50 tuổi, người về hưu an dưỡng tuổi già, kẻ “khởi nghiệp” từ tay trắng bỗng thành triệu phú: Cho dù tuổi già kéo đến hay cái chết cận kề thì cũng chẳng bao giờ là quá muộn để đánh thức thành công của bản thân.
Một nghiên cứu với 2,7 triệu người khởi nghiệp của Census Bureau và hai giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ cho thấy, tuổi lý tưởng để khởi nghiệp cao hơn nhiều so với bạn nghĩ. Nếu ở độ tuổi U50 hay U60, bạn cũng đừng nghĩ là quá muộn để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.
Cụ thể, những người khởi nghiệp ở độ tuổi 50 có tỷ lệ thành công cao gấp 2,2 lần so với những người khởi nghiệp ở tuổi 30 và gấp 2,5 lần người khởi nghiệp ở độ tuổi 25. Ngoài ra, người khởi nghiệp ở độ tuổi 60 thành công gấp 3 lần người khởi nghiệp ở độ tuổi 30.
Chẳng hạn, một trong những người giàu nhất thế giới, doanh nhân Nhật Bản Taikichiro Mori đã được trải nghiệm hương vị của sự giàu có lần đầu tiên ở tuổi 51 khi trở thành nhà đầu tư bất động sản. Và sau đó, ở tuổi 88, người sáng lập Công ty Xây dựng Mori vọt lên trở thành người giàu nhất thế giới vào năm 1992, với tài sản ròng trị giá 16,3 triệu đô la Úc.
Hoặc như Đại tá Harland Sanders, người đã tạo ra chuỗi gà rán yêu thích của cả thế giới – KFC, mãi đến năm 66 tuổi mới bắt đầu đưa thương hiệu này lên tầm nổi tiếng và thu về lợi nhuận khổng lồ.
Năm 1964, ông nhượng quyền doanh nghiệp với mức giá khó tin là 2 triệu đô la. Năm 1980, tại thời điểm qua đời, giá trị tài sản ròng của ông được ước tính trị giá 3,5 triệu đô la.
Có thể thấy, cho dù 40, 50 hay 60 tuổi đều chưa phải quá muộn, chỉ cần tự tin vào ý tưởng, kinh nghiệm, kỹ năng và mối quan hệ của mình, ai cũng vẫn còn cơ hội để hướng tới thành công.
Với nhà văn José Saramago, 50 tuổi vẫn chưa hề muộn để thực hiện ước mơ của mình. Ông đã trở thành tác giả Bồ Đào Nha đầu tiên và duy nhất giành giải thưởng Nobel trong năm 1998. Tại thời điểm đó, José Saramago đã bước qua tuổi 76 tuổi. Tác phẩm của ông được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và bán được hơn 3,5 triệu bản trên khắp thế giới. Trong khi đó, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông được xuất bản vào 31 năm trước, sau khi “nhảy việc” từ một thợ hàn sang làm nhà báo trong tạp chí văn học, và những tác phẩm lẻ tẻ phía sau đều không nhận được một chút tiếng tăm nào.
Mãi đến năm 1993, ông bắt đầu viết series Hồi ký gồm năm tập truyện và trong năm 1995, ông được trao giải Camoes và 3 năm sau đó, José Saramago được vinh dự nhận giải Nobel Văn học đầy danh giá. Khi ông mất tại nhà riêng ở Quần đảo Canary của Tây Ban Nha vào năm 2010, Bộ Ngoại giao nước này đã thay mặt chính phủ quyết định gửi máy bay tới tận nơi để đưa thi thể Saramago về thủ đô Lisbon và tổ chức tang lễ long trọng tại đây.
Trong thực tế, khi đã trải qua nửa đời và bước sang bên kia ngưỡng cửa 50, chúng ta sẽ làm gì? Có người bắt đầu đếm dần số ngày để tới tuổi nghỉ hưu, có người đã từ bỏ các công việc nặng nhọc để an hưởng tuổi già, cũng có người quyết định rũ bỏ gánh nặng mà tận hưởng vui thú cuộc đời. Sau đó, đến khi 60 hoặc 70 tuổi, chúng ta sẽ an bình ngồi yên trên chiếc ghế dựa ngoài vườn, ngắm nhìn thời gian trôi, xem con cháu khôn lớn và nghĩ về năm tháng đã qua. Tuy nhiên, độ tuổi 50 với José Saramago lại chỉ vừa đủ để ông bắt đầu “khởi động” giấc mơ của bản thân mình.
Ông trở lại văn đàn với hai tập thơ lần lượt vào năm 1966 và 1970. Sau đó, từ 1970 đến 2009, ông tiếp tục cho ra đời gần 30 tác phẩm khác từ thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn tới kịch. Trong số ấy, ba cuốn tiểu thuyết bao gồm Ensaio sobre a Cegueira (Mù lòa, 1995), Todos os nomes (Tất cả các tên gọi, 1997) và A Caverna (Hang động, 2000) đã gây được tiếng vang rất lớn, đặc biệt cuốn tiểu thuyết đầu tiên – Mù lòa còn được ủy ban trao giải Nobel Văn học lưu ý khi công bố giải thưởng.
Tuổi 50 thành công xuất sắc là vậy nhưng trở về thời 25 tuổi trẻ trung, đây lại là quãng thời gian vận mệnh José Saramago bị ông trời trêu đùa. Vốn là một học sinh giỏi, hoàn thành chương trình học của 2 lớp chỉ trong một năm nhưng vì không có khả năng tài chính, khi lớn lên, Saramago phải vào học một trường kĩ thuật để trở thành thợ cơ khí. Học xong hai năm, Saramago làm việc cho một tiệm sửa chữa xe hơi bận rộn, chỉ có buổi tối muộn, ông mới có thời gian ghé vào một thư viện công cộng để đọc sách tự học thêm. Sau đó, ông thất nghiệp vì lý do chính trị, phải nhờ tới sự giúp đỡ giới thiệu của một người thầy cũ mới xin được việc làm khác trong công ty hợp kim. Suốt thời ấy, Saramago cũng từng thử sức sáng tác nhưng luôn thất bại nặng nề. Ông mới hiểu ra rằng mình chưa có gì để nói với thế giới nên đã lặng lẽ biến mất khỏi văn đàn suốt 19 năm không ai để ý.
Nhưng dường như giấc mơ trong Saramago chưa bao giờ hạ nhiệt, ông luôn lặng thầm cố gắng phát triển bản thân để rồi đến năm hơn 45 tuổi, nhờ chuyển sang làm việc với nhà xuất bản Estudios Cor, ông mới có cơ hội trở lại với con đường chinh phục lý tưởng đã ngủ yên suốt mấy chục năm qua. Khi biết ông sẽ quay lại viết lách, không ít người thân, bạn bè xung quanh đã bị sốc và khuyên ông nên dừng lại. Chỉ có đúng 1 người duy nhất nói với Saramago rằng: “50 tuổi vẫn chưa phải quá muộn để theo đuổi giấc mơ đâu. Tiến lên, ông bạn!”
Quả thật, Saramago đã nhận được một sự khẳng định và vinh dự mà ông ngóng trông cả đời. Cho dù tuổi già kéo đến hay cái chết cận kề, chỉ cần còn có lý tưởng, ai cũng có thể cố gắng hết sức để khám phá tiềm năng vô hạn của chính mình. Như Saramago từng nói: “Tôi đã không còn trẻ, vì vậy, mỗi cuốn sách mới đều là một thử thách phải tạo ra tác phẩm có một không hai. Nếu nó trở thành tác phẩm cuối cùng của cuộc đời mà lại không như ý muốn thì thật đáng sợ làm sao.”
Phương Thuý – Theo Trí thức trẻ