Thành công của ChatGPT đã giúp Microsoft chặn được đà giảm giá cổ phiếu năm 2022, qua đó giúp cả thị trường bước vào ‘cơn sốt vàng’ mới.
Tờ Washington Post cho hay vào năm ngoái, toàn bộ ngành công nghệ đang ảm đạm khi cổ phiếu những tập đoàn Big Tech lớn đều giảm, hàng loạt cuộc sa thải lớn diễn ra, bong bóng tiền số xì hơi khiến các nhà đầu tư Phố Wall đã nghĩ về một giai đoạn trầm lắng của thị trường thì bỗng nhiên ChatGPT xuất hiện thay đổi tất cả.
Công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) mà chatbot này sử dụng đã tạo nên một cơn chấn động cho toàn thị trường, từ người dùng đến các chuyên gia, người lao động trong ngành cho đến những giới trẻ muốn thử nghiệm.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư công nghệ bắt đầu đổ tiền vào đây với hơn 11 tỷ USD đã được rót cho các startup AI riêng trong tháng 5/2023, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo kết quả kinh doanh thường niên của mọi công ty cho dù có liên quan hay không, từ Moderna cho đến Heiz đều ít nhiều nhắc đến AI.
Trong tuần trước, hãng sản xuất chip cho AI là Nvidia đã vượt mặt các ông lớn như Intel, AMD để gia nhập câu lạc bộ vốn hóa nghìn tỷ USD của Apple, Microsoft, Google…Nếu năm 2022 đầy ảm đạm thì năm 2023 lại chứng kiến cơn sốt trở lại của nhà đầu tư với ngành công nghệ.
Tuy nhiên nếu các doanh nghiệp công nghệ hồ hởi vì được ChatGPT cũng như AI cứu sống khỏi một năm bi đát và viễn cảnh ảm đạm thì những người lao động lại buồn vui lẫn lộn.
Phao cứu sinh
Sự bùng nổ của ngành công nghệ trong đại dịch đã khiến các tập đoàn lầm tưởng về một tương lai tươi sáng khi thị trường mở cửa trở lại, tuyển dụng ồ ạt, tích trữ hàng tồn kho để chuẩn bị cho một đợt tăng trưởng mới.
Thế nhưng nền kinh tế bất ổn, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát và lãi suất tăng cao khiến vô số startup sụp đổ, các tập đoàn công nghệ buộc phải cắt giảm lao động khi nhà đầu tư mất dần kiên nhẫn.
Những tên tuổi lớn từ Elon Musk, Mark Zuckerberg, Sundar Pichai hay Satya Nadella đều hứng phải vô số chỉ trích khi buộc phải sa thải lượng lớn lao động cùng với một tương lai ảm đạm, nhắm đến sự bền vững và “hiệu quả” hơn là tăng trưởng.
Thế nhưng khi thành công của ChatGPT bộc phát, cơn sốt AI bắt đầu tràn qua toàn ngành công nghệ. Giáo sư kinh tế Dan Wang của trường đại học Columbia cho biết sự tiến bộ của AI đã khiến nhiều người phải bất ngờ, từ những người sử dụng, các nhà đầu tư cho đến giới khởi nghiệp.
Đặc biệt, thành công của Microsoft với ChatGPT đã kích động cuộc chạy đua với Google, tạo nên một làn sóng đầu tư mới tràn đầy sức sống cho toàn ngành thay vì cái nhìn bi quan trước đây.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh thường niên mới đây, CEO Pichai của Google đã nhắc đến AI 34 lần trong bản tuyên bố mở đầu, nhiều hơn so với chỉ 5 lần năm ngoái.
“Chúng ta đang ở một bước ngoặt quan trọng khi tái định hình lại toàn bộ sản phẩm cốt lõi của công ty”, CEO Pichai nhấn mạnh khi Google đi trước nhưng lại bị Microsoft “nẫng” tay trên lấy được sự chú ý trước.
Tương tự, Facebook, Amazon hay Apple cũng đều đưa AI trở thành tâm điểm trong các dự án đầu tư hay báo cáo gần đây của mình.
Các nhà đầu tư thì cực kỳ hứng khởi trước AI khi ngành công nghiệp rốt cục cũng có một dự án đầy tiềm năng sau một năm 2022 bất lợi. Minh chứng rõ ràng nhất là giá cổ phiếu của Nvidia tăng gấp 4 lần trong khoảng 2019-2023 khi doanh nghiệp này là hãng đi tiên phong trong mảng bộ xử lý chip cho AI.
Trong tuần trước, Nvidia ước tính sẽ bán được 11 tỷ USD doanh số dòng chip mới trong quý II/2023, cao hơn 4 tỷ USD so với kỳ vọng của Phố Wall. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của hãng đã tăng dựng đứng và vượt 1 nghìn tỷ USD để đứng chung với các ông lớn Big Tech như Apple hay Microsoft.
Một “iPhone” của làng công nghệ
Giám đốc tài chính Colette Kress của Nvidia đã phải thốt lên rằng sự thành công của ChatGPT chẳng khác gì thời điểm iPhone làm nên cuộc cách mạng ngành điện thoại khi khiến cả thế giới phát cuồng.
“Tất cả những gì chúng tôi có thể nói là “Wow”. Chúng tôi chưa bao giờ thấy đà tăng trưởng đáng kinh ngạc đến như vậy”, chuyên gia phân tích C.J.Muse của Evercore cho biết khi các Big Tech đua nhau săn lùng sản phẩm của Nvidia.
Nếu cuối năm 2022, đầu năm 2023 là thời điểm ảm đạm thì hiện nay, ngành công nghệ đã bắt đầu sôi động trở lại với hàng loạt dự đoán tăng trưởng tốt nhất 10 năm qua.
Trong năm ngoái, chỉ số Nasdaq 100, chủ yếu là các mã công nghệ lớn, đã mất 33% giá trị thì từ đầu 2023 đến nay, chỉ số này đã tăng trở lại 31%.
Thậm chí ngay cả Meta (Facebook) của Mark Zuckerberg từng tuyên bố sẽ dồn lực cho vũ trụ ảo giờ đây cũng chuyển hướng sang AI.
Với giới khởi nghiệp, AI như một chiếc phao cứu sinh trong thời điểm các nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn khi những startup đốt tiền nhiều năm mà chưa đem lại nhiều lợi nhuận như kỳ vọng. Số liệu của PitchBook cho thấy các startup AI đã nhận được 12,5 tỷ USD từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với chỉ 4,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, tin vui của các doanh nghiệp và startup lại là sự buồn vui lẫn lộn của giới lao động.
Hàng thay thế
Trong khi người dùng thích thú thử nghiệm các tính năng mới của AI thì vô số lao động lo lắng về một tương lai ảm đạm của bản thân. Dù doanh nghiệp tìm thấy mỏ vàng mới, phao cứu sinh toàn ngành trong bối cảnh ảm đạm nhưng có một sự thật không thay đổi là các đợt sa thải lớn vẫn diễn ra từ đầu năm đến nay chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Thậm chí với lãi suất cao và việc các tập đoàn phải vay vốn đầu tư AI, việc phải siết chặt chi phí là điều hiển nhiên, chưa tính đến công nghệ mới này có thể thay thế vô số lao động.
Một số chuyên gia lo lắng dù AI có tiềm năng nhưng để có thể thay đổi hoàn toàn thị trường trong thời gian ngắn là không thể khi các doanh nghiệp cần thời gian để phát triển sản phẩm thu về lợi nhuận. Thậm chí các khung pháp lý hiện nay cho sản phẩm AI hay những chế tài, hạn chế nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chưa được hoàn thiện.
“AI cực kỳ thú vị nhưng rất khó để chắc chắn rằng công nghệ này sẽ đưa toàn thị trường trở lại thời kỳ tăng trưởng cao như trước”, giáo sư Wang của trường đại học Columbia thừa nhận.
*Nguồn: Washington Post-Băng Băng-Theo Nhịp sống thị trường