Đây là những bí quyết thành công mà mỗi người cần nắm rõ.
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Vì thế, họ cố gắng tạo điều kiện tốt cho con, mong con đạt thành tích học tập xuất sắc, được nhận vào những ngôi trường danh giá để sau này có việc làm thu nhập cao.
Tuy nhiên, cuộc đời là của mỗi người. Con đường tương lai cần phải do chính mỗi người bước đi. Xét lâu dài, trẻ cần trau dồi nhiều kỹ năng để có được hạnh phúc và thành công. Vậy làm cha mẹ làm cách nào để giúp trẻ điều đó?
Chia sẻ về vấn đề này, bà Julie Lythcott – Haims là cựu hiệu trưởng của Đại học Stanford, nhà giáo dục và diễn giả nổi tiếng tại Mỹ đã có những chia sẻ cực thấm. Bà đưa ra lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ cần trau dồi 8 kỹ năng sau trước năm 18 tuổi cho con để giúp con vững bước trên đường đời.
1. Biết cách trò chuyện với người lạ
Khi vào đại học, bạn cần học cách hòa đồng với những người lạ, bao gồm giáo viên, bạn bè đồng trang lứa, đồng nghiệp và sếp ở nơi thực tập, giao dịch viên ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe,…
Để đạt được điều này thì cha mẹ cần rèn luyện cho con cách giao tiếp như: Chủ động chào hỏi và giới thiệu bản thân; sử dụng ngôn ngữ cơ thể lịch sự, bao gồm mỉm cười và nhìn thẳng vào mắt nhau; bắt tay; dám đặt câu hỏi,…
Một thanh niên 18 tuổi biết giao tiếp chín chắn sẽ nhanh chóng phát triển, nhận được sự tôn trọng và tình cảm từ người đối diện ngay lần đầu tiên gặp gỡ, thay vì bị coi thường vì trẻ tuổi.
2. Có khả năng xử lý các vấn đề giữa các cá nhân
Khi bước chân vào đại học và ra xã hội, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề giữa các cá nhân hơn so với thời thơ ấu. Vì thế, bạn cần biết cách giải quyết mâu thuẫn, cũng như cách hợp tác theo nhóm để hoàn thành nhiệm vụ.
Lúc này, các bậc cha mẹ không thể thay con giải quyết những hiểu lầm, an ủi những vết thương lòng như khi còn bé. Nếu không, con cái sẽ không bao giờ biết cách đối diện và giải quyết mâu thuẫn của chính mình.
3. Phải thích nghi với môi trường sống mới
Trong quá trình nuôi dạy, nhiều bậc cha mẹ rất nuông chiều con. Đơn giản như việc di chuyển đến một địa điểm mới, nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng gác lại công việc để đưa đón con. Họ chỉ lo con mệt mỏi, con không tìm được đường đi hay gặp vấn đề bất trắc.
Nhưng làm như vậy sẽ khiến đứa trẻ không biết đường đi, cách lựa chọn phương tiện di chuyển, cách lập kế hoạch di chuyển. Bà Julie Lythcott – Hamis chia sẻ, bà thường gặp nhiều sinh viên năm nhất bị đi lạc thường xuyên.
Một người trưởng thành cần có khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường sống mới, bao gồm biết các con đường trong khuôn viên trường, con đường của thành phố nơi đang sinh sống. Khi bước chân ra ngoài, bạn phải nhanh chóng tìm ra lộ trình di chuyển, bình tĩnh đối phó với tình trạng giao thông hỗn loạn, lên kế hoạch cho những chuyến đi. Đây thực sự là một kỹ năng sinh tồn rất quan trọng.
4. Có khả năng đương đầu với nhiều áp lực khác nhau
Nhiều cha mẹ có thói quen can thiệp khi thấy con gặp khó khăn. Vì vậy, đứa trẻ không biết rằng trong cuộc sống, mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách chúng muốn. Cuộc sống không phải lúc nào cũng “thuận buồm, xuôi gió”. Và trẻ phải học cách đối phó với áp lực, khối lượng công việc, sự cạnh tranh.
Do đó, việc trau dồi khả năng tâm lý chống lại căng thẳng cho trẻ là điều vô cùng quan trọng. Hãy loại bỏ tư tưởng cầu toàn để trẻ có thể làm quen và vượt qua thăng trầm trên đường đời.
5. Có khả năng tự quản lý thời gian
Nhiều bậc cha mẹ thường nhắc nhở con những việc cần làm: Bài tập hằng ngày, giờ ăn uống, giờ đi ngủ, chơi thể dục thể thao,… Khi thời gian biểu do cha mẹ lập ra và kiểm soát, trẻ sẽ nghe theo lời nhắc một cách thụ động.
Chính vì thế, khi xa cha mẹ và phải đối mặt với việc sinh hoạt một mình, nhiều bạn trẻ không biết cách sắp xếp thời gian, điều chỉnh thứ tự ưu tiên các việc. Điều này dẫn đến việc không ít bạn trẻ mải chơi, chểnh mảng học tập.
Sau khi vào đại học, bạn cần biết cách sắp xếp các công việc như chọn môn học, đi làm thêm, sinh hoạt câu lạc bộ,… Bạn phải có khả năng quản lý bài tập, nhiệm vụ và thời hạn nộp bài, sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý và có trách nhiệm.
6. Phải biết làm việc nhà
Để con tập trung vào việc học, nhiều cha mẹ không cho con tham gia vào việc nhà, dẫn đến con không biết tự lo cho nhu cầu bản thân, không tôn trọng sức lao động của người khác, không biết chịu trách nhiệm về lợi ích chung.
Để con không trở thành một người ích kỷ, vô tâm, cha mẹ hãy để con tự làm một số việc nhỏ trong nhà dù chỉ là rửa bát, đổ rác, gọt hoa quả,… Hãy dần dần vun đắp kỹ năng quan tâm đến cha mẹ và giúp đỡ người khác cho trẻ.
7. Phải có khả năng kiếm tiền và quản lý tài chính
Nếu một đứa trẻ chưa bao giờ kiếm tiền bằng sức lao động của chính mình và luôn tìm đến cha mẹ để xin tiền. Trẻ được cha mẹ luôn đáp ứng vô điều kiện các yêu cầu vật chất thì khó hiểu giá trị đồng tiền, cách quản lý tiền. Điều này khiến khi lớn lên, trẻ thiếu tinh thần trách nhiệm trong mọi việc.
Vì thế, khi lên đại học, các bạn trẻ nên bắt đầu làm những công việc bán thời gian, dù chỉ nhận được đồng lương ít ỏi. Điều này giúp các bạn trẻ có ý thức trách nhiệm hoàn thành công việc, biết kiếm tiền khó như thế nào và biết quản lý tài chính, không phung phí tiền bạc.
8. Có khả năng đánh giá và chấp nhận rủi ro
Trên con đường trưởng thành của con cái, cha mẹ luôn cố gắng hết sức mở đường cho con, giúp con tránh mọi cạm bẫy. Nhưng chỉ sau khi thử, thất bại và làm lại, trẻ mới có được sự kiên trì, biết chống lại thất bại và đạt thành công.
Khi trưởng thành, trẻ phải bắt đầu học cách trải nghiệm thất bại, chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình và tiếp tục phát triển thông qua những vấp ngã. Vì vậy, cách cha mẹ giúp đỡ con cái không phải là ở bên cạnh và làm mọi việc thay con mà hãy để con tự quyết định một số việc. Đó có thể là những quyết định liên quan đến tương lai của con như chọn trường, chọn chuyên ngành,…
Tốt nhất là để trẻ cùng tham gia quyết định, để trẻ tự phân tích ưu nhược điểm và rủi ro, chuẩn bị tinh thần cho mọi thất bại có thể xảy ra. Cha mẹ hãy trẻ tự tìm ra giải pháp cho các vấn đề. Đây chính là món quà trưởng thành tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con.
Theo Ứng Hà Chi–Thể thao & văn hóa