Ngành học này vừa bảo đảm mức thu nhập tương đối cao, lên tới hàng chục triệu đồng ngay sau khi ra trường, vừa hứa hẹn những triển vọng to lớn trong tương lai.
Thời gian gần đây, một ngành nghề nhận được sự quan tâm đặc biệt và được đưa ra thảo luận cả trước nghị trường. Đây là ngành nghề được kỳ vọng có nhiều triển vọng trong tương lai, thúc đẩy nhanh hơn nữa con đường tiến vào khoa học công nghệ của Việt Nam. Đó là ngành kỹ sư bán dẫn.
Ngành kỹ sư ngành bán dẫn
Kỹ sư ngành bán dẫn là người sử dụng nền tảng kỹ thuật đã được học để thiết kế và lập trình các vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Các kỹ sư ngành bán dẫn quản lý tất cả các công đoạn thiết kế, xây dựng, xử lý sự cố và thử nghiệm các mạch điện tử. Họ chủ yếu là các kỹ sư thiết kế chip, có kiến thức sâu rộng về kỹ thuật và hệ thống vi điện tử để chế tạo ra các thiết bị điện tử hoạt động bình thường.
Ngành bán dẫn hiện là ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD và có sức ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới.
Các kỹ sư bán dẫn thiết kế và phát triển các thành phần cấu tạo nên một chip hoặc một thiết bị điện tử. Họ có thể có những công việc chính như:
-Cấu hình chất bán dẫn theo nhu cầu của khách hàng
-Thiết kế và chế tạo các sản phẩm điện cho dữ liệu
-Tạo hệ thống bán dẫn và phần mềm
-Kiểm tra và khắc phục sự cố
-Giám sát và đo lường mức độ hiệu quả của hệ thống điện
-Phát triển chip hoặc mạch tích hợp (IC) cho các thiết bị điện tử
-Lắp ráp hoặc đóng gói thiết bị an toàn để vận chuyển
Trong quá trình học tập để trở thành một kỹ sư ngành bán dẫn, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kĩ năng quan trọng như:
Toán học: Các kỹ sư bán dẫn thường phải sử dụng các kiến thức toán học để thiết kế chất bán dẫn và khắc phục sự cố. Do đó, một kỹ sư bán dẫn cũng sẽ là người giỏi toán và biết ứng dụng những kiến thức đã học vào công việc.
Kỹ năng kỹ thuật: Một kỹ sư bán dẫn phải hoàn thành rất nhiều công việc về kỹ thuật. Do đó, việc bồi dưỡng kỹ năng kỹ thuật là không thể thiếu. Đây cũng là kĩ năng giúp ích rất nhiều cho các kỹ sư trong thực hiện các công việc được giao.
Giải quyết vấn đề: Kỹ năng giải quyết vấn đề được bồi dưỡng để giúp các kỹ sư bán dẫn tương lai xây dựng các giải pháp khi thiết kế hoặc xử lý sự cố của các vi mạch và hệ thống. Đây là một kĩ năng rất quan trọng trong khía cạnh công việc nói riêng và cuộc sống nói chung.
Phân tích dữ liệu: Các kỹ sư bán dẫn cần thường xuyên nghiên cứu dữ liệu để thực hiện các thay đổi trong thiết kế, do đó đây cũng là một kĩ năng được tập trung đào tạo cho sinh viên ngành bán dẫn. Với kỹ năng được trang bị, kể cả khi không còn làm việc trong ngành bán dẫn, người lao động vẫn có thể tìm kiếm những cơ hội việc làm mang lại thu nhập cao, do ngành phân tích dữ liệu cũng đang rất được săn đón những năm gần đây.
Kỹ năng quản lý dự án: Các kỹ sư bán dẫn thường phải chịu trách nhiệm quản lý nhiều thiết kế mạch cùng lúc. Việc tuân theo các hướng dẫn, dù là hướng dẫn sửa chữa chất bán dẫn hay thực hiện các quy định an toàn cũng đều rất quan trọng.
Mức thu nhập hấp dẫn không thể bỏ qua
Tại Mỹ, mức lương trung bình hàng năm của một kỹ sư bán dẫn lên tới 101.500 USD. Họ cũng được hưởng các quyền lợi đi kèm như bảo đảm số ngày nghỉ phép trong năm hoặc bảo hiểm y tế. Kỹ sư bán dẫn vẫn có thể làm việc trong các ngành khác nếu mức thu nhập tốt hơn, chẳng hạn như làm cho công ty tư nhân trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ, y tế, hoặc trong bộ máy chính phủ liên bang.
Tại Việt Nam, bà Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Quản lý Tuyển dụng cấp cao, Navigos Search (nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam), cho biết lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng, tức hơn 18 triệu/tháng, đồng thời tăng dần sau mỗi năm.
Với 5 năm kinh nghiệm, kỹ sư bán dẫn có thể có thu nhập trên 330 triệu đồng/năm. Con số này tăng dần lên hơn 800 triệu -1,3 tỷ đồng nếu có 15-20 năm kinh nghiệm. Có thể thấy đây là mức thu nhập hấp dẫn, nhanh chóng được cải thiện sau khi kỹ sư đã tích lũy được kinh nghiệm làm việc.
Thống kê gần đây cho thấy, thị trường nhân lực Việt Nam có thể đáp ứng khoảng 5.000 kĩ sư chuyên môn hóa, trong đó chủ yếu là kĩ sư thiết kế, kiểm thử. Nhân lực chủ yếu phân bổ ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Vì vậy, gần đây Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu đào tạo 20.000 – 50.000 kĩ sư ngành này trong 10 – 20 năm tiếp theo để đáp ứng được nhu cầu nhân lực khi làn sóng đầu tư ngành bán dẫn đang đến với Việt Nam.
Triển vọng to lớn trong tương lai
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Chip bán dẫn có thể tìm thấy ở mọi nơi, từ máy giặt cho đến trung tâm dữ liệu, máy tính, tên lửa, … và đang trở thành động lực thúc đẩy cho nền kinh tế hàng chục nghìn tỷ USD trên toàn cầu.
Tiềm năng to lớn khiến ngành bán dẫn trở thành mục tiêu hấp dẫn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là trọng trách, sứ mệnh của ngành giáo dục để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới công nghệ, đón đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cũng theo ông Sơn, năm 2024 nước ta sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 sinh viên lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và khoảng 7.000 ở các lĩnh vực liên quan. Con số này sẽ tăng dần từ 20 đến 30% mỗi năm.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, triển vọng việc làm của các kỹ sư điện và điện tử, bao gồm cả kỹ sư bán dẫn, có thể tăng 7% từ năm 2020 đến năm 2030. Như vậy, có thể thấy bán dẫn sẽ là một ngành học “hot” ngay trong những năm tới, hứa hẹn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, có nhiều cơ hội được học tập, nghiên cứu những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời sinh viên cũng sẽ thường xuyên được trao cơ hội học tập, bồi dưỡng tại nước ngoài, đi kèm với đó là mức đãi ngộ được đảm bảo ở ngưỡng cao so với mặt bằng chung các ngành nghề.
Học ở đâu để trở thành một kỹ sư bán dẫn
Trong nước hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trực tiếp ngành bán dẫn hoặc ngành gần như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Sinh viên học những ngành gần có thể bổ túc, chuyển đổi để có ngay nhân lực đảm nhiệm công việc trong lĩnh vực này.
Các trường đại học hàng đầu về khoa học, kỹ thuật như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, … là những cơ sở đang có sẵn những chuyên ngành trong lĩnh vực bán dẫn hoặc cận bán dẫn như trên, các bạn học sinh hoàn toàn có thể cân nhắc lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có chương trình đào tạo sâu về thiết kế vi mạch, chủ yếu ở bậc cao học như chương trình thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn; thạc sĩ và tiến sĩ Kỹ thuật điện tử. Do đó, những ai có nhu cầu tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực bán dẫn hoàn toàn có thể lựa chọn học tập bậc cao học tại đây.
Theo Lưu Ly–Theo Tổ Quốc