Đàn ông Mỹ kết hôn muộn, áp lực công việc, con cái khiến họ rất cô đơn, có ít thời gian xây dựng tình bạn.
Chương trình “Saturday Night Live” mới đây đã đề cập đến một số nghiên cứu cho biết nam giới ở Mỹ ngày càng không có nhiều bạn bè. Họ chia sẻ câu chuyện về một phụ nữ trẻ, thất vọng vì bạn trai không thể mở lòng với bất kỳ ai, sau đó quyết định dẫn anh đến “công viên đàn ông” – nơi chuyên giao lưu kết bạn và mở rộng mối quan hệ. Câu chuyện này sau đó được lan truyền trên mạng xã hội, đồng thời dấy lên nỗi bận tâm về một thế hệ đàn ông cô đơn, khép mình.
Theo The Economist, khi người dân ở các quốc gia giàu có phải làm việc trong khoảng thời gian dài, kết hôn muộn hơn và dành nhiều thời gian cho con cái thay vì bạn bè, sự cô đơn của họ sẽ tăng lên.
Một nghiên cứu khác của Đại học Pennsylvania cũng đã tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc sử dụng mạng xã hội và sự cô đơn. Thời gian “lướt web’’ càng nhiều, người đó càng ít thời gian xây dựng tình bạn.
Vấn đề này được cho là đặc biệt nghiêm trọng ở Mỹ, bởi theo các học giả người Anh, người dân ở các quốc gia theo đuổi chủ nghĩa cá nhân sẽ cô đơn hơn. Ngoài ra, Mỹ cũng là một trong những nước có tỷ lệ ly hôn cao nhất và đàn ông có thể mất bạn chung với vợ cũ sau khi chia tay. Thuật ngữ “xa mặt cách lòng’’ cũng đúng trong hoàn cảnh này, bởi tình bạn sẽ chịu tác động mỗi khi ai đó chuyển nơi ở.
Theo một khảo sát được công bố hồi năm 2021 bởi Trung tâm Khảo sát Cuộc sống Mỹ, thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, tình bạn đang bị thu hẹp sau 3 thập kỷ và điều này được thể hiện rõ ràng ở nam giới. Trước đó, hồi năm 1990, 55% đàn ông Mỹ cho biết họ có ít nhất 6 người bạn thân; song nay tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 27%. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 15% nam giới hiện không có mối quan hệ bạn bè thân thiết, tăng gấp 5 lần kể từ năm 1990.
Một nghiên cứu về sự cô đơn cho thấy, bản tính đàn ông Mỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Năm 1990, Robert Garfield, một nhà trị liệu tâm lý kiêm tác giả cuốn “Phá vỡ quy tắc nam giới”, đã thực hiện các “thí nghiệm tình bạn”, sau đó kết luận đa số đàn ông đều khao khát được kết nối tình cảm. Tuy nhiên, điều này không được thấy ở nhiều chàng trai Mỹ, những người luôn muốn kiềm chế cảm xúc, độc lập và cạnh tranh trước đối phương.
Tiến sĩ Garfield cho biết: “Khi đặc quyền nữ giới và cộng đồng LGBT được nâng cao trong những thập kỷ gần đây, nam giới cũng mong muốn phát triển bản thân. Theo thời gian, điều này có thể ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ của họ, song hiện tại, đàn ông lại đang phải đấu tranh để làm được điều đó’’.
Marc Schapiro, một giáo viên tiếng Anh 24 tuổi đến từ Maryland đồng ý với quan điểm này. Anh chia sẻ rằng ngay từ khi còn nhỏ, bản thân đã được dạy rằng tình bạn giữa những người đàn ông với nhau không nên được bộc lộ ra bên ngoài. Tuy nhiên, Marc không muốn sống như vậy. Anh muốn mình có thể “thể hiện tình cảm nhiều hơn, tôn trọng nữ giới và cộng đồng LGBT’’. Marc nói các mối quan hệ bạn bè của anh chủ yếu là thông qua hình thức trực tuyến, vậy nên không đáp ứng được những nhu cầu thực.
Tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy, khi ngày càng nhiều nam thanh niên, thay vì những bạn gái trẻ, chọn cách tự tử. Niobe Way, chuyên gia tâm lý học tại Đại học New York kiêm tác giả cuốn “Bí mật sâu sắc: Tình bạn của nam giới và cuộc khủng hoảng kết nối”, cho biết không phải ngẫu nhiên mà sự khác biệt này hình thành.
Bà chia sẻ trước đây, con trai có xu hướng cởi mở kết bạn như con gái song điều này sẽ giảm dần khi họ lớn lên. Đến năm 15 tuổi, nhiều chàng trai bắt đầu nói rằng họ không cần bạn bè và lo sợ rằng việc quá thân thiết với một ai đó khiến họ trông có vẻ “nữ tính’’.
Sự cô đơn này đang ảnh hưởng đến nữ giới. Tiến sĩ Garfield cho biết 2/3 các cuộc ly hôn hiện nay đều là do người phụ nữ chủ động đệ đơn. Họ phàn nàn rằng chồng mình khô khan và ngày càng sống không có tình cảm.
Theo: The Economist-Vũ Anh–Theo Nhịp Sống Kinh Tế