Sau 4 năm sóng gió trong quan hệ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Châu Âu dường như thở phào trước cam kết đối ngoại của ông Joe Biden.
Chuyên gia cấp cao Gil Barndollar của tổ chức Defense Priorities nhận định trên National Interest hôm 15/12 rằng “căn bệnh chết não” của NATO – như cách gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – cần được kê đơn một giải pháp mạnh hơn là quay lại hiện trạng cũ.
Một nghiên cứu mới do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ủy quyền kêu gọi cả sự đổi mới và cải cách, nhấn mạnh trọng tâm mới là những thách thức từ Trung Quốc.
Các nước NATO không muốn đối đầu Trung Quốc
Với 138 khuyến nghị cụ thể được tập hợp trong gần 70 trang, báo cáo của Nhóm Phản ánh độc lập (Reflection Group) có tên “NATO 2030: Hợp nhất cho kỷ nguyên mới” đã trình bày chi tiết kế hoạch triển khai. Các biện pháp kiềm chế Trung Quốc bao gồm từ việc chống lại thông tin sai lệch đến cải thiện quan hệ với các đối tác Châu Á.
Theo Barndollar, một số khuyến nghị này không có ý nghĩa thực tế và một số khác khá mơ hồ. NATO hiện đang thiếu hụt các công cụ quân sự, ý chí xã hội và mệnh lệnh chiến lược để chuyển hướng tầm nhìn về phía đông kênh đào Suez.
Hải quân của NATO hiện chưa đủ năng lực để đáp ứng mục tiêu mới. Thực tế, nước Anh đã chi ngân sách quốc phòng khổng lồ cho hai tàu sân bay thông thường không có máy phóng và máy bay F-35B. Lực lượng hải quân của Đức có thể cũng ở trong tình trạng không khá hơn, nhưng nhiều nước có lực lượng hải quân tinh nhuệ, khả năng chiến đấu của thủy thủ đoàn tốt và đội tàu vận hành hiệu quả về mặt chi phí.
Tác giả Barndollar cho rằng NATO có kỹ năng nhưng lại yếu về năng lực. Hải quân Hải quân Hoàng gia Anh thường tự hào sở hữu 23 tàu chiến đấu nhưng lại không bố trí đủ quân số cho hạm đội nhỏ này. Tại khu vực Bắc Đại Tây Dương, NATO chỉ có khả năng xuất kích 6 tàu ngầm tấn công. Mặc dù tình hình đã được cải thiện một chút nhưng vào năm 2018, liên minh có thể chỉ dựa vào một máy bay tuần tra hàng hải liên tục duy nhất tại khu vực trọng yếu này. Điều này là không đủ sức kiềm chế Hải quân Nga – mà ông Barndollar cho là đang suy yếu, chứ chưa nói đến hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN).
NATO cũng đã nhiều lần chứng tỏ rằng liên minh này không thực hiện tốt các nhiệm vụ “ngoài khu vực”. Cam kết đào tạo và tư vấn lực lượng an ninh kéo dài 2 thập kỉ tại Afghanistan là một trường hợp điển hình. Mặc dù có một số thành viên NATO (như Anh, Canada, Đan Mạch và Pháp) đã chiến đấu với tinh thần dũng cảm, nhưng các lực lượng dự phòng chủ yếu hoạt động cầm chừng do tâm lý sợ rủi ro và những cảnh báo của quốc gia khiến NATO không đạt được nhiều thành tựu tại đây. Tờ Times of London đưa tin vào năm 2009 rằng chính phủ Italy thực tế đã trả tiền cho phiến quân Taliban để quân đội của nước này không bị tấn công.
Ngay cả trường hợp của Libya, NATO cũng phải khó khăn để bắt đầu một cuộc không chiến ở quy mô hạn chế. Chỉ có 8/28 quốc gia thành viên vào năm 2011 tham gia cuộc chiến này – và hầu hết trong các nước đều hết đạn dược. Các thành viên NATO từ chối thực hiện công việc gìn giữ hòa bình khó khăn sau khi nhà lãnh đạo Muamar Qaddafi bị lật đổ. Libya hiện đang bị kéo vào một cuộc nội chiến và vẫn duy trì là một lỗ hổng an ninh trước ngưỡng cửa Châu Âu.
Đó là chưa kể sự thiếu đồng thuận trong lòng Châu Âu về vấn đề đối phó với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo như TTK NATO Stoltenberg có thể tuyên bố rằng “Trung Quốc không chia sẻ các giá trị của chúng tôi” nhưng ngoài tuyên bố này, có rất ít bằng chứng cho thấy các thành viên NATO ở Châu Âu hào hứng với một cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
Italy là một bên tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, trong khi một số thành viên khác trong liên minh được hưởng lợi từ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở khu vực Balkan. Một cuộc thăm dò vào tháng 9/2019 của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) cho thấy chỉ 10% dân số Đức nghĩ rằng nước này nên đứng về phía Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh Mỹ – Trung. Hơn 70% nghĩ rằng Đức nên giữ thái độ trung lập. 13 quốc gia Châu Âu khác được khảo sát cũng đưa ra kết quả tương tự.
Những báo cáo về rủi ro từ các thiết bị mạng không dây 5G của tập đoàn Huawei (Trung Quốc), cũng như cáo buộc từ phương Tây rằng Bắc Kinh che giấu thông tin trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 làm gia tăng sự nghi ngờ của Châu Âu đối với Trung Quốc. Dù vậy, không có diễn biến nào có đủ khả năng khơi mào một đối đầu.
NATO thay đổi tiếp cận Nga để giải phóng nguồn lực nhằm vào Trung Quốc
Thay vì lôi kéo Châu Âu vào cuộc ganh đua với Trung Quốc mà họ thiếu cả phương tiện và động lực, NATO sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho tất cả các thành viên của mình, bao gồm cả Mỹ, bằng cách duy trì sự tập trung cao độ vào các mối đe dọa an ninh mà Châu Âu đang phải đối mặt. Nga vẫn tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong số những thách thức này.
Nhiều nhà lập chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa hiện thực của Mỹ xoa dịu sự căng thẳng thông qua việc thiết lập lại và áp dụng một phương thức mới với Nga nhằm giải phóng nguồn lực cho cuộc đối đầu với Trung Quốc, đồng thời cho phép Mỹ lập lại trật tự. Mục tiêu này hợp lý và có lẽ có thể đạt được, nhưng cần sự phối hợp của hai phía Nga và Mỹ: Gia hạn Hiệp ước START mới, quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở và các hoạt động ngoại giao khác có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng và khôi phục lòng tin. Tuy nhiên, phương Tây vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi đối phó với các hành động của Nga ở Châu Âu.
Các thành viên NATO ở Địa Trung Hải như Pháp và Italy ngày càng có xu hướng coi trọng chủ nghĩa khủng bố và di cư hàng loạt hơn những mối đe dọa từ Nga trong danh sách các ưu tiên an ninh của nước mình. Quân đội Pháp đang tiến hành một chiến dịch đầy uy lực chống quân nổi dậy ở Mali, trong khi một loạt các nước NATO cung cấp binh lính, máy bay và nguồn lực cho chiến dịch chống ISIS ở Iraq và Syria.
Reflection Group đề cập đến sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi. Nhưng cả căn cứ hải quân của PLAN tại Djibouti và các hãng kinh doanh đồ lót của người Trung Quốc ở khu Thượng Ai Cập đều không phải là mối đe dọa đối với châu Âu. Các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và các dự án thương mại khác gần như chắc chắn che khuất những hỗ trợ cho mục tiêu an ninh của Châu Âu tại lục địa đen, gồm giảm thiểu dòng người tị nạn và hoạt động di cư do yếu tố kinh tế đến vùng Địa Trung Hải và sau đó xâm nhập vào lãnh thổ Châu Âu. Sự gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc mà Reflection Group gọi là “NATO ở phía nam” nhiều khả năng được Châu Âu tiếp nhận bằng sự chào đón hơn là nỗi lo ngại.
Châu Âu đã tận hưởng kỳ nghỉ dài trong lịch sử
Nhiều người Châu Âu nghĩ rằng khu vực này đã vượt ra khỏi xung đột vũ trang nghiêm trọng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea chỉ phần nào tác động đến quan điểm này. Thụy Điển không phải là thành viên NATO đã tái áp dụng lệnh nhập ngũ và gần đây đã tăng chi tiêu quốc phòng lên con số khổng lồ 40%, nhưng Đức và các nước thành viên NATO khác chỉ đưa ra cam kết thận trọng cho việc gia tăng chi tiêu quốc phòng.
Ngay cả với nước Anh tương đối hùng mạnh, quốc gia đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng vào tháng trước, cựu Tổng tham mưu trưởng Nick Houghton cảm thấy có nhu cầu cảnh báo chính phủ từ năm 2018 rằng “các nhà quan sát Mỹ đã nhận ra rằng chúng ta đang sống trong lừa dối”.
Sự yếu kém của Châu Âu còn thể hiện ở những việc cơ bản như tập hợp lực lượng bộ binh sẵn sàng chiến đấu. Một báo cáo của RAND xuất bản năm 2017 cho thấy ba thành viên chính của NATO ở Châu Âu gồm Pháp, Anh và Đức cùng nhau trong 1 tuần chỉ có khả năng điều động được một tiểu đoàn thiết giáp, và trong 1 tháng chưa đến ba lữ đoàn thiết giáp. Đối với một liên minh luôn có mối bận tâm lớn là nước Nga, khả năng này hoàn toàn không thích hợp. Điều này cũng dẫn đến sự tồn tại của Sáng kiến Phòng thủ Châu Âu do Mỹ vận hành trị giá 6,5 tỉ USD. Số tiền này có thể giúp Hải quân Mỹ chi trả cho các biện pháp răn đe hạt nhân quyết liệt.
Thay vì trở thành lực lượng hỗ trợ nửa vời cho Mỹ ở Châu Á, Gil Barndollar cho rằng NATO có thể góp phần tốt nhất trong việc kiềm chế Trung Quốc bằng tập trung xử lý các đe dọa từ Moscow. Nếu Nga và Trung Quốc tiếp tục xích lại gần nhau hơn và thực sự trở thành những đồng minh, Mỹ khó có thể có đủ nguồn lực để đối đầu với cả hai siêu cường.
Các ước tính về chi tiêu quốc phòng của Nga và Trung Quốc thường thấp hơn nhiều so với mức thông thường, do việc vận dụng không chính xác các ước tính dựa trên tỷ giá hối đoái trên thị trường thay vì ước tính sức mua tương đương (PPP).
Sự gia tăng của công nghệ chống tiếp cận càng xói mòn khả năng đóng góp của Mỹ vào nền an ninh Châu Âu. Bộ khung khái niệm mới của quân đội Mỹ cho các cuộc chiến lớn, Học thuyết Hoạt động đa miền (Multi-Domain Operations Doctrine), cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ không thể dễ dàng tăng cường sức mạnh quân đội trong một cuộc chiến gần ngang hàng. Điều đó dẫn đến hai lựa chọn: Gia tăng mạnh của lực lượng Mỹ ở Châu Âu, hoặc các thành viên NATO ở Châu Âu phải đảm nhận phần lớn gánh nặng kiểm soát thách thức từ Nga.
Lựa chọn đầu tiên là rất khó xảy ra, trong khi điều thứ hai sẽ tăng cường đáng kể khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Josh Hawley tuyên bố công khai vào tháng 11/2019 rằng nếu buộc phải lựa chọn, Mỹ sẽ từ bỏ các cam kết an ninh ở Châu Âu để có thể cạnh tranh hiệu quả hơn ở Châu Á.
Reflection Group đã chính xác khi nói rằng các thành viên của NATO ở Châu Âu cần tuân thủ chặt chẽ an ninh tập thể và khôi phục “quyền lực cứng”. Liên minh này sẽ phát huy hiệu quả cao nhất cho các nước đồng minh và an ninh toàn cầu khi kiểm soát tốt nền an ninh tại Châu Âu.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị