Đời người là thước phim, cuộc sống là kịch bản. Trong kịch bản ấy có cả tốt và xấu, sang và hèn, phú quý và bần cùng, trường thọ và yểu mệnh… Tuy nhiên, số phận của mỗi người ra sao lại phụ thuộc vào việc bản thân hành xử như thế nào.
Con người ta sinh ra là khác nhau, nhân sinh quan, vũ trụ quan của mỗi cá nhân cũng khác nhau. Nhưng dẫu sao đi nữa, sinh mệnh đời người là có bắt đầu và có kết thúc, không khác nào một thước phim quay sẵn hay một màn kịch đã có sẵn kịch bản. Vậy, nhất định còn có đạo diễn ở đằng sau! Nhưng ai đã viết nên kịch bản đó? Ai có đủ năng lực sắp đặt những bối cảnh trong cuộc đời của một sinh mệnh?
Nếu như có thể sống chậm lại, lặng lẽ quan sát và ngẫm lại các điển tích từ ngàn xưa tới nay, ta sẽ phát hiện ra quy luật của tạo hóa: Đó chính là luật nhân quả, “thiện ác hữu báo”. Dưới đây là một vài câu chuyện có thật trong lịch sử để chúng ta cùng tham khảo.
Hoàn trả ngọc báu, thay đổi vận mệnh
Thời nhà Đường có người tên là Bùi Độ, sinh ra ở một vùng nông thôn. Thời trẻ, Bùi Độ phải đi dạy học để kiếm sống nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Mặc dù tài học của ông được xếp vào hàng uyên bác, nhưng thời vận lại đen đủi, thi cử lận đận bao phen mà không đỗ đạt gì.
Có lần, Bùi Độ gặp được vị thầy tướng. Ông thầy xem tướng diện Bùi Độ rồi phán rằng:
– Số của anh thuộc loại bạc mệnh, phúc phận mỏng manh không thể thành danh được. Hơn nữa, anh có ‘nhãn quang ngoại phù (mắt lồi ra ngoài), trên má lại có ‘xà nhập khẩu’ (đường thẳng như kẻ chỉ chạy thẳng vào khoang miệng). Ta rất tiếc nhưng vẫn phải nói với anh rằng kiếp này chỉ có thể đi ăn xin, lại phải chịu họa chết đói chết khát ở đầu đường xó chợ!
Bùi Độ nghe xong mặt buồn rười rượi, thương phận mình hẩm hiu, bạc bẽo biết bao nhiêu.
Một ngày nọ, Bùi Độ lang thang đến chùa Hương Sơn, trông thấy có cô nương đang quỳ gối cầu nguyện trước án thờ Phật, xong rồi vội vàng rời đi. Anh tiến lại gần thì thấy trên hương án có một chiếc túi, bên trong là miếng ngọc Phỉ Thúy rất đẹp, còn có dây da để đeo. Anh nghĩ: “Vật này nhất định là của cô nương vừa cầu nguyện ở đây”. Vậy nên anh bèn ngồi đợi ở đó, chờ xem có ai quay lại tìm ngọc không.
Anh đợi mãi đợi mãi cho đến tận xế chiều thì thấy một cô gái hớt hơ hớt hải chạy đến, vừa thở hổn hển vừa bước vào tiền môn ngoái nhìn khắp xung quanh một lượt, sau đó lại òa khóc tức tưởi. Thấy vậy Bùi Độ liền tiến lại gần hỏi han, cô gái nghẹn ngào nói:
– Cha tôi lâm bệnh nặng, vì chạy chữa cho cha mà gia sản kiệt quệ. Hôm qua tôi gặp được vị danh y, nói rằng cha tôi vẫn còn có hy vọng. Nên sáng sớm nay tôi đến nhà người bà con mượn chút tiền chữa bệnh cho cha, họ đã đưa cho tôi miếng ngọc Phỉ Thúy để đem đi cầm cố mà lấy tiền thuốc men. Khi đi ngang qua chùa Hương Sơn, tôi bèn vào niệm Phật, xin trời Phật phù hộ độ trì cho cha tôi được tai qua nạn khỏi… Trong lúc cầu nguyện, vì mải suy nghĩ viển vông nên tôi đã quên mất túi đồ mình mang theo, tới tiệm cầm đồ tôi mới nhớ ra là đã bỏ quên miếng ngọc trên án hương chùa này. Nhưng giờ đã không còn thấy đâu nữa! Tôi lấy đâu ra tiền để mua thuốc chữa bệnh cho cha đây? Nhà còn có mẹ già và hai em nhỏ, không ai nuôi dưỡng, tôi thật sự không biết phải làm thế nào.
Bùi Độ nghe xong liền đem ngọc quý trả lại cho cô gái kia. Cô mừng rỡ gạt nước mắt, chắp tay bái tạ Bùi Độ rồi vội vã rời đi. Lúc này mặt trời đã xuống núi, xa xa phía tây ánh hoàng hôn hắt lên một màu vàng cam rực rỡ, tiếng chuông chùa ngân lên làm lay động cả núi rừng. Bùi Độ ngoái đầu nhìn lại án hương thờ Phật, từng làn khói chầm chậm bốc lên mà lòng buồn lê thê. Anh cất gót bước đi theo cái bóng đổ dài thườn thượt…
Trên đường về, tình cờ anh gặp lão thiền sư. Lão thiền sư liền quay người lại, nói:
– Xin thí chủ dừng bước! Nhất định thí chủ vừa làm được một việc tốt, tích được âm đức rất lớn. Ta xem diện mạo của cậu vừa hiển lộ ra luồng phúc khí, tướng diện ‘Xà nhập khẩu’ nay đã biến thành ‘Ngọc đái văn’ (đường vân má có hình đẹp như miếng ngọc bội), chẳng những thoát được số mệnh bần tiện mà tương lai còn được phúc báo, an hưởng phú quý.
Nghe thấy vậy, Bùi Độ mừng rỡ quên hết cả phiền muộn trong lòng, khuôn mặt sáng ngời như lúc rạng đông. Anh bèn kể lại câu chuyện hồi chiều cho vị thiền sư nghe. Vị thiền sư nghe xong đã hết lòng khen ngợi tấm lòng thiện hạnh của Bùi Độ.
Quả nhiên lời tiên đoán của vị thiền sư đã thành hiện thực. Về sau đúng là Bùi Độ “xuất tướng nhập tương” (ra triều thì làm tướng, vào triều thì làm quan to). Ông được phong đến chức “Tấn quốc công”, tiếng thơm tỏa khắp bốn phương, thượng hưởng phúc lộc dài lâu.
Ngày ngày niệm Phật, vì sao vẫn hóa kiếp thành heo?
Khi xưa có vị lão bà là một người rất tín Phật. Bà rất thành tâm bái lễ, ngày ngày đều quỳ gối trước tượng Phật mà tụng niệm. Cứ mỗi khi tụng xong một cuốn kinh thư, bà lại bỏ một hạt đậu xanh vào trong ống tre. Mọi người thấy vậy bèn đặt cho bà biệt hiệu là “Đậu Xanh nương nương”.
Bà lão “Đậu Xanh nương nương” có một đứa cháu trai đã trưởng thành chuẩn bị rước dâu. Họ hàng thân thích và quan khách gần xa đều đến dự đông đủ cả. Người nhà dự định sẽ mổ hai con lợn, một con lợn to (đại trư) và một con lợn nhỏ (tiểu trư) để chiêu đãi khách mời.
Ngày hoàng đạo cũng đã đến, người nhà bàn với nhau rằng: trước hết nên mổ đại trư, sau đó mổ tiểu trư. Nhưng đến khi bắt lợn để thịt thì tóm mãi không được đại trư, gia nhân hô hoán náo loạn, lợn kêu inh ỏi làm cho “Đậu Xanh nương nương” đang tụng kinh trên lầu không thể nào mà tĩnh tâm được. Bà tức giận đi xuống và chỉ tay quát mắng con cháu rằng:
– Sao cứ nhất nhất phải mổ con to trước? Không bắt được đại trư thì bắt tiểu trư. Thịt tiểu trư trước rồi thịt đại trư sau, mổ con nào trước mà chẳng như nhau kia chứ!
Đám người tùy tùng và con cháu trong nhà nghe thấy có lý liền thay đổi kế hoạch, bắt thịt tiểu trư trước rồi mới thịt đại trư. Sau khi bị giết, hai con lợn bị đày xuống địa ngục gặp Diêm Vương. Tiểu trư lấy làm bất bình với cái chết oan uổng của mình, liền tâu với Diêm Vương rằng:
– Bẩm Diêm Vương, xin ngài đứng ra làm chủ. Lẽ ra cậu ta phải chết trước, nhưng vì một câu nói của bà già xấu xí lắm lời mà hại tôi chết trước. Tôi không phục, nhất định kiện bà lão ấy sau khi chết phải hóa kiếp thành lợn.
Diêm Vương nghe xong gật đầu, rồi cho quỷ ngục đem tiểu trư đi…
Ít lâu sau, bà lão “Đậu Xanh nương nương” qua đời, khi xuống tới đại phủ liền bị Diêm Vương phán:
– Nhà ngươi khi còn sống tuy có tâm kính Phật, ngày ngày niệm kinh, nhưng lại không thực tâm làm theo lời Phật dạy, không dung nhẫn, trong khi tức giận đã tạo ra khẩu nghiệp. Nay ngươi phải chuyển sinh thành lợn để hoàn trả nợ nghiệp.
“Đậu Xanh nương nương” chịu khổ tu hành, niệm kinh vô số lần, hạt đậu chất thành núi. Ấy thế mà chỉ trong phút chốc không nhẫn chịu được, bao công sức đều tan thành mây khói. Thật là: “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ”.
Bởi thế, làm người tu luyện mang tâm truy cầu hoặc suy nghĩ hỗn loạn đến các chuyện thị phi và phù phiếm ngoài xã hội, không tu khẩu hay buông lời hàm hồ, cuồng ngôn, lộng ngữ… cũng sẽ bị tiêu hao vận may, cuối cùng gặp phải tai họa.
Giết người vô tội, thác sinh xuống địa ngục
Trong cuốn sách Tập Phúc Tiêu Tai có câu chuyện kể rằng:
Tiêu Tuấn Minh thi đậu công danh từ khi tuổi còn rất trẻ. Ông đã làm quan rất nhiều năm nhưng mãi vẫn không được thăng chức. Ông ta thường hay buồn phiền vì đường quan trường lận đận đến nỗi đem lòng oán hận cả trời. Trong lúc phẫn nộ, ông ta còn viết một bài sớ chất vấn trời cao, rằng sao quá bất công với mình đến vậy?
Đến một ngày kia, đang lúc trời quang mây tạnh bỗng đâu có một sắc thư bay từ trên trời xuống, rơi đúng trước sân nhà họ Tiêu. Trên chiếu thư ghi sáu chữ, dường như đây là văn tự chốn thiên đình. Tiêu Tuấn Minh xem không hiểu. Song lâu nay ông vẫn thường nghe nói đến Hà Tiên Cô tu luyện đắc Đạo có thể đọc được thiên tự, ông ta bèn tức tốc đến thỉnh giáo Hà Tiên Cô.
Hà Tiên Cô xem qua chiếu thư liền nói: “Chiếu thư viết rằng nhà ngươi nhận quá 52 lượng vàng hối lộ, tổn thọ 10 năm, lại xét xử oan sai hại chết một mạng người. Sau khi chết nhất định sẽ bị trừng phạt, đày xuống địa ngục”. Nói xong, Hà Tiên Cô nhìn Tiêu Tuấn Minh và nghiêm nghị hỏi:
– Có đúng nhà ngươi đã phạm phải hai trọng tội này không?
Tiêu Tuấn Minh thất kinh, trán toát mồ hôi, chân tay muốn rụng rời, nói không ra lời. Ít lâu sau, ông lâm bệnh mà qua đời.
Tiêu Tuấn minh tuổi trẻ tài cao, sớm được làm quan. Nhưng vì là phụ mẫu của dân mà lại làm chuyện xấu, có được một chút chức sắc đã vội vơ vét của dân, hại người vô tội, khiến lòng người oán hận. Họ Tiêu kia đã bị vàng bạc làm cho mê mờ, hám danh chuộc lợi mà còn dám cả gan dâng sớ oán trời. Sau khi chết phải thác xuống địa ngục mà bồi hoàn cho những tội nghiệt do mình gây ra.
Khuyên ai sống trên đời hãy làm người lương thiện: “phúc dù chưa tới, họa đã rời xa”, còn sống làm ác nhân thì “họa dù chưa tới, phúc đã rời xa”. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt, nhân quả là tuần hoàn, thiện ác đều có báo, sớm muộn rồi cũng sẽ đến. Nếu thiên hạ ai ai cũng đều mong muốn làm người tốt trong xã hội, hành thiện mà tạo phúc, tích đức cho đời sau, đó chẳng phải tốt đẹp lắm sao?
Trúc Dật – Theo Secretchina