Việc Mỹ và Trung Quốc có quá nhiều bất đồng sâu sắc, cộng thêm sức ép về mặt đối nội khiến khả năng đạt được một thỏa thuận trong những cuộc gặp sắp tới để thay đổi tình thế là gần như không có.
Ngày 18/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì tại thành phố Anchorage thuộc bang Alaska, Mỹ để thảo luận về quan hệ song phương. Mặc dù cuộc gặp này có thể khởi đầu cho những cuộc gặp trong tương lai sau khi hai bên trải qua 4 năm sóng gió dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng các nhà phân tích nhận định, Mỹ và Trung Quốc sẽ không thu được nhiều kết quả khi hiện tại còn tồn tại nhiều bất đồng về quan điểm.
Theo kế hoạch cuộc gặp trực tiếp Mỹ – Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau hội nghị trực tuyến giữa quan chức cấp cao của Mỹ với các đối tác chủ chốt ở khu vực Á – Thái Bình Dương, hay còn gọi là Nhóm Bộ tứ (Quad).
Trong bài phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ngoại trưởng Antony Blinken bác bỏ việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi cuộc gặp này là “một cuộc đối thoại chiến lược” và khẳng định rằng, hai bên có thể đi đến các cam kết chỉ khi Mỹ thấy rõ những tiến triển thực sự trong các vấn đề mà Mỹ quan tâm.
“Đây là cơ hội quan trọng để chúng tôi trình bày một cách rất thẳng thắn về những lo ngại đối với các hành động của Bắc Kinh khi đang thách thức an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của Mỹ cũng như các đối tác và đồng minh. Vì vậy, tại cuộc gặp, chúng tôi dự định nêu ra vấn đề mà Mỹ quan tâm”.
Trong khi đó, cả ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị đều cho rằng, phía Mỹ phải có trách nhiệm trong việc sửa chữa mối quan hệ sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Hai nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cũng cho biết đã thúc đẩy Mỹ tái khởi động các cơ chế đối thoại thường xuyên.
Quan điểm khác biệt của hai nước phản ánh tính chất căng thẳng của cuộc gặp, sự kiện sẽ định hình sắc thái của cặp quan hệ quan trọng nhất thế giới. Trong khi Tổng thống Joe Biden cần thỏa mãn yêu cầu từ lưỡng đảng về việc duy trì cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump trong quan hệ với Trung Quốc thì Chủ tịch Tập Cận Bình cũng phải đương đầu với dư luận trong nước ủng hộ việc đáp trả Mỹ gây áp lực với Trung Quốc trong nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, cuộc gặp cũng thể hiện sự sẵn sàng tái can dự của hai nước sau khi mối quan hệ chìm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái. Khi đó, hai nước đã gia tăng các biện pháp trừng phạt và nâng thuế với nhau, thậm chí trục xuất nhà báo và đóng cửa lãnh sự quán của nước kia. Mỹ và Trung Quốc đều bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và thể hiện sự cởi mở để đưa ra các cử chỉ thiện chí sớm.
Ông Đằng Kiến Quần (Teng Jianqun), Giám đốc Phòng Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhận xét: “Cuộc đối thoại ở Alaska cho thấy một tín hiệu rất mạnh mẽ rằng, Trung Quốc và Mỹ muốn quay trở lại đường lối hợp lý, có một số cam kết, đối thoại để hai bên có thể tránh một số hiểu lầm. Tất nhiên sự cạnh tranh giữa hai bên đã và sẽ ở còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ dài. Tôi nghĩ chính quyền của ông Biden muốn hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm cuộc chiến chống đại dịch, biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực và cả vấn đề hạt nhân Iran và hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên”.
Tuy vậy, theo các nhà phân tích, việc Mỹ và Trung Quốc có quá nhiều bất đồng sâu sắc, cộng thêm cả hai bên đang phải chịu áp lực về mặt đối nội với chính quyền cả hai phía trong việc tránh để bị nhìn nhận là yếu mềm khi nối lại quan hệ thì khả năng đạt được một thỏa thuận trong những cuộc gặp sắp tới để thay đổi tình thế là gần như không có. Mỹ và Trung Quốc dường như chỉ có thể hợp tác hạn chế trong những thách thức mà hai bên cùng quan ngại, thay vì tái khởi động tổng thể quan hệ song phương./.
Theo VOV