Bà Kelly Craft nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng tiến hành “các bước cụ thể” hướng tới một thỏa thuận nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Trong bối cảnh quốc tế quan ngại Triều Tiên có thể nối lại việc thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa, hôm qua (11/12), Mỹ tuyên bố sẽ có cách tiếp cận song song, vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa cứng rắn, tùy theo hành động của phía Triều Tiên. Quan hệ Mỹ- Triều Tiên và tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước bước ngoặt mới, có thể xấu đi trở lại thời kỳ khủng hoảng cao điểm như năm 2017 hoặc có thể tốt hơn.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên ngày 11/12, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft nói rằng Triều Tiên cần đưa ra “quyết định khó khăn nhưng táo bạo” nếu muốn hợp tác với Mỹ. Bà Kelly Craft nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng tiến hành “các bước cụ thể” hướng tới một thỏa thuận nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân, nhưng lưu ý Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần chuẩn bị để đáp trả mọi hành động khiêu khích từ Triều Tiên.
Bà cho rằng, Mỹ nhận rõ sự cần thiết về 1 thỏa thuận cân bằng giải quyết mọi lo ngại của tất cả các bên, nhưng cảnh báo mạnh mẽ: “Triều Tiên đe dọa đi con đường mới trong những tuần lễ tới đây và sử dụng các tuyên bố công khai để ám chỉ việc nối lại các hoạt động khiêu khích nghiêm trọng. Triều Tiên có thể phóng các phương tiện không gian sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc thậm chí họ có thể thực hiện các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa với thiết kế có thể tấn công nước Mỹ với vũ khí hạt nhân. Những hành động đó đe dọa cánh cửa cơ hội để tìm ra con đường tốt hơn cho tương lai”.
Tuy nhiên Đại sứ Mỹ không thông tin chi tiết về các hành động có thể có của Hội đồng Bảo an. Tuyên bố của Đại sứ Mỹ cho thấy quan điểm rõ hơn của chính quyền Tổng thống Trump sau những tín hiệu liên tục được phát đi từ Triều Tiên.
Triều Tiên gần đây nhiều lần nhắc nhở Tổng thống Mỹ Trump về hạn chót vào cuối năm 2019 phải đưa ra nhượng bộ để nối lại các cuộc đàm phán đang dang dở. “Tối hậu thư” của Triều Tiên là trước hạn chót Mỹ phải chứng tỏ “sự linh hoạt trong lập trường” và bóng gió “sẽ tìm một con đường mới” nếu Mỹ tiếp tục cấm vận và gây sức ép lên Triều Tiên. Giới chức Triều Tiên cáo buộc Mỹ tìm cách “câu giờ” thay vì đưa ra những nhượng bộ thật sự.
Tổng thống Trump đã lên tiếng cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang đánh mất “mọi thứ” nếu tiếp tục chính sách thù địch và rằng Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa. Giới quan sát nhận định, khả năng cao là nhà lãnh đạo Triều Tiên không nhận được điều mong muốn từ Tổng thống Trump. Tới thời điểm này vẫn chưa rõ “con đường mới” của Triều Tiên sẽ ra sao, ngoại trừ truyền thông nước này liên tục đề cập hạn chót với Mỹ.
Các thành viên khác tại Hội đồng Bảo an không hoàn toàn đồng tình với Mỹ. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cho rằng Hội đồng Bảo an “bắt buộc” phải giảm các biện pháp trừng phạt đang áp lên Triều Tiên, nhằm ủng hộ cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho rằng, chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là “không thể chấp nhận được” nhưng tiến trình đàm phán không thể thực hiện một chiều nếu chỉ yêu cầu phía Triều Tiên nghe theo mà không có gì để đáp lại nước này. Ngoại trưởng Nga Lavrov trong chuyến thăm Mỹ mới đây cũng cho rằng, tiến bộ chỉ có thể đạt được nếu 2 bên đều có những “bước đi tương xứng”.
Hiện giờ căng thẳng Mỹ – Triều Tiên mới thể hiện ở lập trường và cuộc chiến ngôn từ. Những tuần lễ sắp tới, những động thái từ phía Triều Tiên sẽ quyết định bước ngoạt mới của tình hình bán đảo Triều Tiên và nếu Triều Tiên khôi phục việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vốn được đình chỉ năm 2017, thì hai bên có thể sẽ quay trở lại thế đối đầu./.
Theo VOV