Hãng Rand vừa công bố nghiên cứu về Trung Quốc trong cuộc đối đầu với siêu cường Mỹ. Nghiên cứu nhằm tham mưu cho Mỹ cách ứng phó với Trung Quốc.
Hãng Rand là một cơ sở nghiên cứu nhận được tài trợ từ chính phủ Mỹ. Báo cáo mới đây của hãng này cảnh báo Mỹ nên chuẩn bị cho kịch bản về một nước Trung Quốc đang lên.
Nhóm biên soạn báo cáo “China’s Grand Strategy: Trends, Trajectories and Long-Term Competition” (tạm dịch là “Đại chiến lược của Trung Quốc: Xu hướng, Hành trình và Cạnh tranh Dài hạn”) đánh giá khả năng của Trung Quốc trong việc đạt các mục tiêu của mình trong vòng ba thập kỷ nữa.
Bốn kịch bản về Trung Quốc
Hãng Rand tính đến 4 kịch bản trong tương lai về Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ: 1- “Thắng lợi” (có nghĩa là Trung Quốc đạt tất cả các mục tiêu do mình đề ra; 2- “Đang lên” (đạt được vài mục tiêu chứ không phải tất cả các mục tiêu); 3- “Trì trệ” (chẳng đạt được mục tiêu nào), và 4- “Thất bại” thảm hại và đứng trước nguy cơ.
Báo cáo trên được biên soạn cho quân đội Mỹ và được xuất bản vào tuần trước. Báo cáo kết luật rằng kịch bản 2 (“Đang lên”) và 3 (“Trì trệ”) là khả năng dễ xảy ra với Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu không khẳng định khả năng Trung Quốc thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên Mỹ được xác định nên sẵn sàng cho mọi tình huống – theo các nhà nghiên cứu, đây là điều khôn ngoan.
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở một trong những mức thấp nhất trong nhiều thế kỷ. Hai bên đã đụng độ nhau trong hàng loạt vấn đề, từ thương mại, công nghệ, tới nhân quyền và Hong Kong.
Các nhà nghiên cứu loại trừ khả năng hai quốc gia này có mối “quan hệ đối tác thân cận” trong tương lai.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hai bên chỉ có được quan hệ như năm 2018 (khi quan hệ chưa xấu như hiện nay) nếu Trung Quốc ở vào trạng thái trì trệ.
Báo cáo dự báo, nếu Trung Quốc “đang lên” thì rất khó dự đoán quan hệ giữa 2 nước về kinh tế, ngoại giao, và quân sự cả trong trung hạn và dài hạn.
Mỹ củng cố năng lực bản thân để đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc
Nghiên cứu gợi ý quân đội Mỹ nên tăng chi phí quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cải thiện năng lực tác chiến liên lực lượng.
Nghiên cứu có đoạn: “Do Trung Quốc có thể có khả năng tranh chấp ở hầu hết các lĩnh vực và khu vực vào giữa thập niên 2030, Lục quân Mỹ (thuộc lực lượng liên hợp) sẽ cần có khả năng phản ứng lập tức trước các cuộc khủng hoảng và các kịch bản dự phòng ở bất cứ thời điểm đối đầu nào”.
Theo đó, quân đội Mỹ cần phải có khả năng “tối ưu hóa các đơn vị chủ chốt và năng lực chủ chốt trước khi chiến sự nổ ra”.
Theo báo cáo, khu vực Thái Bình Dương sẽ là chiến trường chính cho cuộc đối đầu trong tương lai cả trên bộ và trên không giữa hai bên, và quân đội Mỹ phải ưu tiên phát triển năng lực trên quy mô rộng lớn hơn nữa.
Báo cáo cho rằng hướng chú ý của quân đội Mỹ là nhu cầu duy trì lợi thế cạnh tranh trên bộ ở châu Âu, nhưng đồng thời họ cũng phải đầu tư nhiều cho một loạt năng lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do các thách thức đang nổi lên từ phía Trung Quốc.
Báo cáo đánh giá, Bắc Kinh dù bị suy giảm kinh tế đáng kể vẫn ưu tiên đầu tiên cho phát triển quân đội trong 10-15 năm tới.
Báo cáo nhận định: “Trung Quốc có ý đồ đạt lợi thế quân sự nhờ vào các công nghệ trọng yếu như vi tính và liên lạc lượng tử, trí tuệ nhân tạo, và công nghê sinh học. “Thành công trong các lĩnh vực này cùng các lĩnh vực liên quan sẽ quyết định bản chất của quan hệ Mỹ-Trung Quốc cũng như cuộc cạnh tranh toàn cầu và quân sự trong vòng 30 năm tiếp theo./.
Theo VOV