Bất cứ ai khi thật sự điều hành một công ty, cũng đều có khát khao đưa công ty mình bước lên tầm vĩ đại. Song, con đường đó không dễ dàng. Một trong những cách học hỏi dễ nhất là đọc tác phẩm “Từ tốt đến vĩ đại” của tác già Jim Collins.
Lời mở đầu cho chương 1 của cuốn sách này là một câu khẳng định khá kì lạ và nếu không hiểu sâu sắc, chúng ta sẽ ngỡ rằng nó rất mâu thuẫn “Tốt là kẻ thù của Vĩ Đại”
Jim Collins đã giải thích rất thuyết phục như sau: “Chúng ta không có những trường học vĩ đại, chính vì chúng ta đã có những trường học tốt. Chúng ta không có những chính quyền vĩ đại, chính vì chúng ta đã có những chính quyền tốt. Rất ít người sống một cuộc đời vĩ đại, chủ yếu vì người ta chấp nhận một cuộc sống tốt. Đa số các công ty không bao giờ trở thành vĩ đại chính vì đa số đã trở thành khá tốt. Và đây chính là một vấn đề lớn của các công ty.”
Ngủ quên trên một chiến thắng nhỏ dễ khiến người ta bỏ qua con đường dài và đích đến sau cùng. Các công ty cũng vậy, không điều gì khó hơn là vượt qua chính bản thân mình. Và để có thể từ một công ty với lịch sử vô danh, lột xác và vượt qua những công ty được xem là điều hành tốt nhất thế giới, thì công ty đó, theo Jim Collins, cần phải có những yếu tố sau trong giai đoạn “bước ngoặt”:
- Nhà lãnh đạo cấp độ 5
Không như hầu hết những nhà lãnh đạo khác, những người nổi tiếng và thường được đề cập đến trên báo, đài, các nhà lãnh đạo của những công ty có bước nhảy vọt từ “tốt đến vĩ đại” đều “khiêm tốn, ôn hòa, điềm đạm, thậm chí còn hơi e dè. Những vị lãnh đạo này là sự tổng hợp đầy nghịch lý giữa sự quyết đoán trong công việc và bản chất nhún nhường.”
Những nhà lãnh đạo cấp độ 5, họ còn hơn cả một nhà lãnh đạo hiệu quả, họ thật sự là những con người vĩ đại, khi họ có thể “hướng cái tôi khỏi cá nhân họ, đi vào mục đích lớn hơn là xây dựng công ty vĩ đại. Không phải những người lãnh đạo này không có cái tôi, hay không biết quan tâm đến bản thân mình. Thực tế, họ cực kỳ tham vọng – nhưng tham vọng của họ trước hết vì công ty chứ không vì bản thân.”
Có thể áp dụng công thức chung cho hình mẫu những nhà lãnh đạo này là Khiêm nhường + Ý chí = Cấp độ 5.
Không dừng lại ở đó, một đặc điểm chung nữa là, những nhà lãnh đạo cấp độ 5 rất quan tâm đến thế hệ kế nhiệm của mình. Họ không vì uy tín cá nhân và vinh quang của bản thân mà quên đi và bỏ mặc lợi ích chung của tổ chức. Điều tâm niệm đầu tiên và cũng là cuối cùng của họ, là làm sao cho công ty có sự phát triển bền vững và tốt đẹp.
Thành công là của tập thể, nhưng trách nhiệm là của họ. Chính quan điểm ấy, cùng với ý chí kiên cường sắt đá đã hình thành nên chân dung người lãnh đạo có thể tạo ra bước ngoặt cho những tổ chức trên con đường đi từ tốt đến vĩ đại.
- Con người đi trước – Công việc theo sau
Tôi rất tâm đắc với phát hiện của Jim Collins khi ông nhận ra rằng, điều tạo nên bước chuyển mình từ tốt đến vĩ đại, không phải là một hướng đi mới, tầm nhìn mới hay chiến lược mới, vì những điều đó, hầu như công ty tốt nào cũng có. Điều tạo nên khác biệt chính là, họ tìm và chọn ra những con người thích hợp, đặt vào những vị trí thích hợp trên chuyến xe đi của công ty.
Sau khi đã có những con người đúng, vị trí đúng, công việc đúng, họ mới tính đến việc sẽ lái chiếc xe của mình đi đến đâu trên con đường từ tốt đến vĩ đại. Tạo ra một bộ máy với những mắt xích hoạt động hoàn hảo và trơn tru, thì từ bộ máy đó, họ có thể hoàn toàn yên tâm trong quá trình hoạt động sau này của nó.
Chính cách thực hiện đó đã đưa những công ty vượt qua bước ngoặt, vì “nếu bạn bắt đầu với ai, rồi mới tới cái gì, bạn sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường thay đổi.” Điều những người cùng đi với nhau trên con đường phát triển cần, không phải là đi đâu, mà là đi với ai, và do đó, họ sẽ tự thôi thúc chính mình bởi động lực bên trong, không phải sự quản lý chặt chẽ hay thúc đẩy từ bên ngoài.
Nói như Jim Collins “tầm nhìn vĩ đại mà không có những con người vĩ đại cũng trở nên vô nghĩa.”
Chính vì vậy, điều mà một công ty vĩ đại tạo nên sự khác biệt, chính là họ đặt câu hỏi “ai” lên trước “cái gì”, để con người đi trước, công việc theo sau trở thành một quan điểm nhất quán và xuyên suốt quá trình phát triển.
- Đối mặt với thực tế phũ phàng
Điều làm nên một công ty vĩ đại, chính là trong những tình huống khó khăn, họ dũng cảm đối mặt với thực tế, dù thực tế có tồi tệ đến mức nào, bằng một niềm tin sắt đá. Trong mọi trường hợp, đội ngũ lãnh đạo đều có một tâm lý chung, đó là dũng cảm đối diện với khó khăn, song vẫn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng bất kể hiện tại có tồi tệ như thế nào, và Jim Collins đã gọi đó là “nghịch lý Stockdale”.
Mở rộng ra, đó không chỉ là sự phát triển của một công ty, mà còn là sự hoàn thiện con người. Cuộc sống luôn đầy bất công và sẽ có những điều khiến ta tuyệt vọng đau khổ. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết đối diện với những thực tế phũ phàng đó, chỉ có như vậy, ta mới có được sức mạnh thật sự để vượt qua. Sức mạnh từ thực tế, chứ không phải từ những giấc mơ.
Điểm mấu chốt của yếu tố này là, không thể có quyết định đúng nếu bạn trốn chạy thực tại. Chính vì vậy, điều quan trọng là tạo ra một môi trường để sự thật được lắng nghe, và chấp nhận bằng một niềm tin sắt đá vào tương lai.
- Khái niệm con nhím (Sự đơn giản trong 3 vòng tròn)
Trong câu chuyện cuộc chiến đấu của con cáo và con nhím, với sự chiến thắng thuộc về con nhím bằng việc dựa vào một chiến lược xuyên suốt và vô cùng đơn giản, Jim Collins muốn nhấn mạnh đến việc coi trọng những giá trị cốt lõi nhất, và theo đuổi một cách tập trung lĩnh vực mà mình giỏi nhất.
Điều quan trọng là sự giao nhau giữa điều bạn đam mê, điều bạn giỏi nhất và điều chi phối cỗ máy kinh tế của bạn, để từ đó chọn cho mình một triết lý đơn giản nhưng sâu sắc, xuyên suốt trong cả quãng đường phát triển từ tốt đến vĩ đại của bạn.
Vấn đề quan trọng chính là, bạn phải thấu hiểu chính tổ chức của mình. Chỉ có như vậy, mới có thể chọn lựa cho mình một điều cốt lõi nhất để gắn bó với nó, và từ đó trở nên vĩ đại trong chính ngành của minh.
- Bánh đà và vòng luẩn quẩn
Quá trình chuyển đổi từ tốt đến vĩ đại cũng giống như việc đẩy một chiếc bánh đà cồng kềnh to nặng. Điều quan trọng không phải là những thành công nhảy vọt, ngay lập tức, lúc ban đầu, mà là tích lũy gia tốc cho chiếc bánh đà để đến lúc chuyển động, sẽ quay nhanh vượt bậc.
Khác biệt giữa một công ty vĩ đại và một công ty không thể phát triển qua bước ngoặt, chính là thái độ của họ trong việc đẩy bánh đà. Một công ty chuyển đổi thành công, là công ty đã xem việc phát triển là một quá trình tích lũy lâu dài, và kiên trì bền bỉ. Họ chấp nhận, và kiên trì chọn lựa đi theo những giá trị riêng cốt lõi, chấp nhận những thực tế phũ phàng và dư luận xung quanh, để kiên trì đẩy chiếc bánh đà của mình, tích lũy cho đến ngày tiến xa và nhanh đột biến. Điều quan trọng là sự kỷ luật trong việc tuân thủ quá trình phát triển từ nền tảng đến nhảy vọt, không bị những huyên náo thời thượng tác động đến.
Bánh đà và vòng luẩn quẩn, chỉ cách nhau trong một gang tay của sự kiên trì, nhưng không phải công ty nào cũng phân biệt được.
5 yếu tố trên là những yếu tố chung nhất được rút ra từ các câu chuyện nhảy vọt đã diễn ra trong quá khứ, đồng thời là bài học cho sự phát triển trong tương lai. Song, thách thức thật sự, không phải là sự phát triển từ tốt đến vĩ đại, mà chính là làm sao để sự vĩ đại đó có tính bền vững và thách thức với thời gian, điều đó lại là một câu chuyện dài và thú vị hơn nữa.
“Từ tốt đến vĩ đại” không chỉ là câu chuyện về sự phát triển của các tổ chức công ty, mà còn là câu chuyện của sự hoàn thiện bền vững, của những yếu tố và giá trị làm cho quãng thời gian ngắn ngủi tồn tại trên Trái Đất này của mỗi chúng ta, được sử dụng một cách thực sự xứng đáng.
Đó là cả một hành trình dài. Nhưng tôi tin, cứ đi, sẽ đến. (Xem thêm bài : “ Kiên trì – Bài học lớn nhất để thành công”)
Theo tt.vn