Trong hai năm qua, nền kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều công ty công nghệ tuyên bố sa thải quy mô lớn hoặc tạm dừng tuyển dụng, điều này gây áp lực không nhỏ đến thị trường việc làm. Tuy nhiên, vẫn có các chuyên ngành giữ được vị thế top đầu về lương thưởng, đãi ngộ.
Dù sinh viên đến từ quốc gia nào thì việc lựa chọn ngành học đại học là một câu hỏi cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Vậy những ngành nào mang lại mức lương đáng mong đợi? Các cuộc điều tra của một số phương tiện truyền thông và tổ chức Mỹ đã đưa ra câu trả lời.
Chuyên ngành HOT mang lại mức lương “khủng” hàng năm
Mặc dù các công ty công nghệ lớn của Mỹ đang bận rộn sa thải nhân viên, dữ liệu vẫn ghi nhận: Khoa học và kỹ thuật là chuyên ngành được trả lương cao nhất.
Vào tháng 5 năm nay, HEA Group, một tổ chức tư vấn và nghiên cứu giáo dục đại học của Mỹ, kết hợp với dữ liệu từ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, đã đưa ra một báo cáo về mức lương mới nhất của chuyên gia đại học Mỹ. Báo cáo cho thấy các chuyên ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng lương nghề nghiệp.
Cuộc khảo sát cũng khẳng định rằng hầu hết sinh viên theo học các lĩnh vực STEM đều tự tin với lựa chọn ngành học của mình, trong khi sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành khoa học xã hội lại đầy băn khoăn.
Học giả người Mỹ Ben Schmidt cho rằng xu hướng này quả thực phù hợp với suy nghĩ của nhiều bạn trẻ hiện nay. Sau tác động của khủng hoảng tài chính, các bạn trẻ có xu hướng hướng tới những ngành học có triển vọng việc làm sáng sủa hơn.
Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, chuyên ngành được trả lương cao nhất là nghiên cứu hoạt động. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc với tư cách là nhà phân tích, sử dụng kiến thức toán học để đánh giá và cải thiện hoạt động của công ty.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), hiện chỉ có 104.200 công việc phân tích nghiên cứu hoạt động trên toàn quốc, nhưng ngành này dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình, 23% trong thập kỷ tới.
Mặc dù nhiều nhân viên IT ở Thung lũng Silicon đã bị sa thải nhưng khoa học máy tính vẫn là chuyên ngành được trả lương cao phổ biến nhất. Mức lương hàng năm của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này là khoảng 105.000 USD, cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của công nhân toàn thời gian ở Hoa Kỳ, khoảng 57.000 USD.
Đến cả những sinh viên tốt nghiệp có bằng cao đẳng trong chuyên ngành STEM cũng thường có mức lương khá. Đồng thời, những sinh viên tốt nghiệp với bằng liên kết về khoa học vật lý cũng có thể kiếm được gần 85.000 USD một năm khi mới bắt đầu sự nghiệp. Đây là kiểu bằng đại học được cấp sau một khóa học sau trung học kéo dài từ hai đến ba năm. Đó là trình độ học vấn trên bằng tốt nghiệp trung học và dưới bằng cử nhân. Bằng liên kết đầu tiên được trao ở Anh vào năm 1873 trước khi lan sang Mỹ vào năm 1898.
Ngược lại, mức lương trung bình hàng năm sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nhân văn là 44.000 USD (khoảng 316.000 RMB), chỉ bằng khoảng một nửa so với trước đây.
Theo số liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ, số lượng việc làm mới trong tháng 5 là khoảng 341.000 và tăng trưởng việc làm chủ yếu đến từ các ngành như dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh, việc làm của chính phủ, chăm sóc sức khỏe, xây dựng, vận tải và kho bãi, và trợ giúp xã hội.
Không ít người hối hận vì chọn sai ngành
Theo một cuộc khảo sát của CNBC vào cuối năm ngoái, 44% sinh viên tốt nghiệp đại học hối hận về chuyên ngành đã chọn. Đứng đầu là báo chí, với 87% số người được hỏi nói rằng họ hối hận khi chọn văn bằng báo chí.
Từ đầu, thu nhập tổng thể của các nhà báo truyền thống ở Hoa Kỳ không cao. Sau này, cùng với tác động của truyền thông trực tuyến trong những năm qua, thu nhập của nghề báo đã bị ảnh hưởng rất nhiều và ngày càng bị thu hẹp.
Một dữ liệu việc làm khác từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của các chuyên ngành liên quan đến báo chí và truyền thông cũng cao nhất trong tất cả các chuyên ngành, đạt 7,8% và tỷ lệ thiếu việc làm (không phù hợp giữa chuyên môn) đạt 55,2%.
Mức lương của ngành chỉ đạt 35.000 USD, thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình hàng năm của sinh viên tốt nghiệp đại học Hoa Kỳ là 55.260 USD vào năm 2022.
Xã hội học, nhân văn, truyền thông, giáo dục, quản trị marketing và các chuyên ngành khác cũng nằm trong top những ngành học khiến sinh viên đại học Mỹ “tiếc”.
Mặc dù ngành Y thường là niềm ao ước của nhiều sinh viên, nhưng các hộ lý thì không. Nghề này chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây và mục đích ban đầu của nó là giảm bớt sự thiếu hụt nguồn lực dịch vụ y tế.
Khác với bác sĩ, nghề hộ lý không có yêu cầu cao về trình độ lâm sàng, chỉ cần khoảng hai năm học chuyên môn, thậm chí đào tạo nhất định là có thể làm việc. Sau khi tốt nghiệp, chuyên ngành này nghiêng nhiều hơn về trách nhiệm của điều dưỡng viên, chẳng hạn như quan sát các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, quản lý thuốc, công việc kiểm tra tương đối đơn giản như lấy máu hoặc nước tiểu…
Do ngưỡng thấp, mức lương trung bình của các hộ lý ở Hoa Kỳ chỉ từ 30.000-40.000 USD một năm, khó có thể so sánh với mức lương hàng năm là 352.000 USD của bác sĩ.
Ngoài các ngành học nói trên, sinh viên các ngành khoa học chính trị, sinh học, tiếng Anh cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi chọn ngành học này.
*Nguồn: CNBC, Aboluowang-Thùy Linh–Nhịp sống thị trường