Nếu Hanwha, Yokowo… đã hoàn tất việc di dời sang Việt Nam thì những cái tên như Nintendo, Lenovo, Foxconn… đang trong quá trình xem xét.
Báo cáo của Savills Việt Nam nhận định với 25% thuế quan xuất khẩu áp trên tổng giá trị xuất khẩu 250 tỷ USD của Trung Quốc và vẫn có khả năng tăng thêm 10% trên tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá 300 tỷ USD, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang hướng các công ty đa dạng hoá quy trình sản xuất và chuyển dời nhà máy.
Theo đó, đơn vị này đã liệt kê ra danh sách các công ty từ Trung Quốc đã, đang và sẽ có sự chuyển dời.
Việt Nam hiện thu hút với đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định, và một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới – tất cả các yếu tố cho thấy môi trường đầu tư khá hấp dẫn.
Số liệu cũng cho thấy trong nửa đầu năm 2019 vốn FDI vào ngành công nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, 1.723 dự án mới đã được đăng ký với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD.
Phân khúc sản xuất thu hút 605 dự án, chiếm 71,2% FDI với 13,15 tỷ USD tăng 39,8% theo năm.
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố thu hút đầu tư nhất, chiếm 26,3% và 16,7% tổng vốn FDI. Theo sau là Bình Dương chiếm 7,4% và Đồng Nai chiếm 6,7%. Nguồn vốn đầu tư từ Hongkong đầu tư chiếm 28,7% với 5,3 tỷ USD, theo sau là Hàn Quốc với 2,73 tỷ USD và Trung Quốc với 2,28 tỷ USD.
Trong 6 tháng đầu năm, khu công nghiệp (IPs) và vùng kinh tế (EZs) thu hút gần 340 dự án FDI với tổng nguồn vốn gần 8,7 tỷ USD.
Cũng trong thời gian này có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 95.500ha đất công nghiệp gần 65.600 ha (68,7%). 251 KCN đã hoạt động 60.900ha (tỷ lệ lấp đầy là 74%), 75 KCN (29.300ha) đang xây dựng, đền bù và giải phóng mặt bằng, 17 đặc khu kinh tế duyên hải cung 845.000 ha…
Savills cho rằng thị trường công nghiệp đang thu hút sự chú ý, với các chủ đầu tư khu công nghiệp đang tích cực chuyển đổi các vùng nông nghiệp sang công nghiệp, đảm bảo nguồn cung mới. Các tỉnh miền Trung, Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng nhận được rất nhiều yêu cầu do mức giá thuê đất ưu đãi và cạnh tranh.
An Dương – Theo Trí thức trẻ