Ngoại trưởng Mỹ lên án mạnh mẽ tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Bắc Cực, trong bối cảnh có các báo cáo rằng Trung Quốc đang tăng cường hoạt động nhằm trải đường cho việc quân sự hóa vùng biển này.
Hôm 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có mặt ở Phần Lan để tham dự cuộc họp Hội Đồng Bắc Cực, diễn đàn liên chính phủ của các quốc gia có lãnh thổ tại Bắc Cực. Ông Pompeo cho rằng việc Trung Quốc tự nhận mình là quốc gia cận Bắc Cực là một tuyên bố lố bịch.
“Trung Quốc tự nhận là quốc gia cận Bắc Cực. Chúng tôi cho rằng chỉ có các quốc gia Bắc Cực hoặc KHÔNG Bắc Cực. Không có hạng mục thứ ba. Và việc Trung Quốc tuyên bố khác đi không khiến họ được hưởng bất cứ đặc quyền gì”.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Mỹ sẽ tăng cường hiện diện tại Bắc Cực để ngăn chặn các tham vọng quân sự của Trung Quốc và Nga.
Trung Quốc vẫn luôn đòi hỏi các quyền như những các quốc gia có lãnh thổ Bắc Cực khác với tư cách là một nước “cận Bắc Cực”.
Theo chính phủ Hoa Kỳ, trong thời gian từ 2012 đến 2017, Trung Quốc đã đầu tư 90 tỷ USD vào Bắc Cực. Trong một số trường hợp, Trung Quốc dùng tiền để phát triển hạ tầng cơ sở, các doanh nghiệp và sử dụng nhân công của họ nhằm hiện diện lâu dài thường xuyên.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, Trung Quốc dự tính triển khai cả tàu ngầm có khả năng tấn công hạt nhân.
Tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức xuất bản Sách trắng Bắc cực. Trong Sách trắng này, Trung Quốc đã khái quát kế hoạch “Con đường tơ lụa địa cực”. Kế hoạch này dựa trên cơ sở Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của ông Tập Cận Bình.
“Lối hành xử hung hăng của Trung Quốc ở những nơi khác cho chúng ta thấy họ sẽ đối xử với vùng Bắc Cực như thế nào.” ông Pompeo nói.
“Liệu chúng ta có muốn các hạ tầng cơ sở đó cuối cùng sẽ giống như những con đường mà Trung Quốc xây dựng ở Ethiopia? Những con đường bị hư hỏng và trở nên nguy hại chỉ sau vài năm?” ông đặt câu hỏi.
“Liệu chúng ta có muốn biển Bắc Cực biến thành một Biển Đông mới, nơi đầy rẫy quân đội và những tranh chấp đòi hỏi chủ quyền?
Liệu chúng ta có muốn môi trường mong manh của Bắc Cực cũng rơi vào tình trạng bị tàn phá giống như những gì mà tàu cá Trung Quốc gây ra ở nơi này nơi khác, hay những hoạt động công nghiệp vô độ đang diễn ra tại Trung Quốc?
Tôi nghĩ câu trả lời đã rõ ràng.”
Đức Trí (T/h)