Những cam kết của Trung Quốc về biến đổi khí hậu được coi là “không mấy ấn tượng”.
Cuộc họp mặt quan trọng
Các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới hôm 22/4 đã kêu gọi hợp tác để giảm khí nhà kính, hướng tới mục tiêu cuối cùng là không phát thải carbon để giảm hiệu ứng nhà kính và nóng lên toàn cầu.
Phát biểu trước 40 nhà lãnh đạo từ 6 châu lục, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh – tổng thống Mỹ Joe Biden nêu lý do cần phải cân bằng giữa chi phí và trách nhiệm, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh vai trò của các nước đang phát triển trong phát triển bền vững.
Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi sử dụng nhiều hơn các nguồn tài chính sáng tạo và các công nghệ xanh đột phá khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Trong nỗ lực thúc đẩy các nước gây ô nhiễm lớn thực hiện các bước đi đầy tham vọng và báo hiệu rằng Mỹ muốn khôi phục lại vai trò lãnh đạo khí hậu của mình, ông Biden đã cam kết rằng Mỹ sẽ cắt giảm một nửa lượng khí thải nhà kính so với mức năm 2005 vào năm 2030.
Ông nói trong một bài phát biểu ngắn trước các nhà lãnh đạo thế giới: “Đây là thời điểm nguy hiểm nhưng cũng là thời điểm của những khả năng phi thường. Chúng tôi thực sự không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải hoàn thành việc này.”
Cam kết của ông Biden cũng có phần tương đồng với cam kết dưới thời chính quyền Barack Obama là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ xuống từ 26 đến 28% so với mức năm 2005 vào năm 2025.
Hôm 21/4, ông Biden cũng kêu gọi các nước đưa ra các cam kết cắt giảm phát thải. Việc làm, các ngành công nghiệp và công nghệ mới sẽ là phần thưởng cho nỗ lực này.
Việc Washington đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào Ngày Trái đất và cam kết của ông Biden về tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm hạn chế khí thải, được đưa ra sau khi Mỹ ký lại Thỏa thuận Paris mà cựu tổng thống Donald Trump đã rút khỏi. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu đã cho phép Trung Quốc củng cố vị thế như một quốc gia lãnh đạo khí hậu toàn cầu.
Phát biểu từ Bắc Kinh, ông Tập nói lên tầm quan trọng của các chính sách môi trường lành mạnh đối với sự phát triển và công bằng xã hội.
Ông nói: “Chúng ta nên bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường, giống như chúng ta bảo vệ đôi mắt của mình. Chúng ta phải cam kết hướng tới cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết “kiểm soát chặt chẽ” các nhà máy nhiệt điện than trong kế hoạch 5 năm hiện tại của Trung Quốc và “giảm dần” trong 5 năm tiếp theo.
Những bước này và các bước khác của Trung Quốc – bao gồm nỗ lực xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường – “đòi hỏi những nỗ lực phi thường của Trung Quốc”, ông nói thêm.
“Không mấy ấn tượng“
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra một số cam kết chi tiết và mạnh mẽ hơn trong ngày khi Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các quốc gia coi sự phục hồi kinh tế sau đại dịch là cơ hội để đầu tư vào năng lượng tái tạo và định hình lại nền kinh tế của họ.
Bà Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu bật thỏa thuận của Liên minh châu Âu vào hôm 21/4 nhằm tới mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990.
Nhật Bản và Canada đều đưa ra các cam kết mới trong khi các nước phát thải lớn là Ấn Độ – Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu sau khi ông Tập – và Trung Quốc không đưa ra các cam kết mới.
Li Shuo, cố vấn cấp cao của tổ chức Hòa bình xanh ở Bắc Kinh, mô tả cam kết mới nhất của ông Tập là “không mấy ấn tượng”.
“Cần có nhiều động thái tham vọng hơn”, ông Li nói. “Các điều kiện trong nước để giảm phát thải nhanh hơn đang trở nên chín muồi.”
Trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, các quan chức Trung Quốc đã bảo vệ việc ông Tập không có những cam kết mới. Họ cho rằng không nên sử dụng biến đổi khí hậu như một “công cụ địa chính trị”.
Xie Zhenhua, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Trung Quốc cho biết: “Chúng ta đang ở một giai đoạn phát triển khác với Mỹ và châu Âu, đồng thời cho biết thêm rằng tiến độ của Trung Quốc đối với vấn đề trung hòa carbon nhanh hơn so với các kế hoạch của Mỹ và châu Âu mặc dù có những khó khăn to lớn trong việc tái cơ cấu nền kinh tế.”
Ông Xie cho biết Bắc Kinh và Washington đã nối lại đối thoại về khí hậu, đồng thời nói thêm rằng một nhóm làm việc chung về biến đổi khí hậu có thể sớm được thành lập ngay cả khi cả hai nước đã đồng ý công bố kế hoạch tương ứng của họ trước tháng 11.
40 nguyên thủ quốc gia tham gia hội nghị trực tuyến đại diện cho các quốc gia chiếm hơn 80% nền kinh tế toàn cầu.
Những giờ đầu tiên của hội nghị, một số quốc gia đã trình bày những những thực tế khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia như Bhutan và Quần đảo Marshall đã cảnh báo một cách rõ ràng, chi tiết về việc khí hậu ấm lên đã bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống với lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán.
Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba cho biết: “Hơn một nửa số quốc gia châu Phi được dự đoán sẽ trải qua xung đột do vấn đề khí hậu”.
Môi trường đại diện là một trong số ít các vấn đề mà Bắc Kinh và Washington có điểm chung khi các nền kinh tế khổng lồ phải đối mặt với vấn đề về quốc phòng, công nghệ, thương mại, văn hóa và một loạt các vấn đề khác.
Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia gây ô nhiễm carbon lớn nhất thế giới, tuần trước đã đồng ý hợp tác để kiềm chế biến đổi khí hậu “càng sớm càng tốt” sau khi đặc phái viên của Mỹ về khí hậu John Kerry gặp người đồng cấp Trung Quốc tại Thượng Hải.
“Có rất nhiều vấn đề mà tất cả chúng ta không nhìn thấy trực tiếp”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói, đề cập đến cộng đồng toàn cầu. “Đây không phải là một trong số chúng.”
Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ và hai cường quốc đã thải ra gần một nửa lượng khói nhiên liệu hóa thạch đang làm ấm bầu khí quyển của hành tinh.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hoan nghênh việc Washington trở lại vai trò lãnh đạo khí hậu.
Bà Merkel nói: “Tôi rất vui khi thấy Mỹ quay trở lại. Không có nghi ngờ gì về việc thế giới cần sự đóng góp của bạn nếu chúng tôi thực sự muốn thực hiện các mục tiêu tham vọng của mình.”
Năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon dioxide cao nhất vào năm 2030 và không phát thải ròng vào năm 2060, mục tiêu mà ông Tập nhắc lại hôm 22/4. Vào tháng 3, Trung Quốc đã cam kết giảm 18% lượng khí thải carbon trên một đơn vị sản lượng kinh tế trong kế hoạch 5 năm tới, phù hợp với mục tiêu trong 5 năm trước đó.
Các quan chức Mỹ bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc – nước tiếp tục xây dựng và cung cấp tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than – có thể củng cố các mục tiêu về môi trường, nhưng Trung Quốc đã từ chối với lý do nước này vẫn đang là một nước đang phát triển.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị