Tạo ra app “buôn” hàng xách tay nhờ “mượn” vali trống của người đi du lịch, startup này đặt mục tiêu có 10 triệu người dùng trong nước và 300 triệu người quốc tế
XtayPro là nền tảng kết nối cộng đồng những người đi du lịch với những người có nhu cầu mua hàng xách tay và những món đồ nhỏ lẻ. Startup này ra đời nhằm giải quyết tránh tình trạng người mua bị mua phải hàng giả. Năm 2018, XTayPro đã vượt qua 1770 đối thủ startup tiềm năng đến từ nhiều nơi trên thế giới để giành vị trí thứ 3 tại cuộc thi K- Startup Grand Challenge.
Ý tưởng “Mượn” phần vali trống của người đi du lịch
Người Việt ngày càng có nhu cầu lớn trong việc mua hàng xách tay. Theo ước tính, đây là thị trường trị giá hàng trăm triệu USD. Cụ thể, theo nghiên cứu, đến năm 2020 thế giới sẽ có khoảng 1 tỷ người dùng tham gia vào thị trường hàng xách tay. Trong đó, hơn một nửa giao dịch sẽ diễn ra ở khu vực Đông Á.
Hàng năm tại Việt Nam có hơn 4 tỷ lượt bay nhưng chỉ sử dụng 30% tiêu chuẩn hành lý. Điều này đã gây ra lãng phí cho nguồn tài nguyên này.
Để giải quyết bài toán trên, năm 2017, đội ngũ của anh Nguyễn Trung Hiếu đã cho ra đời ứng dụng mua hàng xách tay XTayPro. Đây là ứng dụng nhằm kết nối cộng đồng những người đi du lịch, công tác với những người có nhu cầu mua hàng xách tay và những món đồ nhỏ lẻ. Tận dụng phần hành lý còn trống của người đi du lịch để giúp họ tăng thêm thu nhập và đồng thời giúp người mua tiết kiệm chi phí cũng như vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, nền tảng XTayPro có hệ thống kiểm tra, phân hạng người dùng để bảo vệ khách hàng trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng vốn là mối lo lớn nhất của thị trường hàng xách tay và thương mại điện tử quốc tế.
CEO XTayPro Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Mình là bên thứ 3 đứng ra để kết nối người dùng, đảm bảo giao dịch dịch và cả hai bên để tránh sự cố về hàng hóa. Mình phát triển sản phẩm này vì thị trường đang cần. Hiểu rõ thị trường như có tấm Visa quyền năng của giúp startup vươn xa”.
XTayPro là một trong những startup tiên phong tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực này với ước tinh tiềm năng của thị trường lên hàng trăm triệu USD. Nền tảng này đã ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán mua hàng xách tay một cách hiệu quả. Để tránh tình trạng người mua bị mua phải hàng giả, XTayPro đã tìm ra giải pháp là người được nhờ mua hàng có thể chụp một bức ảnh làm bằng chứng tại cửa hàng. Ngoài ra, họ có thể chia sẻ tọa độ địa điểm mua hàng và quan trọng nhất họ có thể nhận được hóa đơn gốc để đưa về cho người mua trong nước.
Là một trong những startup còn đang trong quá trình xây dựng và tập trung ưu tiên hoàn thiện sản phẩm, CEO XTayPro quan điểm không chi quá mạnh tay cho việc quảng bá thương hiệu ở thời điểm mới bắt đầu, việc quảng bá tùy thuộc ở từng giai đoạn cụ thể khác nhau.
Hiện tại, doanh nghiệp này đang trong giai đoạn đầu – phát triển chiều sâu, hướng tới là phát triển khoảng 2 triệu người dùng. CEO XTayPro cho biết: “Lúc này, mình chỉ cần giải thích cho người dùng là khi sử dụng app họ được an toàn và hiệu quả hơn như thế nào. Còn đối với phát triển nhanh thì sẽ phát triển theo chiều rộng. Tương tự như một cái rễ cây ban đầu mình sẽ đâm sâu xuống đất và sau đó mới lan rộng ra thì mới vững chắc”.
Nhiều đối thủ sẽ tạo ra nhiều người dùng
Đội ngũ của XTayPro đặt mục tiêu sẽ có 10 triệu người dùng trong nước và 300 triệu người trong toàn khu vực.
Hiện tại, trong lĩnh vực hàng xách tay, XTayPro cũng có một số startup đối thủ đến từ Singapore và Hàn Quốc. Tuy nhiên, CEO XTayPro nhận định: “Việt Nam là một thị trường tiềm năng và khá khó để có thể tạo dấu ấn. Nhưng hiện nay, ‘miếng bánh’ đang rất to nên không có vấn đề gì nếu phải cạnh tranh trực tiếp với các startup này“.
Cũng theo CEO XTayPro, nếu phát triển thì đến năm 2020 mới phải lo cạnh tranh trực tiếp với nhau. “Buôn có bạn, bán có phường” nên càng nhiều người “nhảy” vào thị trường này thì sẽ càng nhiều người biết đến và chính vì vậy sẽ tiếp cận được nhiều người dùng hơn.
Vừa qua, XTayPro đã vượt qua 1770 đối thủ startup tiềm năng đến từ nhiều nơi trên thế giới để giành vị trí thứ 3 tại cuộc thi K- Startup Grand Challenge 2018. Đây cũng chính là bàn đạp để nền tảng này có thể phát triển trong nước và vươn ra khu vực như kỳ vọng.
Khởi Minh – Theo Trí Thức Trẻ