Bắc Kinh cho rằng các nước phương Tây nên đồng cảm trong cuộc chiến chống khủng bố, chứ không phải làm điều ngược lại là cấm vận và trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương.
Niềm hi vọng mới
Hồi năm 2010, ông Trương Xuân Hiền được nhiều người coi là hi vọng của Tân Cương, Trung Quốc. Chỉ vài tháng sau sự kiện đẫm máu và các cuộc đụng độ sắc tộc bạo lực gây chấn động khu vực vào năm 2009 khiến hơn 190 người chết, ông Trương bắt đầu nhậm chức và có những động thái mới để cải thiện tình hình.
Trong một tháng, ông Trương đã dỡ bỏ lệnh cấm Internet kéo dài 8 tháng ở Tân Cương. Năm 2015, ông trở thành quan chức Tân Cương đầu tiên tham gia các nhóm Hồi giáo để kỷ niệm lễ Eid ul-Fitr đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan – tháng ăn chay của người Hồi giáo.
Tuy nhiên, bất chấp cam kết “không thương xót những kẻ khủng bố” của ông Trương, các cuộc tấn công bạo lực vẫn tiếp tục gia tăng và tiếp tục có dấu hiệu lan ra ngoài khu vực.
Năm 2013, những kẻ khủng bố từ Tân Cương đã làm rung chuyển thủ đô Bắc Kinh bằng một cuộc tấn công gây rúng động tại Quảng trường Thiên An Môn. Nhiều tháng sau, một nhóm chiến binh thánh chiến cầm dao xông vào ga đường sắt ở thành phố Côn Minh, tây nam Trung Quốc, khiến 33 người thiệt mạng.
Ông Trương cho biết ông không thể hiểu được các cuộc tấn công này.

“Tôi ở một mình trong phòng và trầm tư nghĩ về điều này”, ông nhớ lại phản ứng của mình sau khi lần đầu tiên nghe tin về vụ tấn công.
“Làm thế nào mà chúng có thể có sự tàn bạo như vậy?”. Câu hỏi hóc búa mà ông Trương phải đối mặt hầu như không mới đối với Bắc Kinh. Khu vực Tân Cương, nơi sinh sống của hơn 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm dân tộc khác, là nơi giao thoa của các nền văn minh khác nhau và là vấn đề đau đầu của chính quyền trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh trong nhiều thế kỷ.
Khi Trung Quốc đối mặt với các lệnh trừng phạt vì các chính sách ở Tân Cương và các cáo buộc diệt chủng từ chính phủ phương Tây, các quốc gia phương Tây không cho rằng cách tiếp cận chống khủng bố của Trung Quốc là chính đáng. Trong khi đó, Bắc Kinh cho rằng New York, London, Paris, Brussels và Berlin đáng nhẽ nên hiểu và đồng cảm với Bắc Kinh trong vấn đề này.
Trong những năm xảy ra các cuộc tấn công bạo lực và xung đột sắc tộc kể từ những năm 1990, các quan chức Trung Quốc cho rằng chủ nghĩa ly khai xuất phát từ vùng Trung Á vào những năm 1990 và sau đó là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan toàn cầu là nguyên nhân của các sự kiện này.
Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp an ninh ở Tân Cương, bao gồm việc áp dụng rộng rãi các cơ sở giam giữ, giám sát chặt chẽ và tuyên truyền chính trị nghiêm khắc.
Nạn khủng bố tiếp diễn
Theo Raffaello Pantucci, chuyên gia về khủng bố toàn cầu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, những biện pháp này được cho là biện pháp đáp trả của Bắc Kinh đối với các cuộc tấn công khủng bố và xung đột sắc tộc từ năm 2009 đến 2015.
Ông Pantucci đã chỉ ra một loạt các vụ bạo lực – bao gồm các cuộc tấn công năm 2013 ở Bắc Kinh khiến hai người thiệt mạng và hàng chục người bị thương – và một vụ nổ và tấn công bằng dao ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương cùng ngày Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến công du hồi năm 2014.
Hai sự kiện được cho là đã khiến ông Tập tức giận và sau đó ông Tập đã thay đổi thái độ đối với các chính sách Tân Cương trong một cuộc họp quan trọng vào cuối năm 2014 – ông Pantucci nói.
Trong cuộc họp này, ông Tập kêu gọi tập trung chống khủng bố, kêu gọi người dân ủng hộ việc trị an và triển khai chính sách “thiên la địa võng”. Trong cùng tháng đó, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch trấn áp khủng bố kéo dài một năm ở Tân Cương.
Tuy vậy, các cuộc tấn công và đụng độ vẫn diễn ra. Do đó, tới năm 2016, ông Trần Toàn Quốc đã được bổ nhiệm để thay thế vị trí của ông Trương Xuân Hiền.
Với một loạt chính sách hiện được các chính phủ phương Tây cáo buộc là “chính sách diệt chủng”, ông Trần Toàn Quốc – người nắm quyền lãnh đạo Tân Cương vào năm 2016 – có thể tự hào vì không có vụ tấn công khủng bố nào xảy ra kể từ năm 2017 tới nay.
Nhưng ông Trần – thành viên của Bộ Chính trị gồm 25 thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cũng trở thành quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị Washington trừng phạt vào năm 2020.
Trung Quốc cho biết các cuộc tấn công bạo lực và đụng độ sắc tộc là kết quả của các kế hoạch xúi giục từ các phần tử cực đoan bên ngoài biên giới nước này.
Li Wei, một nhà phân tích chống khủng bố tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết sự tồn tại của những mối đe dọa như vậy là lý do tại sao các chính sách khắc nghiệt vẫn được áp dụng ở Tân Cương.
Ông nói: “Các mối đe dọa không chỉ do những kẻ cực đoan từ bên trong Tân Cương gây ra, mà quan trọng hơn là các bên liên quan đến các nhóm khủng bố quốc tế bên ngoài Trung Quốc”.
Bắc Kinh đổ lỗi cho Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) về các cuộc tấn công ở Tân Cương và các nơi khác trong nước.
Nhóm này đã bị Ủy ban trừng phạt al-Qaeda của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liệt vào danh sách khủng bố từ năm 2002, một năm sau vụ tấn công ngày 11/9. Nhưng cuối năm ngoái, Washington đã quyết định loại bỏ nhóm này khỏi danh sách trừng phạt và khiến Bắc Kinh tức giận.
Các quan chức Trung Quốc cho biết nhóm này được hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) – những kẻ đã biến các vùng của Iraq và Syria thành nơi huấn luyện cho các phần tử khủng bố từ Tân Cương.
Mặc dù có bằng chứng xác thực về việc người Duy Ngô Nhĩ chiến đấu cho ISIS ở Syria và các nhóm khác như al-Qaeda, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ có liên quan đến các cuộc tấn công ở Trung Quốc, Pantucci nói.
Ông nói: “Chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc các nhóm này chỉ đạo những người đó quay trở lại Trung Quốc để thực hiện các cuộc tấn công. ISIS/Al-Qaeda tập trung hơn vào việc chiến đấu trên chiến trường ở Syria / Iraq hoặc chống lại phương Tây.”
Bất chấp mối đe dọa mà ISIS đặt ra trực tiếp đối với các chính phủ phương Tây, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm “giải oan” cho các chính sách Tân Cương của họ phần lớn đã thất bại ở phương Tây.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị