Washington cấm nhập khẩu vải bông từ Tân Cương và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật có thể loại công ty Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.
Cấm nhập khẩu vải bông
Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 3.12 tiếp tục gây áp lực kinh tế khi công bố lệnh cấm nhập khẩu vải bông từ Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC), với cáo buộc XPCC sử dụng “lao động cưỡng bức”, theo Reuters. XPCC là tổ chức kinh tế – bán quân sự thuộc sở hữu nhà nước ở khu tự trị Tân Cương và là một trong những nhà sản xuất vải bông lớn nhất của Trung Quốc.
Cụ thể, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) thông báo sẽ cấm bông vải và các sản phẩm liên quan của XPCC. Hồi tháng 7, Bộ Tài chính Mỹ đã cấm mọi giao dịch bằng USD đối với XPCC. Trong khi lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Mỹ nhắm vào cấu trúc tài chính của XPCC, động thái mới của CBP sẽ buộc các công ty may mặc và những công ty khác đang nhập khẩu các sản phẩm dệt may vào Mỹ phải loại bỏ vải bông do XPCC sản xuất, theo quan chức CBP phụ trách thương mại Brenda Smith.
LHQ gần đây dẫn lại báo cáo mà cơ quan này gọi là đáng tin cậy cho rằng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo đang bị cưỡng bức lao động, theo Reuters. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua tuyên bố các chính trị gia Mỹ bịa đặt thông tin về lao động cưỡng bức ở Tân Cương và động thái của Washington làm suy yếu nguyên tắc thị trường, khiến nhiều người thất nghiệp. Trước đó, Bắc Kinh khẳng định không có trại cải tạo ở Tân Cương mà đó là các trung tâm đào tạo nghề để phòng chống chủ nghĩa cực đoan.
Loại công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán
Trong những tuần gần đây, chính phủ Tổng thống Trump tăng cường biện pháp gây áp lực với các công ty nhà nước Trung Quốc, cấm họ tiếp cận công nghệ và đầu tư vào Mỹ. Hạ viện Mỹ hôm qua thông qua dự luật có thể loại các công ty Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán và tiền tệ Mỹ. Dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Trump để phê duyệt lần cuối sau khi đã được cả Thượng viện thông qua.
Theo dự luật, công ty nước ngoài niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ phải tuân thủ các yêu cầu về thanh toán và kiểm toán của Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC). Nhiều công ty nước ngoài lâu nay tuân thủ tiêu chuẩn của SEC, nhưng doanh nghiệp Trung Quốc thì chưa, theo AFP.
Cũng theo dự luật, các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ sẽ phải xác nhận liệu có thành viên trong hội đồng quản trị là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không. Theo số liệu của chính phủ Mỹ, có 217 công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vào đầu tháng 10, được định giá tổng cộng 2,2 nghìn tỉ USD (khoảng 50,8 triệu tỉ đồng) dựa trên giá cổ phiếu.
Hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc rời Mỹ
Theo Reuters ngày 3.12 dẫn lời ông John Demers – Giám đốc Cục An ninh quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, có hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã rời khỏi Mỹ. Động thái này diễn ra giữa lúc Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành nhiều vụ án hình sự chống các hoạt động gián điệp của Trung Quốc nhằm vào ngành công nghệ Mỹ, ông Demers cho biết tại hội nghị do Viện Nghiên cứu Aspen tổ chức ở thủ đô Washington D.C. Theo một quan chức khác của Bộ Tư pháp Mỹ, các nhà nghiên cứu mà ông Demers đề cập, được cho là có liên hệ với quân đội Trung Quốc, rời Mỹ sau khi Cục Điều tra liên bang (FBI) thực hiện các cuộc thẩm vấn tại hơn 20 thành phố khắp nước Mỹ và sự kiện Bộ Ngoại giao Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.Houston (bang Texas) hồi tháng 7.
Quan chức trên nói thêm đây là nhóm khác với những người được Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến hồi tháng 9. Lúc đó, Mỹ thu hồi thị thực của hơn 1.000 sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc bị coi là nguy cơ đối với an ninh Mỹ. Cũng tại hội nghị ở Viện Aspen, Giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia Mỹ William Evanina cho hay gián điệp Trung Quốc đang nhắm vào các thành viên của chính phủ Tổng thống tân cử Joe Biden cũng như “những người thân cận” với đội ngũ của ông Biden.
Theo Thanh Niên