“Nhân chi sơ, tính bản thiện”- Con người khi mới sinh ra, ai cũng thuần phác và thiện lương. Trong đường đời về sau này, khi cuộc sống để chúng ta lựa chọn, đừng ngần ngại hãy trở thành những người lương thiện.
Người lương thiện không phải là người yếu đuối hay ngu ngốc, người lương thiện là người luôn sống theo bản chất tiên thiên thuần thiện của mình.
Câu chuyện thứ nhất:
Tôi vừa gọi xe taxi, lên xe chưa được vài phút, lái xe liền dừng xe bên lền đường, quay đầu nói với tôi: “Cháu đợi chú một chút được không, chú chưa ăn tối mà lại có bệnh tiểu đường nên phải ăn tối đúng giờ”. Nói rồi chú mở một túi giấy lấy ra một ít bánh mỳ khô ăn.
Gần chỗ xe dừng có một cửa hàng tiện lợi, tôi liền xuống xe đi mua nước cho chú tài xế. Khi thấy tôi đưa nước cho mình, chú có chút ngạc nhiên rồi rưng rưng nước mắt.
Lúc đó tôi làm vậy là bởi đã nghĩ rằng, chú có lẽ là chồng, là cha của một gia đình nào đó, cũng giống như bố tôi, rất nhiều năm trước, cũng là tài xế lái xe, cũng từng gặp cảnh tượng này.
Khi đó nhà tôi rất nghèo, bởi vì muốn kiếm tiền nuôi gia đình, ông đã dùng cả sinh mệnh của mình để làm việc, ăn cơm chỉ có 3 phút, có lúc vì quá bận rộn, ông bỏ bữa luôn, có lúc chờ đèn đỏ liền ăn vội lát bánh mỳ. Một thời gian sau, bố tôi bị bệnh viêm dạ dày.
Có một ngày, ông về nhà lúc trời vừa sáng, sắc mặt nhợt nhạt, nói về hai vị khách cuối cùng, bố tôi cảm động đến mức rơi nước mắt. Thì ra hôm đó, ông đột nhiên phát cơn đau bụng, uống thuốc cũng không có tác dụng, ông cứ ngỡ nhịn một chút là sẽ qua nên vẫn tiếp tục công việc của mình.
Nhưng trên đường đưa hai người khách đến địa điểm họ cần, ông không thể chịu được nữa, bèn dừng xe bên lề đường, xin lỗi và nhờ họ bắt xe khác. Cặp tình nhân phát hiện có gì đó không ổn, nên khi xuống xe cũng không rời đi ngay lập tức.
Khi đó điện thoại di động không phổ biến như bây giờ, vì thế, liên lạc với gia đình không thuận tiện cho lắm. Bố tôi đau quá, tay run run mở túi thuốc, rồi cắn nhai chứ không kịp uống nước, sau đó ông gục trên vô lăng, nằm thoi thóp chờ cơn đau qua đi. Không ngờ thuốc cũng không có tác dụng, một lúc sau, ông chạy ra ngoài nôn, lúc đó ông cảm giác như mình sắp chết.
Cặp tình nhân thấy vậy liền đỡ bố tôi dậy, hỏi ông có cần đi viện không, bố tôi đau không nói nên lời, hai người cứ thế dìu bố tôi đến bệnh viện gần nhất. Sau khi được bác sỹ tiêm thuốc, cơn đau rất nhanh qua đi, khi đó bố tôi mới phát hiện trên quần áo của hai vị khách có cả những thứ bố tôi nôn ra. Họ còn tốt bụng mua cho bố tôi 1 bình sữa để bố tôi uống lấy sức.
Bố tôi không dám nhận nhưng cô gái nói đó coi như là tiền gọi xe, họ cũng không nói cho bố tôi tên tuổi, cũng không để lại thông tin liên lạc liền rời đi. Câu chuyện này đã qua rất lâu rồi nhưng mỗi lần nhắc đến, bố tôi đều cảm động nói: “Người tốt sẽ có phúc báo”.
Câu chuyện thứ hai:
Mùa hè năm đó, tôi đại diện bệnh viện đến một viện dưỡng lão để bàn điều kiện hợp tác kinh doanh, giúp những người già ở đây kiểm tra sức khỏe. Những người quản lý ở đó đưa ra rất nhiều điều kiện gây khó dễ, còn yêu cầu phí trà nước mới đồng ý.
Tôi vốn định nói thôi bỏ đi, nhưng hôm đó khi đi qua hành lang của viện dưỡng lão, tôi lại lấy lại động lực một lần nữa, nếu lần này vẫn không được thì tôi không làm nữa. Vào đến viện dưỡng lão, quản lý không có đó, chỉ có một ông lão đang quét dọn trong sân. Tôi bước đến nói chuyện với ông lão.
Ông lão bị ho rất nặng, tôi lấy cho ông một ly trà rồi vỗ lưng cho ông, để ông có thể được thoải mái một chút.
Khi đó tôi mặc một chiếc váy sáng màu, lúc lấy trà không cẩn thận đã làm đổ lên váy tạo thành một vệt bẩn, ông lão thấy vậy liền nói xin lỗi, tôi cười đáp lại: “Không sao đâu ạ”.
Sau đó ông lão hỏi tôi: “Cháu đến viện dưỡng lão có chuyện gì thế?”.
Tôi cười: “Nói chuyện làm ăn ạ, chỉ sợ việc không thành”.
Ông lão uống một ngụm trà, nhìn ông đột nhiên tôi nhớ đến ông ngoại đã mất vì ung thư thực quản. Khi còn sống, ông ngoại cũng rất thích uống trà nóng bằng bình giữ nhiệt. Tôi nhắc nhở ông lão đừng uống trà nóng quá vì như thế không tốt cho thực quản. Tôi cũng dùng kiến thức y khoa và thân phận bác sỹ để giải thích lý do cho ông, để ông giữ gìn sức khỏe.
Nói một lúc thì người quản lý của viện cũng quay lại. Nhìn thấy tôi đang nói chuyện với ông lão liền chạy đến chào hỏi ông: “Tổng giám đốc Trần”.
Lúc đó tôi vô cùng kinh ngạc, không ngờ cảnh tượng trong phim lại xuất hiện ngoài đời thực. Chuyện sau này như thế nào thì chắc không cần nói mọi người cũng hiểu. Chuyện làm ăn của tôi thành công một cách dễ dàng, không những thế những viện dưỡng lão mà ông Trần đầu tư đều đồng ý nhận lời ký kết hợp đồng với chúng tôi.
Đem tình yêu trao tặng cho người khác thì sẽ nhận lại tình yêu, ở hiền thì sẽ gặp lành, người lương thiện chắc chắn sẽ có quý nhân giúp đỡ.
Câu chuyện thứ ba:
Sa mạc Sahara luôn được coi là một vùng đất chết, những người đi vào sa mạc này khó mà có thể tìm thấy đường sống trở về. Nhưng năm 1814, có một đoàn khảo cổ đã làm được điều đó.
Khi đó, thấy xương người trắng xoá xuất hiện ở khắp nơi trên sa mạc, trưởng nhóm thấy vậy liền yêu cầu những thành viên trong đoàn chôn những người xấu số, sau đó dùng cành cây hoặc bất cứ thứ gì nổi bật để làm bia mộ cho họ.
Nhưng số người chết trên sa mạc quá nhiều, họ không có nhiều thời gian để chôn từng bộ xương, vì thế một thành viên trong đoàn liền nói: “Chúng ta để đây để nghiên cứu, chứ không phải chôn xương người”.
Trưởng đoàn vẫn rất kiên quyết nói: “Những bộ xương này có thể từng là những người đồng nghiệp của chúng ta, các bạn nhẫn tâm nhìn họ nằm trơ trọi trên mặt cát sao?”.
Một tuần sau, nhóm khảo cổ phát hiện ra hóa thạch cổ xưa, có thể gây sốc cho toàn thế giới. Đoàn khảo cổ quyết định ra về trong sự hân hoan, nhưng một cơn bão cát nổi lên, mặt trời bị che lấp và la bàn cũng ngừng hoạt động.
Đoàn khảo cổ hoàn toàn mất phương hướng, thức ăn và nước uống mang theo cũng sắp hết, lúc này họ mới thấm thía tại sao những đồng nghiệp trước không thể trở về. Trong lúc tình thế cấp bách, trường đoàn đột nhiên nói: “Đừng tuyệt vọng, các bạn có nhớ chúng ta đã để lại rất nhiều ký hiệu trên đường đi không?”.
Và thế là họ đi theo những bia mộ mà họ đã chôn, cuối cùng cũng tìm được đường ra. Khi trả lời phỏng vấn, rất nhiều thành viên của đoàn khảo cổ nói: “Đó là nhờ tấm lòng lương thiện giúp chúng tôi vượt ra khỏi sa mạc!”.
Trên sa mạc đầy cát và gió, họ đã quyết định lựa chọn làm chuyện tốt và cũng chính chuyện tốt đó, đã giúp họ tìm được đường về nhà.
Trên con đường dài của cuộc đời, lòng tốt là la bàn trong trái tim mỗi người. Khi chúng ta nhìn thấu lòng mình, mãi mãi sẽ không đi sai đường.
Câu chuyện thứ tư:
Ông Bạch Phương Lễ đã dùng 19 năm cuối đời mình, dùng từng xu, từng đồng kiếm được bằng chiếc xe ba gác để giúp đỡ những học sinh nghèo khó. Ông đã quyên góp 350 nghìn nhân dân tệ (Khoảng 1,2 tỷ VNĐ) cho hơn 300 học sinh nghèo ở Thiên Tân. Theo báo Trung Quốc đưa tin, phí xe ba gác khi đó là 5 đồng mỗi km, để tiết kiệm được khoản tiền đó, ông Bạch Phương Lễ đã phải đạp xe bằng 18 lần đường xích đạo của trái đất.
Vào một ngày mùa đông, ông đến trường trung học Diệu Hoa của Thiên Tân và lấy ra một hộp đựng tiền khoảng 500 tệ. Ông nói: “Tôi không làm được nữa rồi, về sau tôi không thể quyên góp nữa, đây là lần cuối cùng của tôi”.
Ông vừa nói xong tất cả các giáo viên của trường trung học Diệu Hoa đều bật khóc. Nhìn ông lão, ai cũng biết ông đã mệt như thế nào, có lẽ đây là nguyên nhân mà rất lâu rồi ông chưa đến lại trường. Ông đã dùng tất cả sức lực còn lại của mình để đạp xe ba gác và đành dụm số tiền này cho trường.
Không lâu sau, ông Bạch cũng qua đời, hưởng thọ 93 tuổi. Trong cuộc sống của chúng ta có rất ít người có thể làm được những điều phi thường như ông. Đó là một tấm lòng đáng được ngưỡng mộ và tán dương.
Dù cuộc sống có khó khăn như thế nào đi nữa, cũng đừng từ bỏ sự lương thiện, dù chúng ta có cô đơn như thế nào đi nữa, hãy đi theo con đường được xây dựng bởi nhân cách tốt.
Con người sống trên đời này sẽ có những khó khăn, vất vả khác nhau nhưng hy vọng, với mỗi đau thương đi qua ta đều có thể cảm nhận được sự ấm áp của tình người.
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ hiểu, có tấm lòng lương thiện còn khó hơn có được trí thông minh. Bởi vì thông minh là thiên phú, còn lương thiện là lựa chọn của chính chúng ta. Vì thế nếu cuộc sống cho chúng ta sự lựa chọn, đừng ngần ngại, hãy lựa chọn lương thiện.
Ngọc Linh – Theo Forhuaren