“Bây giờ mọi sự thay đổi rồi. Một người sử dụng tiếng Anh không thể thờ ơ với các kỹ năng và các chuyên môn khác”.
Ngày nay đối với học sinh, sinh viên, người đi làm thì việc học và thông thạo tiếng Anh gần như tối thiểu, thậm chí bắt buộc. Đây là mục tiêu cần thiết và chính đáng.
Tuy nhiên, theo thầy giáo Đỗ Cao Sang, người có hơn 15 năm kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Anh, thì: Ở thời buổi này, các bạn trẻ học giỏi tiếng Anh là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để vững tin đi lại “bôn tẩu trên giang hồ”. Hãy tiết kiệm thời gian bằng cách tích hợp học Anh văn với một ngành nghề chuyên môn nào đó. Bởi “thời nay đã khác xưa rồi”.
Xin được chia sẻ lại quan điểm đáng chú ý từ thẩy giáo này:
NGÀY ẤY TIẾNG ANH LÀ ĐỦ
Chưa bao giờ tôi cảm thấy sự cạnh tranh toàn cầu (global job competition) sâu sắc và đáng sợ như thời điểm hiện tại. Hãy cùng tôi phân tích sự thăng trầm của nghề dạy tiếng Anh và nghề liên quan tới tiếng Anh.
Hồi thập niên 90 của thế kỷ 20 đến đầu những năm 2000, lúc Việt Nam mới mở cửa ra thế giới thì tiếng Nga bắt đầu thất sủng. Bất cứ ai làm việc liên quan đến tiếng Anh đều là những kẻ “ho ra tiền”. Nhiều vị đang học bằng A theo giáo trình Streamline buổi tối nhưng buổi sáng và buổi chiều vẫn chạy sô hết ca này đến ca khác.
Lúc đó, nghề phiên dịch tiếng Anh cũng vậy. Bạn chỉ cần biết tiếng Anh sơ sơ, không cần biết thêm ngôn ngữ nào khác, đều được trọng dụng và nâng niu như một loại “quốc sản” đặc biệt.
Cách đây 15 năm, các trung tâm đào tạo Anh ngữ phát triển nóng mọc lên như nấm. Giáo viên thường là sinh viên năm thứ 2 được thuê với mức lương cực kỳ rẻ mạt. Ngược lại, người học kéo đến ùn ùn khiến cho ông chủ những trung tâm này kéo được những mẻ lưới bội thu.
BÂY GIỜ CHỈ TIẾNG ANH THÔI VẪN “CHẾT”
Bây giờ thì mọi sự thay đổi rồi. Một người sử dụng tiếng Anh không thể thờ ơ với các kỹ năng và các chuyên môn khác. Anh ta không thể kiếm được việc tốt và được trọng dụng nếu chỉ biết mỗi tiếng Anh. Nói cách khác, anh ta phải ghi trong hồ sơ là “có chuyên môn XYZ nhưng thạo tiếng Anh” thay vì chỉ ghi “chuyên môn tiếng Anh biết thêm kỹ năng XYZ”.
Thay vì có thể kiếm tiền tỷ mỗi năm, một giáo viên (xếp hạng khá giỏi chuyên môn và có thương hiệu mạnh) cũng chỉ thu nhập tầm 300 triệu/năm. Với mức thu nhập này, anh ta phải làm việc cật lực và hầu như không có giờ nghỉ, ngày nghỉ. Những giáo viên không chuyên sâu và thương hiệu yếu thì không thể mơ mộng nhiều.
Tại sao vậy?
Ngoài nguyên nhân do lượng người biết tiếng Anh tăng cao cả về số và chất lượng, còn có một nguyên nhân mang tên toàn cầu hóa cạnh tranh (Globalized Competition). Giờ đây, việc kiếm giáo viên nước ngoài giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam không hề khó khăn. Nhiều trung tâm chỉ toàn giáo viên nước ngoài, không hề thấy bóng dáng một giáo viên Việt nào cả mà mức phí cũng không quá đắt đỏ.
Như thế, hãy khoan nói về chất lượng đào tạo, việc giáo viên Việt bị thất thế cũng là lẽ thường của làn sóng toàn cầu hóa. Hơn thế, máu “sính ngoại” của người Việt khiến vấn đề càng thêm nhiều phức tạp.
Năm 2010, tôi hỏi một bạn trẻ Nhật về thu nhập của giáo viên Nhật dạy tiếng Anh tại nước Nhật. Thật bất ngờ, anh ta hồn nhiên nói: Ồ, chúng tôi không biết gì cả vì nghề dạy tiếng Anh không thuộc về người Nhật. Toàn là người Mỹ sang nước tôi dạy tiếng Anh thôi à. Có lẽ chỉ 10 năm nữa thôi, chắc chắn chính tôi sẽ nói câu tương tự nếu có ai hỏi đến: Nghề dạy tiếng Anh đâu dành cho người Việt. Toàn giáo viên quốc tế đến dạy ở Việt Nam thôi.
Ở thời buổi này, các bạn trẻ học giỏi tiếng Anh là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ để vững tin đi lại “bôn tẩu trên giang hồ”. Hãy tiết kiệm thời gian bằng cách tích hợp học Anh văn với một ngành nghề chuyên môn nào đó. Ví dụ bạn ước mơ làm đầu bếp, hãy học tiếng Anh của bếp núc, nhà hàng ngay từ đầu. Đây là cách ngắn nhất để thành công trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay.
Muốn vậy, bạn phải tự học. Muốn tự học hiệu quả, bạn lại phải biết phương pháp tự học và quy trình kiến tạo kỹ năng. Hiện nay, sự học suốt đời (lifelong learning) đã là một thuật ngữ cửa miệng của nhiều người thức thời. Hãy tự học tiếng Anh và chuyên môn ngay và cùng một lúc nếu không muốn mình lạc hậu trong tương lai gần.
Theo Hiểu Đan-Theo PNM