Con đường thành công của một người sẽ gần hơn nếu nắm trong tay ba nguyên tắc: Vứt bỏ sĩ diện và hình thức, học cách kiểm soát cảm xúc và làm việc có kế hoạch.
Những vấn đề trong cuộc sống sẽ được mỗi người đón nhận và giải quyết khác nhau. Cũng giống như khi xem xong một bộ phim, có người cảm thấy đủ hay nhưng cũng có người cảm thấy chưa thỏa mãn.
Những tranh cãi hay tranh luận từ đó cũng sẽ nổ ra và đem đến những cái nhìn đa chiều cho sự việc. Sự tiến triển của một sự việc từ nhỏ đến lớn cũng tương tự như sự thăng hạng trong trình độ của một người. Những người có khả năng làm nên nghiệp lớn sẽ không bao giờ phạm phải ba việc:
1.Đặt hình thức và sĩ diện lên hàng đầu
Hình thức bên ngoài và sĩ diện đã khiến cho rất nhiều người ảo tưởng về năng lực của bản thân. Họ thường cho rằng, trước mắt hình thức bên ngoài phải tươm tất, bóng bẩy, còn năng lực không có thì chưa quan trọng lắm, sau này học cũng được. Vì quá chú trọng hình thức, họ quên mất trình độ mới là thứ bền lâu để giúp một người có giá trị.
Khoảng 3 năm trước, có một anh chàng làm việc ở công ty tôi được vài tháng thì nghỉ. Lúc đầu, cậu ta gây ấn tượng rất tốt bởi vẻ ngoài chỉn chu, biết cách ăn mặc và đặc biệt sở hữu một gương mặt rất ưa nhìn. Với vẻ ngoài lợi thế, cậu ấy được sắp xếp làm ở phòng kinh doanh. Nhưng cậu không biết tận dụng lợi thế đó để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, chỉ quan tâm làm sao ăn ngon nói ngọt với cấp trên, hay diện bộ quần áo nào để lấy lòng đồng nghiệp nữ.
Ban đầu, có cậu ta cả phòng cũng vui vẻ vì trước giờ trong phòng ít ai biết nói lời đường mật như vậy. Nhưng cái gì nhiều quá cũng thành quen và lâu dần thành nhàm. Hơn nữa, khi mà kiến thức chuyên môn yếu, sự chú trọng về hình thức bên ngoài của cậu cũng không thể bù lấp được những lỗ hổng này.
Sau hai tháng thử việc, công ty tạo thêm cơ hội nữa nên điều cậu ấy sang bộ phận sản xuất. Công việc hàng ngày yêu cầu cậu phải xuống xưởng để tìm hiểu về sản phẩm. Với một người nhanh nhạy, có lẽ họ sẽ coi đây là cơ hội hiếm có để rèn giũa bản thân, nâng cao trình độ. Nhưng với anh chàng này, chỉ không lâu sau đó, vì sĩ diện nên anh đã xin nghỉ việc.
Người ta nói không sai, người có trình độ càng thấp lại thường quá chú trọng đến sĩ diện và hình thức. Họ không biết rằng, hai thứ này nếu biết dùng đúng lúc thì rất lợi. Nhưng ngược lại nếu không biết thể hiện thì lại chính là điều bất lợi khiến bản thân không tỉnh ngộ, mãi luẩn quẩn trong thứ ảo tưởng “đẹp là được” mà chính họ tự vẽ ra.
Ai đó đã nói rằng: “Đừng xem trọng bề ngoài vì nó có thể đánh lừa bạn. Quần áo đẹp có thể giúp cải trang, nhưng ngôn từ thốt ra có thể đánh giá anh ta là người thế nào.”
Tiếp xúc nhiều với những người có trình độ cao, bạn sẽ tự hiểu ra rằng, những người này họ không chủ đích lấy hình thức và sĩ diện để tạo nên thương hiện cá nhân. Ngược lại, khi họ hăng say làm việc, nỗ lực không ngừng, tự thân họ sẽ tạo dựng được hình ảnh và sự tôn trọng từ người khác.
Học cách buông bỏ sĩ diện và quá chú trọng về hình thức chính là bước đệm đầu tiên để phát triển và trưởng thành.
2.Chỉ biết đến cảm xúc của cá nhân
Những người có trình độ cao thường rất ít khi bộc lộ cảm xúc cá nhân ra ngoài. Họ hiểu rằng, không kiềm chế được cảm xúc sẽ đem đến những bất lợi trong cuộc sống và đôi khi gây tổn thương cho người khác.
Những người vui buồn thất thường, thích “nói thẳng” mà không cần để tâm đến cảm giác của người khác thường rất dễ bị mọi người xa lánh. Chẳng ai muốn phải chịu những cơn bực dọc vô cớ hay giận hờn vu vơ từ những người này trong khi mình không có lỗi.
Những người có trình độ cao, họ thường biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Dù trong hoàn cảnh nào sẽ đều giữ được bình tĩnh, tìm cách giải quyết vấn đề mà không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Chính vì vậy, những quyết định hay đánh giá của một người biết cân bằng cảm xúc thường rất khách quan và đặc biệt có sức thuyết phục trong những tình huống quan trọng.
Cảm xúc là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Nhưng chỉ khi biết kiểm soát cảm xúc, nên nói những điều cần nói, không phó mặc bộ não hoàn toàn cho cảm xúc thì lúc đó cuộc sống của bạn mới trở nên cân bằng và tươi sáng hơn.
3.Làm việc không có kế hoạch
Cùng một quỹ thời gian như nhau nhưng có những người luôn làm mãi không hết việc và cũng có những người giải quyết xong việc mà vẫn có thời gian cho riêng mình.
Sở dĩ có điều này vì những người có trình độ càng thấp họ thường làm việc theo bản năng mà không có kế hoạch rõ ràng gì. Gặp việc gì làm việc đó mà không phân định việc nào quan trọng làm trước, việc ít quan trọng làm sau.
Nguyên tắc thứ 28 trong tâm lý học chỉ ra rằng, để tối đa hóa thời gian của chính mình, mỗi người chỉ nên làm những việc quan trọng nhất. Nguyên tắc này cũng chỉ ra trong cuộc đời mỗi người, chỉ có 20% là những việc quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống, phần còn lại là những việc lặt vặt.
Đó cũng là lý do vì sao, trong 24h mỗi ngày, có những người đem đến hiệu quả vượt bậc trong công việc. Lại có những người việc này chưa xong ôm đồm việc khác thành ra không được việc gì hoàn chỉnh.
Năm ngoái, phòng tôi có hai nhân viên phải tham gia kì thi đánh giá năng lực. Họ đều hỏi ý kiến tôi nên làm cách nào để có thể đậu kì thi ấy. Sau khi trình bày một số quan điểm của mình, tôi nhận thấy có sự khác biệt giữa hai nhân viên này.
Nhân viên A vẫn hoàn thành công việc hàng ngày của mình như thường lệ, đến giờ là nghỉ, hết giờ thì về. Còn nhân viên B, tôi thấy cô mua thêm cả tài liệu tranh thủ giờ nghỉ trưa ngồi đọc và ngày nào cũng ở lại học thêm mới về. Tôi không biết nhân viên A có học thêm ở nhà hay không nhưng rõ ràng thực tế thì tôi nhìn thấy sự nỗ lực của B.
Sau đó, đúng như dự đoán, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhân viên B đã đậu kì thi ấy và có chức vụ quan trọng hơn trong công ty. Còn A thì tất nhiên vẫn là một nhân viên bình thường.
Vậy mới thấy, dù ở bất kì môi trường nào, người nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, phân tích tình hình và sắp xếp thời gian khoa học sẽ luôn gặt hái được những thành tích mà nhiều người mong ước.
Cất đi cái tôi quá lớn, chút sĩ diện và sự chú trọng về hình thức, tập cách kiềm chế cảm xúc, học cách làm việc có khoa học sẽ giúp cuộc sống được cân bằng, mỗi ngày bạn lại có động lực để phấn đấu.
Theo Đình Trọng – Trí thức trẻ