Ở Măng Ri, trên đỉnh Ngọc Linh cao hơn 2.000m so với mực nước biển, chuột là món ăn cực phẩm. Chuột ở đây chỉ ăn sâm Ngọc Linh và chỉ khách quý mới được thưởng thức thịt chuột.
Chuột chỉ ăn sâm Ngọc Linh
Xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) nằm cách trung tâm TP Kon Tum hơn 100 km. Toàn xã được bao bọc bởi ngọn núi Ngọc Linh cao sừng sừng, cách mặt nước biển hơn 2.000 m.
Toàn xã có khoảng 500 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu. Tất cả bà con đều là là người Xê Đăng. Ở Măng Ri, bà con biết làm ruộng bậc thang, biết làm lúa nước 2 vụ/năm nên chưa bao giờ lo thiếu đói. Đồng bào nơi đây còn có một nghề khác cho thu nhập rất cao là trồng sâm. Đây là nghề giúp bà con làm giàu, đổi đời bên dưới những cánh rừng nguyên sinh.
“Ở đây chủ yếu trồng Hồng sâm và sâm Ngọc Linh. Các cánh đồng sâm đều nằm dưới những tán rừng già. Người ngoài không biết được lạc vào mà không có người dẫn đường vào hoặc đi vào với mục đích trộm cắp thì sẽ rất nguy hiểm.
Bà con thường bố trí chông để bảo vệ vườn sâm của mình. Chỉ duy nhất lũ chuột là lúc nào cũng lọt vào bên trong để “trộm” sâm”, anh A Ngôm (36 tuổi, làng Đăk Dơn, xã Măng Ri) vui vẻ nói.
Anh A Ngôm cho biết phần lớn thời gian trong năm, bà con đều đi tuần trên rừng để bảo vệ những vườn sâm của gia đình, trừ những ngày mùa. Việc đi tuần vừa để kiểm tra vườn sâm, vừa để bắt những chú ruột rừng tinh ranh.
Những vườn sâm thường có lưới rào bảo vệ. Tuy vậy, lũ chuột rừng béo núc, cân nặng gần 1 kg vẫn dùng hàm răng sắc nhọn cắn lưới để mò vào “ăn trộm”.
“Chúng chỉ chọn đào những củ sâm quý có tuổi đời từ 3 năm trở lên để ăn. Hết ăn củ sâm, chúng lại ăn hạt sâm. Thân cây sâm chúng tha về lót ổ. Thiệt hại mà chúng gây ra cho bà con là không nhỏ.
Nhờ ăn sâm nên thịt chuột rừng ở đây đặc biệt quý, đặc biệt thơm và ngon. Ở đây, chúng tôi gọi đó là chuột quý tộc vì quanh năm suốt tháng chúng chỉ ăn sâm hiếm”, anh A Lanh (trú xã Măng Ri) chia sẻ.
Săn chuột đãi khách quý
“Có trộm thì phải bắt”, anh A Lanh vui vẻ nói. Những chuyến tuần rừng, người Măng Ri luôn mang theo một dụng cụ nhỏ đó là chiếc bẫy chuột làm bằng tre. Những chiếc bẫy được đan khéo léo bằng tre rừng để dụ chuột vào bên trong mà không có cách quay đầu trở ra.
“Phải tìm cho được đường chuột chạy vào vườn. Đó là những lối mòn nhỏ có dấu chân chuột chạy. Bẫy được gài cẩn thận, đừng để lại dấu vết nếu không chúng sẽ phát hiện. Bẫy cũng có thể gài ở gốc cây, hốc đá, hố, hang của chuột.
Trước đây bẫy được chuột khá dễ nhưng nay chúng tinh ranh lắm nên càng phải khéo léo hơn”, anh A Ngôm nói.
Những chú chuột béo ngậy, nặng gần 1kg dính bẫy được các chàng trai Xê Đăng mang về làng khi vẫn còn sống. Họ đưa thành quả của mình cho những bà nội trợ làm thịt đãi khách.
“Chuột sống thì làm sạch rồi xào sả ớn hoặc nướng trên lửa sau đó ăn cùng lá Blu-kít hái từ đỉnh Ngọc Linh. Mùi thịt chuột nấu chín thơm lừng, cắn 1 miếng béo ngậy, ngập tận chân răng.
Chuột này cực kỳ quý giá vì chúng chỉ ăn sâm nên chỉ có khách quý thì chúng tôi mới đãi“, anh Ngôm bộc bạch.
Vào mùa xuân, chuột săn được nhiều sẽ được các bà nội trợ làm sạch rồi treo gác bếp. Thịt chuột khô khi chế biển phải ngâm nước cả ngày để thịt mềm ra. Món thịt chuột ăn sâm sau đó sẽ đem nấu với chuối, măng rừng…
“Thịt chuột gác bếp là món quý chúng tôi để dành đến mùa xuân về thì đưa lên tiến dâng những vị thần linh và mời khách quý đến nhà chơi.
Thịt chuột này cũng được dọn ra đãi khách trong những ngày lễ, cưới hỏi…như một lời mời kính trọng, chào đón gia chủ dành đến nhà thông gia và họ hàng, làng xóm”, anh A Lanh nói.
Theo Trí Thức Trẻ