đem về trăm triệu đồng sau 5 ngày
Mặc cho thời tiết lạnh giá (8 độ C) và bất chấp giờ giấc, người đàn ông 46 tuổi mặc áo hoodie, đội mũ lưỡi trai đó vẫn vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Ở bên ngoài nhà hát, anh dựng chiếc lều nhỏ và ghế cắm trại để nghỉ chân, chuẩn bị cho hàng giờ đồng hồ chờ đợi để mua 2 vé xem vở nhạc kịch “The Music Man”.
“Có một ngày, nhiệt độ ngoài trời là 0 độ. Bên trong lều của tôi bị đóng băng vì sương giá. Tôi nghĩ đó là đợt lạnh nhất mà tôi từng xếp hàng chờ”, Samuel hồi tưởng lại.
Tuy nhiên, sự chờ đợi đó đã đem về trái ngọt cho Samuel. Bởi “sự nghiệp xếp hàng thuê” của anh thực sự khởi sắc nhờ vào vở nhạc kịch nổi tiếng “Hamilton”, giúp Samuel bỏ túi hàng chục nghìn USD (hàng chục đến hàng trăm triệu đồng). Nó có sức hút đến độ Samuel phải thuê thêm người, ban đầu là bạn bè và người quen, để ngồi xếp hàng cùng.
Trên mạng, khán giả có thể dễ dàng tìm mua vé bán lại của buổi diễn. Song chúng có giá từ 15.000 USD (hơn 344 triệu đồng). Nếu khán giả mua vé thông qua Samuel, họ có thể được ngồi ở vị trí đẹp. Vé được Samuel mua trực tiếp ngay khi phát hành, thường là vào buổi sáng của ngày biểu diễn.
Thời gian chờ đợi để mua vé là 4, có thể 5 ngày. Samuel tính phí 5.000 USD (hơn 114 triệu đồng) cho 2 vé. So với việc mua một chiếc vé được bán lại, dịch vụ của Samuel là ưu đãi tốt nhất trong khu vực.
Có mặt tại loại sự kiện lớn nhỏ nhờ việc xếp hàng thuê
Khi vở “Hamilton” mở bán, Samuel mua 2 vé, mức tối đa được cho phép và sau đó giao chúng cho khách hàng. Tuy nhiên, nhà hát sớm thay đổi chính sách bán vé, yêu cầu người mua phải là chính chủ và có mặt tại buổi diễn.
Điều này không làm khó được khách hàng của Samuel. Họ vẫn ủy quyền cho Samuel và đội ngũ của anh mua vé. Sau đó, khách hàng mời Samuel và đội ngũ vào xem chương trình cùng.
“Đối với tôi, một trong những lợi ích của việc xếp hàng là khám phá lại tình yêu với sân khấu của mình”, Samuel tâm sự. Anh lớn lên ở quận Brooklyn. Một chuyến đi đến khu Broadway (quận Manhattan) là điều hiếm hoi khi anh còn nhỏ. Vở kịch đầu tiên mà Samuel được xem là “Evita”, khi đó anh đi cùng mẹ.
Nhờ đặc thù công việc, Samuel đã xem “Hamilton” đến 10 lần và hiếm khi bỏ lỡ các vở kịch, nhạc kịch được khán giả săn lùng nhiều. Sự thành công của “Hamilton” đã giúp Samuel thành lập công ty riêng có tên Same Ole Line Dudes.
Không chỉ xem kịch, Samuel còn có cơ hội tham dự một số sự kiện đáng chú ý. Khi iPhone trở thành mặt hàng tiêu dùng nóng bậc nhất, Samuel có mặt, xếp hàng chờ bên ngoài cửa hàng hàng đầu của công ty ở New York, phục vụ nhu cầu khách hàng.
Khi thương hiệu thời trang đường phố Supreme gây được tiếng vang lớn nhờ những đợt giảm giá phiên bản giới hạn, Samuel cũng đến cửa hàng SoHo để mua áo phông và hoodie mới phát hành.
Khi thương hiệu đồng hồ sang trọng Omega trở nên nổi tiếng và bắt đầu lấn sân sang thế giới của những phiên bản giới hạn, Samuel đã ở cửa hàng của hãng để thu hút khách hàng – những người sở hữu hàng nghìn USD, nhưng không có thời gian để xếp hàng.
Có nhiều trải nghiệm thú vị nhưng cũng chứng kiến góc khuất của xã hội
Không phải lúc nào Samuel cũng có trải nghiệm thú vị khi làm công việc kỳ lạ này. Trước đại dịch, việc xếp hàng thuê đủ để Samuel kiếm tới 80.000 USD (hơn 1,8 tỷ đồng) một năm. Nhưng đồng thời công việc kỳ lạ này cũng phơi bày một số mặt xấu của xã hội.
Phần tồi tệ nhất của công việc là sự phân biệt chủng tộc mà Samuel và nhóm của anh, nhiều người trong số đó là người da màu và có gốc Mỹ Latin, đã trải qua. Khi đang làm việc, một trong những đồng nghiệp của Samuel đã bắt chuyện với một người phụ nữ có con nhỏ đến mua vé xem nhạc kịch.
Khi đứa bé hỏi thăm đồng nghiệp của Samuel về buổi biểu diễn, bà mẹ xen vào: “Con đừng hỏi ngớ ngẩn. Họ không đến đây để xem kịch”.
Dẫu vậy, Samuel vẫn hạnh phúc với công việc và kiếm sống tốt. Hầu hết phạm vi công việc của Samuel đều ở thành phố New York. Vai trò này đã giúp anh được đi du lịch, chăm sóc gia đình.
Theo The Guardian-Theo Trí thức trẻ