Thứ trưởng Pankin cho biết Moskva không loại trừ khả năng vẫn còn những đòn trừng phạt tồi tệ hơn đang chờ đợi Nga ở phía trước, nhưng cũng có khả năng phương Tây sẽ “quay xe”.
Theo hãng tin RIA Novosti, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin mới đây đã khẳng định rằng trong cuộc phỏng vấn với báo Izvestia rằng nước này sẵn sàng đối phó với các lệnh trừng phạt, rằng điều đó tuy sẽ “rất khó khăn nhưng không việc gì phải hoảng sợ.”
Ông Pankin cũng nhấn mạnh rằng bất kể lý do áp đặt hạn chế nhằm vào Nga là gì, thì mục tiêu của những người khởi xướng chúng là “bóp nghẹt nước Nga và công dân Nga”.
“Thực tế khó khăn do lệnh trừng phạt là điều dễ hiểu. Việc chúng ta sẵn sàng đối phó với chúng cũng vậy. Chúng ta không hoảng sợ, nhưng cũng không thờ ơ, tự mãn hay phô trương”, vị quan chức Nga bình luận.
Thứ trưởng Pankin cho biết Moskva không loại trừ khả năng vẫn còn những đòn trừng phạt tồi tệ hơn đang chờ đợi Nga ở phía trước, nhưng cũng có khả năng phương Tây sẽ “quay xe”.
“Chúng tôi luôn nói rằng Nga luôn sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả những tình huống xấu nhất về kinh tế và tài chính.
Có thể chúng ta vẫn chưa chứng kiến những kịch bản tồi tệ nhất. Mặc dù đối phương có xu hướng đe dọa tiến những bước lớn, rồi lùi lại một chút khi họ nhận ra rằng họ sẽ không chỉ tự bắn vào chân mình, mà có thể bắn vào một vị trí nào khác ở trên cao hơn”, ông Pankin nói.
Vị quan chức này nói rằng những “người khởi xướng” muốn đánh vào nền kinh tế Nga và gây ra thiệt hại đáng kể cho lĩnh vực quốc phòng của nước này do các yếu tố kinh tế.
Ông Pankin cho biết sắp tới châu Âu sẽ chứng kiến một làn sóng hậu quả từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng điều này sẽ không liên quan đến năng lượng, vì Moskva vẫn sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình. Theo ông này, các quyết định của Nga nhằm đáp trả phương Tây sẽ được thực hiện một cách thận trọng và theo sát các diễn biến.
“Bạn có thể thấy những làn sóng này cũng sẽ tràn về phía Tây Âu, nơi phụ thuộc vào chúng tôi, nhưng không phải vì chúng tôi vũ khí hóa nguồn cung năng lượng – chúng tôi luôn thực hiện nghĩa vụ của mình với các thỏa thuận và hiệp định đã ký”, ông nói.
Cũng theo Thứ trưởng Pankin, Nga đang đáp trả nhưng sẽ suy tính để hậu quả gây ra vừa phải, chứ “không gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được cho bản thân như một số quốc gia đã làm với chúng tôi”.
Tuyên bố trên của ông Pankin được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, và nhiều quốc gia khác đã giáng đòn lên Nga bằng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính, tác động đến lĩnh vực năng lượng, công nghệ quốc phòng và hàng không của nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều thành viên trong nội các của ông, nhiều tài phiệt có liên hệ với Điện Kremlin cũng bị trừng phạt cá nhân. Nhiều ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, ảnh hưởng đến giá của đồng nội tệ và nền kinh tế nước này.
Mỹ đánh vào ‘động mạch chủ’ của nền kinh tế Nga
Theo Republic World, ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đánh vào “động mạch chủ” của nền kinh tế Nga khi công bố lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ, than đá, khí đốt và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga.
Trong khi đó, ông Biden cũng đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với cơ quan hạt nhân Nga Rosatom.
Washington cũng đang thảo luận với ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này để xác định tác động của lệnh cấm làm giàu uranium từ Nga, mặc dù chưa có quyết định chính thức về vấn đề này, theo một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và các đồng minh khác của Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt với xuất khẩu công nghệ cho các nhà máy lọc dầu của Nga nhằm “dần làm suy giảm vị thế nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Nga”, theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh cũng đã giáng đòn mạnh vào lĩnh vực hàng không Nga khi đóng cửa tất cả các không phận của họ đối với các nhà khai thác hàng không Nga.
Phương Tây cũng đã áp đặt các lệnh cấm đối với ngành phát thanh truyền hình và công nghiệp thương mại của Nga, ví dụ như các nền tảng truyền thông xã hội có trụ sở tại Mỹ là Facebook và YouTube đã tạm ngừng chế độ kiếm tiền từ các nội dung của Nga, và cấm hát sóng các kênh thuộc sở hữu nhà nước của Nga như Sputnik, RT News và Russia Today./.
Theo Trí Thức Trẻ