Đương kim tổng thống Petro Poroshenko đã thất bại với khoảng cách lớn hơn bất kỳ ứng cử viên nào trong lịch sử đất nước, trong khi đối thủ của ông lại nhận được tỉ lệ phiếu bầu cao nhất trong lịch sử Ukraine.
Tại sao sau 5 năm cầm quyền và được phương Tây ủng hộ cả về chính trị và tài chính, người dân Ukraine lại quay lưng với ông Poroshenko như vậy? Tạp chí National Interest cho biết, câu trả lời chính là vì những chính sách chống Nga mà ông và quốc hội Ukraine đã theo đuổi trong 5 năm qua, bao gồm việc cấm sử dụng tiếng Nga, cấm đi lại sang Nga, cấm giao thương với Nga, cấm liên lạc xã hội với người Nga.
Việc người dân Ukraine tỏ ra bất bình với những chính sách này là hoàn toàn có thể được dự báo trước, khi những người sống ở các thành phố Ukraine thường xuyên nói tiếng Nga hơn là tiếng Ukraine, và một nửa người dân đất nước có người thân đang sinh sống ở Nga.
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi một cuộc khảo sát vào đầu năm nay cho thấy tỉ lệ người dân Ukraine đồng cảm với Nga cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ tháng 5/2014.
Trong bối cảnh đó, ông Poroshenko tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa dân tộc của mình, khi tước bỏ quyền sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Ukraine của nhiều khu vực trong nước, chấm dứt việc dạy tiếng Nga trong trường học sau lớp năm, thậm chí còn giải tán Nhà thờ Chính thống giáo Ukraine và thay bằng một nhà thờ mới trung thành với chính phủ hơn. Kết quả là sự thù ghét của người dân ở những vùng nói tiếng Nga ngày càng tăng, và nó thể hiện ngay trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.
Đương nhiên, sự sụp đổ của nền kinh tế Ukraine, những cắt giảm ngân sách đối với dịch vụ công, và giá khí đốt tăng gấp 9 lần trong vòng 5 năm đều khiến ông Poroshenko mất đi sự tín nhiệm của mình, song đây không phải là những yếu tố mang tính quyết định.
Trong các bài phát biểu, ông Poroshenko luôn nói rằng đất nước đang bị chia thành hai phe, một bên là “người yêu nước Ukraine thực sự” và những người ủng hộ Ukraine và gọi đây là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề xã hội và kinh tế của Ukraine.
Thật vậy, các áp phích vận động bỏ phiếu của ông không phải là hình ảnh ông đối mặt với những đối thủ của mình mà là với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong vòng bầu cử Tổng thống đầu tiên, khẩu hiệu được sử dụng là “Hoặc là Poroshenko, hoặc là Putin”, và đến vòng 2 khẩu hiệu trở thành “Ngày 21/4 – Lựa chọn mang tính quyết định”. Khi ông Poroshenko chỉ đưa ra hai lựa chọn cho người dân, không khó để nhận thấy người Ukraine đã đứng về bên nào.
Như vậy, phương Tây đã học được gì từ thất bại cay đắng của ông Poroshenko? Thứ nhất, sự đồng cảm của người dân Ukraine đối với Nga sẽ chưa thể biến mất trong một sớm một chiều. Nếu xung đột miền đông Ukraine chấm dứt và các hoạt động giao thương, quan hệ chính trị được khôi phục vào lúc này, chắc chắn sự đồng cảm với Nga của người Ukraine sẽ càng tăng thêm.
Thứ hai, chiến lược ủng hộ một phe ở Ukraine của phương Tây nhằm thay đổi đường hướng chính trị của đất nước này không mang lại hiệu quả nào đáng kể, giống như những gì họ đã và đang làm ở Syria, Iraq hay Afghanistan.
Đối với trường hợp của Ukraine, phương Tây đã thất thế ngay từ đầu. Do Nga là nước láng giềng với Ukraine, hai nước cũng có chung một ngôn ngữ và có chung nền văn hóa, Nga có thể khẳng định quyền lực mềm của mình với Ukraine hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Cần phải nói rõ rằng, ông Zelensky không phải là “bù nhìn” của ông Putin. Sức hấp dẫn của ông đến từ việc ông không theo đuổi quan điểm chính trị dân tộc của ông Poroshenko.
Đây là điều đã mang lại sự ủng hộ rộng rãi đối với ông, nhưng nó cũng là điểm yếu đáng lo ngại. Trong suốt phần còn lại của năm 2019 ông sẽ phải làm việc với một quốc hội Ukraine có thành phần gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc đã có ghế từ sau phong trào Maidan năm 2014.
Mặc dù tỉ lệ tín nhiệm đối với quốc hội này từ lâu đã không đạt số hàng chục, các chuyên gia cho rằng nó sẽ tồn tại ít nhất là cho đến tháng 11 năm nay và sẽ thông qua bất kỳ chính sách dân tộc nào cho đến những ngày cuối cùng.
Đạo luật đầu tiên sẽ được thông qua có nội dung mở rộng việc sử dụng bắt buộc ngôn ngữ Ukraine. Như vậy vừa mới được bầu làm Tổng thống, ông Zelensky đã đối mặt với thách thức chính trị đầu tiên của mình. Cho dù ông không có quyền ngăn chặn đạo luật này, những người ủng hộ ông vẫn sẽ quy trách nhiệm cho ông sau khi nó được áp dụng.
Có thể thấy rằng, điều quan trọng nhất đối với ông Zelensky đó là tìm cách để không trở thành một Poroshenko thứ hai và cũng không được trở thành Viktor Yanukovych, những người đã khiến một nửa đất nước Ukraine quay lưng lại với mình. Nếu làm được điều này, ông có thể trở thành cứu tinh thực sự của Ukraine.
Theo Infonet