Tàu chiến Nga đã di chuyển về phía Biển Đen ngày 8/2 khiến quan chức Mỹ và châu Âu dấy lên cảnh báo rằng Nga đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để gia tăng áp lực nhằm vào Ukraine.
Vào ngày hoạt động ngoại giao con thoi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron diễn ra bận rộn với kỳ vọng sẽ làm chuyển hướng cuộc xung đột, các quan chức Nga hầu như không có dấu hiệu gì cho thấy các sáng kiến của nhà lãnh đạo Pháp sẽ thay đổi tính toán của họ.
Thay vào đó, các quan chức Mỹ và châu Âu đang lo ngại về 12 ngày tiếp theo khi sợ rằng các cuộc tập trận của Nga theo kế hoạch bắt đầu vào 10/2 có thể che giấu một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Ukraine và ngày kết thúc Thế Vận hội (20/2) sẽ cho Nga nhiều không gian hơn để hành động.
Tổng thống Macron, người tự khẳng định mình là nhà đàm phán chủ chốt của châu Âu khi điện Kremlin yêu cầu nối lại cấu trúc an ninh khu vực, đã đưa ra những bình luận lạc quan sau cuộc trao đổi với Tổng thống Putin ở Moscow và sau đó là với Tổng thống Ukraine Zelensky ở Kiev.
“Không có ai ngây thơ cả. Tôi nghĩ chúng ta không thể giải quyết cuộc khủng hoảng này chỉ trong vài giờ đối thoại”, nhà lãnh đạo Pháp cho hay, đồng thời nhận định, sẽ có “những giải pháp thực tế và cụ thể, cho phép chúng ta tiến về phía trước”. Ông Macron cũng cho biết ông đang tìm kiếm “những cơ chế mới nhằm đảm bảo an ninh”.
Cùng ngày, Tổng thống Macron đã gặp các nhà lãnh đạo Đức và Ba Lan ở Berlin. Họ cam kết sẽ đoàn kết nhằm đối phó với Nga song hầu như không đưa ra giải pháp nào để phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
Tình hình hiện nay là “tình hình khó khăn nhất chúng ta phải đối mặt kể từ năm 1989”, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho hay.
Các nhà ngoại giao NATO lo ngại những đề nghị của Tổng thống Putin quá rộng, vì thế sẽ không có hoặc hầu như rất ít không gian để đi đến một nhượng bộ mà tất cả các bên đều có thể chấp nhận được.
Nga đang điều các tàu chiến tới Biển Đen, trong đó có 6 tàu đổ bộ lớn để tham gia tập trận.
Diễn biến này cho thấy “vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Chuyến thăm của Tổng thống Macron tới Moscow có ý nghĩa quan trọng nhưng không tạo ra điều kỳ diệu”, Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại Josep Borrell nhận định với báo giới ở Washington.
Dù vậy, ông Borrel cho biết ông không nghĩ Nga đang chuẩn bị cho “một cuộc chiến tranh toàn diện”.
Các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng những hoạt động quân sự của Nga gây ra mối lo ngại ngày càng gia tăng. Ngày 10/2, Nga sẽ bắt đầu cuộc tập trận 10 ngày với Belarus, bố trí số lượng lớn quân đội và vũ khí tại quốc gia tiếp giáp với Ukraine về phía Bắc này.
Việc Nga tăng cường lực lượng cũng khiến phương Tây lo ngại Nga sẽ tấn công Kiev bằng cách điều quân về phía Nam để tới thành phố Zhytomyr của Ukraine, sau đó di chuyển về phía Đông tới thủ đô, Cùng thời điểm, một lực lượng lớn hơn có thể tiến công theo hướng Tây từ lãnh thổ của Nga. Các quan chức này cũng cho rằng từ cuối tháng 2 đến tháng 3 là thời điểm mà thời tiết thuận lợi cho một cuộc tấn công.
Các quan chức Nga đã nhắc lại những khẳng định của mình rằng họ có kế hoạch rút quân khỏi Belarus sau cuộc tập trận.
Hội nghị An ninh Munich thường niên được tổ chức từ 18 – 20/2 sẽ là một cơ hội để các nhà ngoại giao Nga tham gia đàm phán. Hiện chưa rõ liệu Tổng thống Ukraine Zelensky có tham gia diễn đàn này hay không./.
Theo VOV