Xưa nay rất nhiều người khi nhắc đến Kinh Dịch đều cho rằng đó chỉ đơn thuần là cuốn sách về bói toán, đoán mệnh. Nhưng kỳ thực, Kinh Dịch còn là cuốn sách hàm chứa đạo lý làm người sâu sắc.
Trong 64 quẻ của Kinh Dịch ẩn chứa trí tuệ vô cùng tinh thâm của cổ nhân. Theo đó, số phận cuộc đời của một người là như thế nào, có phúc báo, may mắn hay thường xuyên gặp vận rủi, trắc trở cũng chịu ảnh hưởng từ hành vi của người ấy mà ra. Vậy người như thế nào thì sẽ có may mắn, hậu phúc (phúc dày)? Theo Kinh Dịch chính là 4 kiểu người dưới đây:
Người thuận thiên ý
Trong “Kinh Dịch. Hệ từ hạ” viết: “Tự thiên hữu chi, cát vô bất lợi” (tạm dịch: Có thể được Thượng Thiên bảo hộ mà mọi sự cát tường, không có chỗ nào bất lợi). Khổng Tử khi giải đọc về Kinh Dịch đã nói: “Hữu giả, trợ dã. Thiên chi sở trợ trứ, thuận dã”, đại ý chính là được trời bảo hộ, trợ giúp thì thuận lợi.
Vậy như thế nào thì được Thượng Thiên trợ giúp? Thượng Thiên luôn trợ giúp và bảo hộ những người thuận theo thiên đạo. Mà phép tắc của thiên đạo thực ra cũng rất đơn giản, đó chính là chỉ quy luật tự nhiên trong cuộc sống.
Chỉ cần một người có thể thời thời khắc khắc ghi nhớ và nhắc nhở bản thân mình thuận theo quy luật của thiên đạo mà hành, đừng tận lực cưỡng cầu thì mọi chuyện tự nhiên sẽ tốt đẹp, được toại nguyện như ý và điều này chính là “cát vô bất lợi” (không chỗ nào bất lợi).
Người có thiện niệm
Trong “Kinh Dịch. Văn ngôn truyện” viết: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” tức là nhà nào tích chứa nhiều điều thiện thì ắt sẽ có dư niềm vui, nhà nào tích chứa điều ác thì ắt sẽ có tai ương. Cổ ngữ cũng nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, tức là đạo trời không phân biệt hay thiên vị thân sơ mà thường trợ giúp người lương thiện.
Cổ nhân cũng có câu: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu”, tức là họa và phúc đều không tự nhiên tới mà do con người tự làm mà ra. Cho nên, nếu bản thân gặp tai ương thì nên xem xét lại bản thân mình trước tiên, bởi vì có oán trách thì oán không được trời, trách không được người.
Từ xưa đến nay có rất nhiều ví dụ thực tế chứng minh đạo lý này là đúng, ví như gia tộc Phạm Trọng Yêm hưng thịnh suốt 800 năm nhờ bí quyết hành thiện là ví dụ điển hình. Cho nên, phúc báo không phải ở trên thân người khác, cũng không phải ở địa phương nào xa xôi mà ở chính bản thân mình, tu dưỡng hàng ngày tích lũy mà thành.
Một người chỉ có thiện niệm trong tâm, làm nhiều việc thiện mới có thể tránh được các mối họa và an hưởng phúc báo trong cuộc đời.
Người không ngừng cố gắng
Trong “Kinh Dịch. Đại tượng truyện” viết: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.” (Tạm dịch: Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng). Đạo Trời mạnh mẽ, vận động không ngừng nghỉ, người quân tử xử thế cũng nên là thuận theo thiên ý, hăng hái cố gắng, nhưng cố gắng ở đây không phải là đi ngược lại với thiên ý.
Trời đất có đạo “thù cần”, kẻ chăm chỉ làm thì mới nên được hưởng thành quả chính đáng của mình, nhưng cũng cần noi theo sự vô tư của trời đất.
Trời đất bao trùm tất cả, nuôi dưỡng vạn vật, giúp vạn vật cùng nhau sinh trưởng, bản thân lại không nhận lấy bất kỳ thứ gì cả. Trời đất chất phác, khiêm tốn, rộng rãi vô tư, đại đức chí thiện như thế là đạo lý nhân sinh mà con người cần phải noi theo.
Cổ nhân nói: “Thiếu niên dịch lão nan học thành, nhất thốn quang âm bất khả khinh”, ý nói thiếu niên dễ thành già, việc học hành sẽ khó thành. Thời gian chẳng mấy chốc mà qua đi, đừng xem nhẹ.
Đối với một người mà nói, những quan niệm, ý nghĩa nhân sinh phải không ngừng bồi đắp để tiến bộ. Nếu một người thỏa mãn với những thành tựu của ngày hôm nay thì người ấy chính là bắt đầu bị thụt lùi. Hết thảy đều phải tự mình cố gắng, tự lập tự cường, không nên nghĩ đến việc ỷ lại, dựa vào người khác.
Người thích ứng linh hoạt với hoàn cảnh
Trong “Kinh Dịch. Hệ từ hạ” viết: “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”, tức là sự vật khi phát triển tới mức cực điểm, khi đã đến cùng tận thì tất phải biến hóa, sau khi biến hóa liền thông đạt, nhờ thông đạt mà được dài lâu.
Kinh Dịch cho rằng thế giới luôn luôn ở trạng thái đang biến hóa, chỉ có duy nhất một điều bất biến là “biến hóa”. Chính bởi vì trời đất biến hóa mới tạo ra bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cũng bởi vì thời đại biến đổi mới có thể thành tựu những thời kỳ văn minh.
Đời người có mâu thuẫn thì có xung đột, có xung đột thì có biến hóa, có biến hóa thì có phát triển, có phát triển thì có triển vọng tương lai. Khi chúng ta có thể hiểu được quy luật vận hành của trời đất, nắm giữ được những quy luật đó, thuận theo tình thế, hiểu được biến hóa linh hoạt thì cuộc đời sẽ có nhiều cơ hội, tương lai tốt đẹp cũng tới.
An Hòa