Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar hôm 18/7 gọi những hành động của Trung Quốc ở biển Đông là “xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng”.
Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar hôm qua cáo buộc Mỹ đã bôi nhọ nước này một cách “quá đáng”, chia rẽ Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông và Hong Kong.
Đáp lại lời tuyên bố của Mỹ rằng Bắc Kinh đang xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng, Đại sứ quán Trung Quốc nói các cơ quan của Mỹ ở nước ngoài đang thực hiện “những điều ghê tởm” đối với Trung Quốc và đã thể hiện một “khuôn mặt xấu xa, đạo đức giả, đáng khinh và xấu xí”.
Mỹ tuần trước củng cố quan điểm của mình về Biển Đông, nói rằng họ sẽ hỗ trợ các quốc gia trong khu vực thách thức yêu sách quá đáng và phi lý của Bắc Kinh ở vùng biển chiến lược này.
Trong một tuyên bố ngày 18/7, Đại sứ quán Mỹ tại Yangon gọi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là “một phần của một mô hình lớn hơn nhằm phá hoại chủ quyền của các nước láng giềng”, theo tường thuật của Reuters.
Các tuyên bố cứng rắn liên tục xuất hiện khiến một số người cho rằng một cuộc đụng độ ở Biển Đông gần như không thể tránh khỏi. Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông là “bất hợp pháp”. “Chúng tôi đang làm rõ: Yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi đối với hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát chúng”, Mỹ tuyên bố hồi đầu tuần.
Đó không phải là một sự thay đổi quan điểm. Nhưng đó là một tuyên bố rõ ràng về ý định thiết lập một lằn ranh mà Bắc Kinh không nên vượt qua.
“Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng việc Trung Quốc đánh bắt cá, thăm dò dầu khí hoặc các hoạt động kinh tế khác trong các khu vực đó, hoặc can thiệp vào quyền của các nước láng giềng là bất hợp pháp”, ông Greg Poling, nghiên cứu viên cấp cao của Sáng kiến Hàng hải châu Á, nói với CNN. “Lần tới khi Trung Quốc thực hiện hành vi quấy rối bất hợp pháp các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, một phản ứng mạnh mẽ hơn của Mỹ có thể khiến Trung Quốc đặt cược nhiều hơn vào chủ nghĩa dân tộc”, ông nói thêm.
Các luận thuyết kiểu “chiến binh sói” của Trung Quốc đã không cho họ khoảng trống để thoái lui. “Có lẽ bây giờ Bắc Kinh cảm thấy như bị đẩy vào tường”, chuyên gia quan hệ quốc tế Hunter Marston của Đại học Quốc gia Úc nói với news.com.au.
Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), cho rằng, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ mà cụ thể là Ngoại trưởng Mike Pompeo, báo hiệu Washington sẽ củng cố sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài và có thể sẽ khích lệ các nước khác ủng hộ phán quyết này tích cực hơn.
Bằng cách bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc, Mỹ đang phục vụ “lợi ích của những bên muốn (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển-UNCLOS) là cơ sở để xác định các quyền ở Biển Đông”, theo chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu Michael McDevitt.
“Điều mà Washington muốn là [Trung Quốc] tuân theo luật quốc tế đã được chấp nhận, bao gồm UNCLOS”, SCMP dẫn lời ông McDevitt.
Công ước của Liên Hợp Quốc là cơ sở cho vụ kiện do Philippines đệ trình lên Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague năm 2012. Nó thách thức tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển dựa trên đường chín đoạn phi lý xuất hiện trên bản đồ chính thức của Trung Quốc, ôm lấy phần lớn Biển Đông. Tòa án vô hiệu hóa những tuyên bố đó vào năm 2016 nhưng Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết này.
Theo Tiền phong