Chiến tranh có thể trở thành điều không thể tránh khỏi, nếu cả Mỹ và Iran đều giữ thái độ không khoan nhượng trong cuộc đối đầu ở Trung Đông.
Nguy cơ một cuộc chiến mới nổ ra ở khu vực Trung Đông vốn âm ỉ trong vài tháng qua đã leo thang tới mức độ nghiêm trọng vào tuần trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Iran, và phía Iran đã phản ứng lại bằng cách bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) do thám trị giá hơn 100 triệu USD của Mỹ, mà Washington khẳng định là máy bay này đang hoạt động trong vùng biển quốc tế.
Để đáp trả vụ UAV bị bắn hạ, Tổng thống Trump đã ra lệnh tấn công trả đũa nhằm vào mục tiêu là các hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất mà Iran đang sở hữu, nhưng cuối cùng ông lại đột ngột hủy bỏ kế hoạch vào phút chót vì những lí do vẫn chưa được công bố.
Thế giới vẫn đang chờ đợi xem liệu một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran có xảy ra hay không
Những sự việc xảy ra gần đây bị bao phủ bởi một tấm màn bí ẩn, hơn nữa lại có thêm sự tiếp tay của các thông tin sai lệch, tin giả, v.v… Rất hiếm có sự thật trong những điều được nêu ra.
Để hiểu được vì sao Mỹ và Iran lại ra nông nỗi “bên miệng hố chiến tranh” như hiện nay, thì chúng ta cần nhớ lại những điểm chính sau đây: chính sách Trung Đông không được suy nghĩ thấu đáo của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nỗ lực sửa cái sai của người tiền nhiệm của ông Trump, và những chính sách mới của ông Trump khiến cho mâu thuẫn tại Trung Đông càng thêm “nóng”.
Ông Obama tạo nền móng
Trong một nỗ lực tái cơ cấu cán cân quyền lực lâu dài ở Trung Đông, ông Obama đã thực hiện một số chính sách trao quyền cho Iran và các đồng minh của Iran trong khu vực, khiến cho “kẻ thù” của Iran – các đồng minh của Ả Rập Saudi và Israel – bị suy yếu, và rút Mỹ khỏi Trung Đông.
Kết quả là Iran đã về phe Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đồng minh Nga, tham gia vào cuộc chiến ở Syria kể từ năm 2011. Từ năm 2014, Iran bắt đầu liên thủ với kẻ thù lâu đời của họ là Iraq – sau khi ông Obama rút quân đội Mỹ khỏi khu vực này. Iran cũng đã tăng cường hỗ trợ nhóm khủng bố Hamas của Palestin, kiểm soát Dải Gaza nhằm khiến Israel suy yếu.
Iran còn hỗ trợ cả Hezbollah, một đảng chính trị và nhóm quân sự có căn cứ tại Lebanon đang chiến đấu ở Syria, và trước đó từng chiến đấu chống lại Israel vào tháng 7/2006. Và Iran cũng hỗ trợ lực lượng phiến quân Hồi giáo thuộc Phong trào Houthi chống lại chính phủ Yemen kể từ năm 2015, gián tiếp tham gia vào cuộc nội chiến khủng khiếp vẫn chưa thấy hồi kết.
Ông Obama cũng đã ủng hộ các phong trào dân chủ ở khắp Trung Đông, nhưng lại từ chối hỗ trợ cho phong trào dân chủ ở Iran vào năm 2009.
Rõ ràng, theo giới phân tích, thì hành động của ông Obama chính là muốn “xoa dịu” Iran để đảm bảo có được hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân với nước này, điều vốn được coi là thành tựu lớn lao trong chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền ông.
Bởi vậy, ý định của Obama là đảm bảo có được hiệp ước với Iran, và ông đã vượt quyền Quốc hội, tự mình kí kết thỏa thuận đó mà chưa được Quốc hội thông qua. Thỏa thuận năm 2015 có những điều khoản rất thuận lợi đối với Iran, trong đó bao gồm việc gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran. Đây là thỏa thuận sẽ không được Quốc hội phê chuẩn.
Theo lời ông Trump, thì vào năm 2016, chính quyền ông Obama đã bị “bắt quả tang” khi đang chuyển “trái phép” 400 triệu USD hối lộ cho Iran để giúp các công dân Mỹ bị Iran bắt giữ được trả tự do.
Ông Trump muốn thay đổi
Trong suốt cuộc vận động tranh cử Tổng thống hồi năm 2016, ông Trump đã thẳng thắn tiết lộ kế hoạch “thay thế Obama” và đường lối đối ngoại của mình: Tất cả những điều ông Obama đã làm, dù là tốt hay xấu, thì ông Trump cũng sẽ thay thế hết.
Và người kế nhiệm của ông Obama đã giữ đúng lời hứa của mình.Vào tháng 5/2018, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận về vũ khí hạt nhân với Iran – thỏa thuận mà ông tin là “giả tạo”.
Iran đã bác bỏ cáo buộc của ông Trump về thỏa thuận này. Cả các thanh sát viên vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) cũng đều kết luận rằng Iran không hề vi phạm các điều khoản trong bản thỏa thuận. Nhưng ông Trump thì tin rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran còn phải ngăn chặn quốc gia này thử tên lửa và can thiệp vào chuyện của các đồng minh của Mỹ.
Cùng lúc đó, ông Trump bắt đầu “tước quyền” của Iran. Ông đã áp đặt lại các lệnh trừng phạt từng phá hủy nền kinh tế của Iran một thời. Và các lệnh trừng phạt này cũng ảnh hưởng một phần tới các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến họ không thể mua dầu của Iran.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ trong cuộc chiến ở Syria để chống lại Iran trong khi đánh bại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở Syria và một phần Iraq. Kể từ năm 2011, cuộc chiến ở Syria đã khiến 11 triệu người mất nhà cửa, và khoảng 500.000 người thiệt mạng.
Ông Trump đang tái xây dựng mối quan hệ với Iraq – một quốc gia hiện nay đang nghiêng về phía Iran. Kể từ năm 2014, sau khi ông Obama rút quân đội Mỹ khỏi nước này, thì Washington tin rằng lực lượng Quds của Iran – một thành phần của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Cộng hòa chiến đấu ngoài lãnh thổ Iran – đang tích cực tham gia vào các hoạt động quân sự tại Iraq.
Ông Trump cũng ủng hộ lực lượng của Ả Rập Saudi ở Yemen trong “cuộc chiến ủy nhiệm” với Iran – cho đến nay cuộc chiến ấy đã khiến khoảng 100.000 thiệt mạng. Và ông Trump cũng tái xây dựng quan hệ với Osrael, bằng hành động mang tính biểu tượng là di dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem hồi tháng 5/2018.
Gần đây, ông Trump đã điều động một số tàu chiến – bao gồm một tàu sân bay – trong số 430 tàu thuộc Hạm đội 5 của Mỹ đóng quân ở Bahrain và có hỏa lực lớn, tới khu vực ngoài khơi Iran.
Phản ứng trước động thái của Mỹ, Iran đã đẩy mạnh chương trình tên lửa của họ, sản xuất ồ ạt uranium gần với cấp độ sản xuất vũ khí và liên tục khiêu khích các đồng minh của Mỹ và Ả Rập Saudi.
Năm 2018, Iran đã tấn công cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, sau đó đã nhận lại đòn tấn công của Israel nhằm vào lực lượng của Iran tại Syria. Tháng 3/2019, ông Trump đã công nhận việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan từ Syria.
Nguy cơ chiến tranh
Không ai biết được liệu các vụ việc gần đây có thể dẫn đến một cuộc chiến mới ở Trung Đông hay không. Nhưng tình hình hiện nay đang ở trong tình trạng hỗn độn.
Cả Iran và Mỹ đều có những nhà lãnh đạo khó hiểu. Các nhà thần quyền ở Iran nắm quyền kiểm soát đất nước. Có thể thấy từ những động thái trước đây rằng họ là những người cố chấp, sẵn sàng hành động cực đoan để bảo vệ quyền lực của mình.
Nhiều người đã quên rằng Iran và Iraq, tuy hiện nay vừa là “bạn thân”, vừa là láng giềng về địa lý, nhưng trước đây đã từng chiến tranh với nhau suốt 8 năm trời, khiến 500.000 thiệt mạng mà không có lý do nào khác ngoài việc họ không thích nhau.
Và, theo lời ông Trump, thì trước đây cũng đã có chuyện các nhà đàm phán Iran hầu như không hy sinh bất cứ điều gì trong quá trình thảo luận với chính quyền cựu Tổng thống Obama.
Ông Trump thì ít cố chấp hơn, nhưng ông lại là người rất hay bất thình lình đổi ý vào phút chót. Đơn cử là trong xung đột gần đây nhất, ông Trump dường như đã xoa dịu căng thẳng về vụ UAV bị bắn hạ khi nói rằng đó không phải là do cố tình, mà là “lỗi sơ suất” của một ai đó ở Iran.
Thế nhưng, vào ngày hôm sau, ông Trump đã phát động một cuộc tấn công đáp trả Iran chỉ để hủy bỏ nó khi sự hỗn loạn và chiến tranh suýt chút nữa đã nổ ra.
Hoàn cảnh hiện tại ở Iran và Mỹ đang đẩy và kéo các nhà lãnh đạo của hai nước theo nhiều hướng. Giữa các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có nhiều bất đồng về việc có “phe ôn hòa” ở Iran sẽ ngăn chặn “những kẻ cực đoan” đẩy Mỹ đi quá xa về phía chiến tranh. Việc Iran bắn hạ UAV của Mỹ là hành động mạo hiểm, cho thấy phe cực đoan đang nắm quyền kiểm soát.
Trong nội bộ chính quyền ông Trump cũng hiện diện những căng thẳng tương tự như ở Iran. Một phe trong Nhà Trắng và quân đội đang “ngứa ngáy”, nóng lòng muốn tấn công Iran. John Bolton, vị Cố vấn An ninh Quốc gia quyền lực, đã dành nhiều năm qua để tranh cãi về việc Mỹ tấn công và hủy diệt Iran.
Trái lại, cũng có những ý kiến phản đối trong chính quyền ông Trump, trong đó có cả ông Trump. Ông Trump đã lập luận rằng nước Mỹ nên rút khỏi các cuộc chiến hiện tại ở Trung Đông và từ bỏ vai trò người gìn giữ hòa bình toàn cầu của nó. Vì thế, việc tấn công Iran có vẻ mâu thuẫn với cách tiếp cận chính sách tổng thể của ông.
Tuy nhiên, ông Trump dường như rất dễ xiêu lòng và bị ảnh hưởng trước ý kiến của những người muốn Mỹ tái khẳng định mình trên trường quốc tế thông qua sức mạnh quân sự.
Các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng khiến tình hình thêm phức tạp. Các nước châu Âu thì kêu gọi các bên kiềm chế và từ chối ủng hộ Mỹ hết mình trong việc áp thêm lệnh trừng phạt đối với Iran, còn Israel lại muốn Mỹ phải có lời đáp trả thật mạnh mẽ trước hành động của Iran. Trong khi đó, Nga – một đồng minh của Iran tại Syria – cũng muốn ngăn cản ông Trump.
Tệ hơn nữa, là cả ông John Kerry, Cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama và nhiều cựu quan chức chính quyền Obama đã ủng hộ và thậm chí là cho Iran lời khuyên – cả công khai lẫn bí mật.
Giới phân tích cho rằng các cựu quan chức thời Obama đang nỗ lực cứu vãn thành tựu thời Obama bị ông Trump hủy hoại. Dù vậy, thì cuộc phản công của Obama đối với ông Trump là trái với luật pháp của Mỹ và vi phạm truyền thống lâu đời rằng các cựu Tổng thống không nên có hành động ảnh hưởng tới Tổng thống đương nhiệm khi người này còn đương chức.
Như vậy, hiện nay hai ông Obama – Trump đang gửi hai thông điệp khác nhau tới Iran.
Tuần trước, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu ngăn chặn thỏa thuận bán số vũ khí trị giá 8 tỉ USD cho Ả Rập Saudi và các đồng minh của nước này – một nỗ lực nhằm ngăn chặn ông Trump. Thậm chí cả thành viên đảng Cộng hòa cũng bỏ phiếu ngăn chặn điều này. Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ không thích chế độ toàn trị của Ả Rập Saudi.
Tất nhiên ông Trump bỏ qua ý kiến của Quốc hội và thể xúc tiến hợp đồng vũ khí nếu ông ấy muốn, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc nảy sinh đối đầu trong nội bộ chính quyền Mỹ. Khoảng 110 tỷ đô la doanh số bán vũ khí của Mỹ trong tương lai đang bị đe dọa, và Trung Quốc và Nga đã sẵn sàng thế chân Mỹ!
Tại Tehran và Washington, nhiều nhóm nhỏ thuộc giới quyền lực đang âm mưu thúc đẩy chiến tranh hoặc ngoại giao. Nếu một trong hai nước lựa chọn chiến tranh, thì chiến tranh sẽ nổ ra. Còn nếu chỉ có một bên lựa chọn ngoại giao, thì bên còn lại sẽ coi đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Cả hai bên sẽ phải nghiêm túc theo đuổi biện pháp ngoại giao nếu muốn tránh viễn cảnh chiến tranh bùng nổ.
Tuy nhiên, cơ hội hai bên cùng theo đuổi biện pháp ngoại giao khá mong manh. Điển hình là những cuộc chiến Mỹ đã tham gia: Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 1 (1990-1991), Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 2 (2003-2011), chiến tranh Afghanistan (2001 đến nay), Libya (2011, 2014-nay) và Syria (2011-nay).
Mặc dù vậy, Iran có thể giữ thế thượng phong. Nước Mỹ lại sắp tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống mới vào tháng 11/2020, và ông Trump cũng sẽ đứng ra tái tranh cử.
Ông Trump sẽ phải đối diện với 24 đối thủ từ đảng Dân chủ hoặc Xã hội – những người sẽ phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động nào của ông Trump tại Iran nói riêng, và toàn bộ chính sách đối ngoại của ông nói riêng. Nhiều ứng cử viên thuộc phe đối lập không tin rằng Iran đã tấn công hai tàu chở dầu.
Vì vậy, Iran có thể sẽ tiếp tục “gây rối” cho ông Trump vì biết rằng trong một thời gian ngắn nữa, ông Trump có thể sẽ không tái đắc cử, hoặc giả sử ông Trump có tiếp tục trúng cử, thì áp lực trong nước và phe đối lập cũng sẽ kiềm chế ông này lại.
Tất cả những hành động nói trên đều là những nước cờ nguy hiểm trên một bàn cờ biến đổi không ngừng, trong đó bất cứ động thái sai lầm nào cũng có thể dẫn đến chiến tranh.
Tiến sĩ Terry F. Buss (theo Trí Thức Trẻ)