Thống tướng Min Aung Hlaing, Tư lệnh Quân đội Myanmar đã vun đắp mối quan hệ quốc phòng với Moscow trong suốt thập kỷ qua nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
“Người bạn trung thành” của Myanmar
Ngay từ những giờ phút đầu tiên trong cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar vừa qua, nhiều đoàn xe quân sự xuất hiện trên máy quay truyền hình đã phần nào tiết lộ mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa quân đội nước này với “người bạn trung thành” Moscow.
Thực vậy, rất nhiều xe bọc thép hạng nhẹ di chuyển trên đường phố Myanmar có nguồn gốc từ Nga.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, những mặt hàng nhập khẩu này xuất hiện ngày càng nhiều trong danh sách mua sắm đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa các cơ sở quốc phòng của Moscow và Quân đội Myanmar.
Theo SIPRI, tính đến năm 2019, hóa đơn mua sắm các thiết bị quân sự từ Nga của Myanmar, trong một thập kỷ, ước tính đã đạt khoảng 807 triệu USD.
“Các phương tiện của Nga mà Myanmar sử dụng vào sáng ngày 1/2 có thể chỉ mới được bàn giao gần đây, trong vòng từ 2 – 3 năm, nhưng chưa hề được công bố trên các nguồn tin chính thức của Myanmar’, Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI cho biết.
Tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc
Chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, nhiều nhà ngoại giao châu Á cho rằng, Thống tướng Min Aung Hlaing, Tư lệnh Quân đội Myanmar đã “vun đắp mối quan hệ quốc phòng với Moscow trong suốt thập kỷ qua nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ và nhà cung cấp vũ khí lớn nhất quốc gia Đông Nam Á này.
Theo nhận xét của một nhà ngoại giao Đông Nam Á thì Tatmadaw (Quân đội Myanmar) đã theo đuổi chiến lược với Nga để mở rộng hơn các lựa chọn quốc phòng và ngoại giao.
“Về mặt hơn tác quân sự, Tatmadaw dường như có nhiều cam kết toàn diện hơn với Nga. Myanmar cũng được hưởng lợi từ việc Nga nắm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Chỉ vài ngày trước khi vụ đảo chính nổ ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Myanmar để hoàn tất thỏa thuận cung cấp vũ khí mới: Đó là các hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1, máy bay trinh sát không người lái Orlan-10E và các thiết bị radar.
“Giống như một người bạn trung thành, Nga luôn hỗ trợ Myanmar vào những thời khắc khó khăn, đặc biệt là trong 4 năm qua”, truyền thông Nga dẫn lời tướng Min Aung Hlaing phát biểu trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Truyền thông Myanmar đã nêu bật mối quan hệ chặt chẽ giữa hai vị tướng vào đêm trước cuộc đảo chính. Tướng Min Aung Hlaing được cho là đã đến thăm Nga 6 lần, gồm cả chuyến thăm vào tháng 6 năm ngoái nhân kỷ niệm 75 Ngày Chiến thắng ở Moscow.
Các nhà phân tích quân sự Myanmar cho rằng tướng Min Aung Hlaing đã chuyển hướng sang mua sắm các thiết bị quân sự của Nga khi Myanmar bắt đầu chuyển đổi sang chế độ dân chủ vào năm 2011 sau 50 năm đặt dưới sự lãnh đạo của quân đội.
“Lãnh đạo Tatmadaw từ lâu đã muốn nâng cấp các lực lượng vũ trang nhưng quá trình hiện đại hóa mới chỉ bắt đầu tăng tốc đáng kể từ năm 2011 trở đi”, Nay Yan Oo, một nhà phân tích ở Yangon viết.
Chuyên gia Wezeman thuộc viện hòa bình Stockholm cho biết, Trung Quốc chiếm 50% tổng lượng vũ khí nhập khẩu chính của Myanmar từ năm 2014 đến 2019, gồm tàu chiến, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái vũ trang, xe bọc thép và các hệ thống phòng không. Trong khi đó, Nga cung cấp 17% hàng nhập khẩu quân sự, chủ yếu ở dạng máy bay chiến đấu và trực thăng.
Cơ sở dữ liệu của SIPRI xác nhận, ngân sách mua vũ khí của Myanmar trong giai đoạn 2010 – 2019 đạt 2,4 tỷ USD, gồm 1,3 tỷ USD vũ khí do Trung Quốc cung cấp và 807 triệu USD từ Nga.
Trong số các phương tiện quân sự mà Myanmar mới mua từ Nga có các máy bay chiến đấu MiG-29, Su-30MK và máy bay huấn luyện Yak-130. Tính tới năm 2019, Myanmar cũng đã cử trên 6.000 sĩ quan tới theo học các trường quân sự ở Nga.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị