Vị doanh nhân này đang đối đầu trực diện Elon Musk trong lĩnh vực xe điện.
Xiaomi vừa gia nhập đường đua xe điện – lĩnh vực vốn đã rất đông đúc với hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ riêng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như hãng đã có khởi đầu suôn sẻ khi mà họ công bố rằng đã bán được khoảng 50.000 chiếc xe chỉ trong vòng 30 phút khi vừa ra mắt chiếc SU7.
Như vậy, sau nhiều năm cạnh tranh với Apple trên mặt trận điện thoại thông minh, Xiaomi hiện đối đầu với cả Tesla của Elon Musk.
Lei Jun – Chủ tịch Xiaomi là người đứng trên sân khấu tiết lộ mẫu SU7 với 3 phiên bản – SU7, SU7 Pro và SU7 Max, giá khởi điểm từ 215.000 NDT (29.867 USD). Việc mẫu xe mới ra mắt dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến giá tại Trung Quốc vào thời điểm BYD, Xpeng, Nio và Tesla đều đang nỗ lực hết mình để có thể lấy lòng người tiêu dùng Trung Quốc.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia phân tích, Xiaomi đang có vị thế không tồi trên thị trường.
“Xiaomi đã hạ mức giá sàn cho thị trường xe điện toàn cầu trong khi vẫn đi kèm với những tính năng nổi trội”, Tu Le – Giám đốc quản lý công ty tư vấn Sino Auto Insights nói.
Xiaomi đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng đối với chiếc SU7 mới của mình bằng cách cẩn thận công bố thông tin chi tiết về mẫu xe mới nhưng giữ kín mức giá cho đến khi ra mắt. Tại sự kiện ra mắt hôm thứ 5 tuần trước, Lei, 54 tuổi, ăn mặc giống Elon Musk hơn với trang phục công sở bình thường, trái ngược với chiếc quần jean và áo phông lấy cảm hứng từ Steve Jobs mà ông đã mặc trong buổi ra mắt điện thoại thông minh.
Theo công ty, buổi ra mắt SU7, được truyền hình trực tiếp tới hàng triệu người, là một sự kiện phát trực tiếp lớn, với số lượng đơn đặt hàng trước vượt 10.000 chiếc trong vòng 4 phút.
Lei cho biết mẫu xe mới có thời lượng pin 700 km (440 dặm), được so sánh với Model 3 của Tesla và khẳng định 90% thông số kỹ thuật thậm chí vượt mẫu mẫu xe của Tesla. Trong khi đó, giá khởi điểm của SU7 thấp hơn giá khởi điểm của Model 3 khoảng 36.000 NDT.
Sự cạnh tranh trên thị trường xe điện lớn nhất thế giới đang ngày càng gay gắt trong bối cảnh tốc độ mua xe điện đang chậm lại, vốn trước đây được thúc đẩy nhờ các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ.
BYD có trụ sở tại Thâm Quyến, nhà lắp ráp xe điện lớn nhất thế giới và nổi tiếng với những chiếc xe rẻ hơn, đã giảm giá hơn 100 mẫu xe hiện có trong tháng 3 so với tháng 12. Mẫu sedan Qin Plus bán chạy nhất của hãng được giảm giá 20% – mức giảm giá lớn nhất trong đợt giảm giá hiện tại – hiện có mức giá khởi điểm là 79.800 NDT.
Nhà sản xuất xe điện Xpeng cũng gia hạn giảm giá 20.000 NDT cho chiếc SUV điện G6 bán chạy nhất của mình cho đến cuối tháng 3, với mức giá 189.900 NDT sau khi lượng giao hàng giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm vào tháng hai.
Tesla, hãng dẫn đầu trong phân khúc xe điện cao cấp của Trung Quốc, cũng đã triển khai chiến dịch bán hàng vào tháng 3. Nhà sản xuất xe điện của Mỹ đang trợ cấp 8.000 NDT cho những người mua mua bảo hiểm ô tô từ các đối tác của mình. Khoản trợ cấp có hiệu lực đến cuối tháng 3.
Chưa kể, tâm lý mua ô tô ở Trung Quốc đã giảm sút trong bối cảnh nền kinh tế hậu Covid đang suy yếu.
Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, doanh số hàng năm của ô tô sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc, bao gồm cả xe điện và xe plug-in hybrid, dự kiến sẽ tăng 22% vào năm 2024, đạt 11 triệu xe, thấp hơn 14% so với tốc độ tăng trưởng 36 % vào năm 2023 khi có 7,7 triệu chiếc được bán ra.
Trong khi đó, với dự án xe hơi của Xiaomi, ông nói đây sẽ là dự án kinh doanh cuối cùng của mình. Tuy nhiên, mẫu xe đầu tiên của hãng đang được tung ra trong bối cảnh cuộc chiến giảm giá xe tàn khốc ở Trung Quốc và hiện nay người tiêu dùng đang có quá nhiều sự lựa chọn, gây khó khăn cho việc phát triển.
Trong khi xe điện hiện chiếm khoảng 1/3 doanh số bán ô tô mới tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các nhà phân tích và giám đốc điều hành đã dự đoán một giai đoạn hợp nhất sẽ xảy ra với cả các nhà sản xuất ô tô truyền thống và nhiều hãng mới tham gia thị trường.
Ở Mỹ và châu Âu cũng có những lo ngại rằng khi nhu cầu nội địa tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, làn sóng xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường quốc tế, làm dấy lên lo ngại về các hoạt động thương mại không công bằng và an ninh quốc gia.
Chỉ mất ba năm để chiếc ô tô đầu tiên của Xiaomi ra đời, nhấn mạnh tốc độ phát triển trong ngành công nghiệp xe điện cực kỳ cạnh tranh và dẫn đầu thế giới của Trung Quốc cũng như sự háo hức giành thị phần của các công ty công nghệ.
Một nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu khác của Trung Quốc là Huawei cũng đang có được chỗ đứng với thương hiệu Aito, mẫu M7 của họ hiện là mẫu xe điện bán chạy thứ tư tại Trung Quốc trong năm nay.
Li Yanwei, thành viên của Ủy ban Chuyên gia Hiệp hội Đại lý Ô tô Trung Quốc cho biết Xiaomi đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ các nhà sản xuất ô tô truyền thống hơn, bao gồm Tesla, BMW, BYD và Geely’s Zeekr, những công ty đang thực hiện nhiều đợt giảm giá. Ông Li lưu ý: “Những công ty này không để lại nhiều không gian cho SU7”.
Dẫu vậy, CEO Lei Jun nói rằng SU7 đang được định vị là “chiếc xe mơ ước” cạnh tranh với Tesla và Porsche và có khả năng tăng tốc nhanh hơn. Ông đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào dự án xe điện trong hơn một thập kỷ, với mục tiêu trở thành một trong 5 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới trong vòng 15 đến 20 năm tới. Lei cho biết: “Xiaomi Auto đang nỗ lực nâng cao vị thế của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc”.
“Các công ty Trung Quốc không ngại thử những điều chưa từng làm trước đây trong khi các tập đoàn như Apple lại quá lớn để có thể đưa ra quyết định nhanh chóng”, Tycho de Feijter, chuyên gia về thị trường xe hơi Trung Quốc của tổ chức nghiên cứu Clingendael của Hà Lan cho biết.
Xe 5 chỗ của Xiaomi tự hào có hệ điều hành hoạt động kết nối với điện thoại thông minh và các thiết bị gia dụng như máy điều hòa và nồi cơm điện, cho phép người dùng điều khiển tất cả các loại thiết bị khi đang di chuyển trên đường.
Yale Zhang, người sáng lập công ty tư vấn Automotive Foresight có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Một công ty có sản phẩm điện thoại thông minh và hệ điều hành tự phát triển chắc chắn có lợi thế hơn các nhà sản xuất ô tô truyền thống về khả năng kết nối ô tô”.
Bản thân CEO Lei Jun cũng chứng minh thành công của mình với lĩnh vực điện thoại thông minh. Chỉ trong vòng 5 năm, Xiaomi đã đi từ hai bàn tay trắng cho tới danh hiệu startup công nghệ tư nhân có giá trị lớn nhất trên thế giới.
Theo chia sẻ trên tờ Wall Street Journal của CEO Lei Jun chia sẻ thành công của ông đơn giản chỉ là “nắm bắt cơ hội chính xác”.
“Ngay cả một con lợn cũng có thể bay nếu nó đứng ở trung tâm của một cơn lốc”, Jun từng chia sẻ về sự tăng trưởng nhanh chóng của công ty.
Theo: SCMP-Phương Linh-Theo An ninh Tiền tệ