Các cuộc đàm phán gần đây giữa Washington và Moskva đã đi đến “những thỏa thuận ngầm” – nhật báo Asharq Al-Awsat đưa tin ngày 10/7.
Theo tờ Al-Awsat, các thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Nga cho phép quân đội Mỹ phát động tấn công nhằm vào những nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qaeda ở vùng tây bắc Syria, trong khi Nga sẽ có “những bước đi bình tĩnh” để kiềm chế sự hiện diện của Iran tại Syria.
Hồi tháng 5, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du Nga và giới thiệu với tổng thống Vladimir Putin một bản kế hoạch gồm 8 điểm, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách phải thực thi nghị quyết số 2254 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về chống lại chủ nghĩa khủng bố và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), ngoài ra cần làm suy yếu ảnh hưởng của Iran đối với Syria.
Trong tháng 6, hai nước tiếp tục tìm hiểu những cơ hội tương trợ tại một phiên họp ba bên chưa từng có giữa các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, Nga và Israel tại Jerusalem. Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Syria James Jeffrey cũng tổ chức gặp gỡ nhiều quan chức Nga.
Asharq Al-Awsat cho hay, ông Jeffrey liên kết “sự thành công” của Mỹ tại Syria với một số mục tiêu đặt ra, bao gồm sự rút lui của Iran, chống chủ nghĩa khủng bố, và ngăn chặn mối đe dọa từ tàn dư của các nhóm khủng bố.
Đặc phái viên Mỹ gửi thông điệp đến người Nga rằng Washington “nhận thức được môi trường phức tạp mà ông Putin đang vận hành”, đồng thời bày tỏ Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Moskva.
Trong cuộc gặp tại Jerusalem, giới chức Nga đã nghe đề xuất của Mỹ và Israel về việc Iran phải rút khỏi Syria. Không lâu sau phiên họp, quân đội Israel đã phát động “đợt không kích ác liệt nhất kể từ tháng 5” nhằm vào các mục tiêu Iran tại Syria, trong khi Nga không kích hoạt hệ thống phòng thủ S-300 của họ hay đưa ra chỉ trích công khai nhằm vào những động thái của Israel.
Đầu tuần này, nhiều hãng truyền thông đưa tin tổng thống Syria Assad bất ngờ thay thế một loạt lãnh đạo an ninh chủ chốt trong các lĩnh vực an ninh nhà nước, tình báo quân sự, an ninh chính trị,… Trong số quan chức bị bãi nhiệm có ông Jamil Hassan, người từng đứng đầu Tổng cục tình báo Không quân Syria kể từ năm 2009.
Thành quả bước đầu của cái bắt tay ngầm giữa Washington và Moskva được ghi nhận bằng cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào cuộc gặp của các thủ lĩnh al-Qaeda ở gần Aleppo đầu tháng 7.
Ở một diễn biến khác, Nga vẫn thể hiện sự ủng hộ đối với Tehran trong vấn đề bảo vệ thỏa thuận hạt nhân có tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Sau phiên họp kín của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 10/7, được triệu tập theo đề nghị của Mỹ, đại sứ Nga Mikhail Ulyanov nói Mỹ đã bị cô lập trong vấn đề hạt nhân Iran.
Theo ông Ulyanov, chính quyền tổng thống Donald Trump từng cho rằng JCPOA là một “thỏa thuận tồi”, song những tuyên bố của Mỹ trong phiên họp mùng 10 lại cho thấy nước này nhận ra tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân.
“Chúng tôi hiểu các bước đi [của Iran] và những lý do thúc đẩy Iran phải làm như vậy,” đại sứ Nga tại IAEA trả lời Sputnik. “Chúng tôi kêu gọi Iran kiềm chế những hành động xa hơn có thể làm phức tạp hơn nữa tình hình về thỏa thuận hạt nhân”.
Iran chính thức thông báo hôm 7/7 rằng nước này bắt đầu làm giàu urani ở mức tinh khiết cao hơn mức giới hạn 3.67% hiện nay theo quy định trong JCPOA. Đồng thời, Tehran đưa ra tối hậu thư về thời hạn 60 ngày để châu Âu đi đến một cơ chế cụ thể nhằm bảo vệ Iran trước các lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ.
theo Trí Thức Trẻ