Khởi nghiệp như Lưu Bị, dùng người xem Tào Tháo và phát triển học Tôn Quyền là bí quyết để đạt được thành công trong mọi lĩnh vực.
Tam Quốc Diễn Nghĩa – tiểu thuyết nổi tiếng của La Quán Trung – không chỉ đơn thuần là cuốn sách ghi lại một trong những thời đại loạn lạc bậc nhất lịch sử Trung Quốc mà còn là tác phẩm chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về kinh doanh.
Nếu Lưu Bị, Tào Tháo, Tôn Quyền đều có cơ hội trở thành thương nhân, các chiến lược quân sự quan trọng của họ còn có thể áp dụng phù hợp cho việc quản lý và phát triển doanh nghiệp.
Khởi nghiệp học Lưu Bị
Xây dựng đất nước, mở rộng bờ cõi cũng giống như hành trình khởi nghiệp, vì vậy, các nhà kinh doanh phải học tập tấm gương Lưu Bị. Ông sinh ra tại U Châu, xuất thân trong một gia đình mang dòng dõi nhà Hán nhưng được thừa hưởng ít tước lộc.
Đến đời Lưu Bị, gia đình ông trở thành bần nông, gia cảnh hết sức nghèo khổ, phải mưu sinh bằng việc đan giày cỏ và chiếu rơm. Vốn liếng chỉ có hai bàn tay trắng nhưng Lưu Bị vẫn có thể thành lập nên Thục Hán, tất cả là nhờ 2 yếu tố quan trọng này.
- Có một nhóm nhân viên đáng tin cậy
Lưu Bị có 5 danh tướng nổi tiếng được xưng tụng là “Ngũ hổ tướng” bao gồm Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu, vì sau này Quan Vũ đã có thời gian tạm hàng dưới trướng Tào Tháo nên tạm bỏ qua.
Dù đối mặt với rất nhiều trận đánh nguy hiểm, bốn vị danh tướng còn lại vẫn quyết tâm trung thành với Lưu Bị và không ngừng vào sinh ra tử, Đông chinh Bắc chiến. Cho nên, đội ngũ nhân viên cốt cán chính là nền tảng quan trọng để khởi nghiệp
- Biết nắm bắt thời cơ để hợp tác
Trước kia khi còn chưa có gì trong tay, Lưu Bị quyết định tới nương nhờ Trung lang tướng Công Tôn Toản. Nhờ Công Tôn Toản dâng biểu tiến cử, Lưu Bị mới có cơ hội lập được nhiều chiến công, được thăng lên làm Bình Nguyên tướng, có quân đội riêng của mình.
Sau này, Lưu Bị hợp tác với Lữ Bố, tranh thủ một cơ hội nghỉ ngơi lấy sức rồi bắt tay cùng Tào Tháo để diệt trừ Lữ Bố, giải quyết được một mối họa lớn trong lòng.
Khi Tào Tháo tự mang đại quân tiến đánh Nhữ Nam, Lưu Bị không chống trả nổi nên bỏ chạy về Kinh Châu theo Lưu Biểu và được tiếp quản cả Kinh Châu khi Lưu Biểu qua đời.
Có thể nói, sự hợp tác không chỉ mang đến cho Lưu Bị cơ hội phát triển, mà còn góp công mở rộng các mối quan hệ, tạo ra nguồn lực phong phú, là tiền đề quan trọng để xây dựng nên Thục Hán hùng mạnh.
Quản lý học Tào Tháo
- Hiểu việc dùng người
Tào Tháo nổi danh yêu chuộng hiền tài nên dưới trướng của ông luôn có rất nhiều nhân sĩ đa mưu túc trí tình nguyện tới đầu quân. Cái đại tài của Tào Tháo là khả năng có thể sắp xếp hợp lý để mỗi người trong số họ đều được phát huy trọn vẹn tài năng của mình.
Mọi người cùng có cơ hội được tận dụng triệt để các kỹ năng và tiềm lực, cống hiến sức mạnh cũng như tài trí đưa Ngụy quốc trở thành cường địch mà ai cũng khiếp sợ.
- Cải thiện hệ thống
Các sử học gia đánh giá cao hàng loạt cơ chế chính trị, luật pháp và các chế độ khác của Ngụy quốc trong thời kỳ Tào Tháo quản lý. Nhờ ủng hộ quan niệm “duy tài thị cử” (không cần quan tâm xuất thân hay tầng lớp như thế nào, chỉ cần có tài đều được tiến cử), Tào Tháo đã tích góp cho Ngụy quốc vô số hiền tài.
Ông chính là tấm gương cho các đời sau học tập, mở rộng chế độ khoa cử và tuyển chọn nhân viên.
Phát triển học Tôn Quyền
Khi một công ty bước vào giai đoạn ổn định, ngoài việc phát triển, điều quan trọng nhất là biết cách gìn giữ những thành tựu đã đạt được. Nếu không làm được duy trì thì sao có thể khai thác, mở rộng thêm?
- Nắm giữ lòng người
Chu Du và Tôn Sách vốn không chỉ là người thân mà còn đối xử với nhau như tri kỷ. Bên cạnh đó, thấy Lục Tốn có tài, để tranh thủ sự ủng hộ của ông, xóa đi thù hằn trước đây, Tôn Quyền mang con gái Tôn Sách gả cho ông.
Ông cũng lần lượt gả hai cô con gái của mình cho gia đình các tướng lãnh quan trọng của Đông Ngô. Vào thời điểm đó, hôn nhân chính trị là biện pháp tốt nhất để thắt chặt lòng trung thành và tình hữu nghị giữa các thế lực. Có thể thấy, tình cảm luôn là một thủ đoạn hữu hiệu để nắm giữ lòng người.
- Ổn định trước rồi mới mở rộng thêm
Duy trì và bảo vệ những thành tựu đã có trong tay bao giờ cũng chiếm vai trò quan trọng nhất trong sự nghiệp. Đó chính là vốn liếng để quyết định khả năng sáng tạo, mở rộng sau này. Khi Tôn Sách đánh chiếm Giang Đông, nơi đó vẫn là một vùng hẻo lánh, dân cư thưa thớt, kinh tế chưa phát triển.
Sau này, Tôn Quyền lên ngôi, đem quân tiến về hướng Đông Nam, thúc đẩy việc mở mang dải đất khu vực này và thực hiện dung hợp dân tộc, khiến Đông Ngô dần “thay da đổi thịt”, khai phá kinh tế, bước vào thời kỳ hưng thịnh. Chính động thái này đã cho thấy khả năng tận dụng và phát triển các nguồn lực hiện có của Tôn Quyền.
Theo Zhihu-Thùy Anh-Nhịp sống thị trường