Người này đã trực tiếp trao cơ hội cho sếp Tiến, khi ấy mới là chàng trai trẻ chưa qua thời gian thử việc.
Ông Hoàng Nam Tiến là nhân vật có sức ảnh hưởng bởi những lời khuyên chân thành dành cho người trẻ. Với những trải nghiệm phong phú của mình, ông có cách truyền đạt kiến thức một cách nhẹ nhàng, gần gũi.
Trước khi thành công như hiện tại, sếp Hoàng Nam Tiến cũng có thời gian là người mới. Trong podcast của FPT Edu Chill, ông đã chia sẻ về khoảng thời gian mới bắt đầu sự nghiệp, đồng thời tiết lộ người anh mà ông đặc biệt kính nể.
Chỉ làm Phó nhưng nắm quyền không khác gì Giám đốc
Ông chia sẻ: “Tôi vào FPT tháng 9/1993. Đến tháng 3/1994, tôi được bổ nhiệm vị trí quản lý cửa hàng. Sau 15 tháng vào FPT, tháng 12/1994, tôi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc.” Thời gian đó, ông Hoàng Nam Tiến chưa hết thời gian thực tập 24 tháng.
Do đó, sếp Trương Gia Bình chưa thể bổ nhiệm ông Tiến làm Giám đốc. Đúng lúc đó, ông Lê Quang Tiến, Giám đốc Tài chính của công ty đứng ra: “Tiến không làm Giám đốc được thì em làm”. Nhưng ngay khi cầm tờ giấy quyết định ông Trương Gia Bình đưa cho, ông quay sang nói với sếp Hoàng Nam Tiến: ” Từ giờ mày làm Giám đốc. Mày làm anh chịu.”
Nhớ lại kỷ niệm đó với ông Lê Quang Tiến, sếp Tiến cho biết đó là người ông biết ơn cả đời, ở công ty luôn gọi “anh Hai”. Chính nhờ có sự giúp đỡ của người anh đi trước, ông Tiến đã có cơ hội trưởng thành nhanh hơn. Thời điểm đó, ông vẫn còn là cậu thanh niên trẻ, từng làm việc 16 giờ/ngày xuyên suốt nhiều năm…
Sau đó, ông đã thử sức trong nhiều vai trò khác nhau tại FPT. ” Từ ngày ra trường, tôi chỉ làm ở FPT nhưng đã qua 6 hướng kinh doanh khác nhau. Cứ lâu lâu tôi lại xin gặp anh Trương Gia Bình (Chủ tịch Tập đoàn FPT) để xin đổi việc. Anh Bình cũng rất chiều tôi, vì nếu không cho đổi việc thì thể nào tôi cũng nghỉ ”, sếp Tiến tiết lộ.
Nghệ thuật lãnh đạo làm nên những con người tài ba
Có thể nói, vai trò của người lãnh đạo trong một tập thể cực kỳ lớn. “Ở công sở, có những người tạo được sự ảnh hưởng chính thức nhờ vị trí, chức danh, trách nhiệm mà họ đảm nhận,” Ron Price – nhà tư vấn về nghệ thuật lãnh đạo, người sáng lập của Price Associates, tác giả cuốn Growing Influence: A story of How to Lead with Character, Expertise, and Impact – cho biết. “Tuy nhiên, cũng có những người tạo được sự ảnh hưởng không chính thức, bằng cách thể hiện mình là ai.”
Theo chuyên gia Jack Christianson, việc lãnh đạo khéo hay dở nằm ở chỗ người lãnh đạo xoay xở như thế nào với các mối quan hệ. Jack có một cuốn sách rất hay về khả năng lãnh đạo mà có thể bạn chưa biết đến có tên là Frogs Matter Most. Trong cuốn sách đó, Jack giải thích rằng các mối quan hệ quan trọng hơn nhiều so với bản thân các vấn đề. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lãnh đạo đều tập trung vào giải quyết vấn đề chứ không bao giờ thực sự để tâm đến việc phát triển các mối quan hệ tin cậy.
Tất nhiên, tất cả các vấn đề đều cần được giải quyết. Nhưng khi có mối quan hệ đủ tin cậy, thân mật và an toàn, những vấn đề đó có thể được giải quyết một cách rất đơn giản. Khi đối mặt với thử thách, người lãnh đạo thực sự cần xác định vai trò nào họ sẽ thực hiện, và họ sẽ tiếp cận vấn đề như thế nào.
Nghệ thuật lãnh đạo không chỉ có 2 chiều. Các nhà lãnh đạo giỏi là những người có thể đảm nhận cùng một lúc nhiều vai trò khác nhau với các phong cách khác nhau tùy thuộc vào tình hình và đối tượng mà họ đang giải quyết.
Theo Jack, con người là mục tiêu cuối cùng. Nếu có đủ sự tin tưởng, thì nhân viên sẽ phát huy được năng lực một cách tốt nhất.
Trong các cuộc giao tiếp mà không có sự tin tưởng lẫn nhau, nhân viên không có cảm giác an toàn trong vai trò của họ. Họ không biết người lãnh đạo của họ đang nghĩ gì. Vì thế họ không thể yên tâm làm việc và cống hiến hết mình cho công ty.
Ngược lại, nếu có được sự tin tưởng lẫn nhau giữa sếp và nhân viên, mọi việc đều có thể được giải quyết một cách dễ dàng và ăn ý. Điều đó giải thích lí do vì sao việc xây dựng các mối quan hệ thực chất lại đem đến thành công cho người lãnh đạo.
Tổng hợp-Theo Thuỳ Anh-Theo Phụ nữ mới